| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 10:00

Quản lý chất thải rắn

Đồ nhựa sử dụng một lần đầu độc đại dương

Thứ Tư 21/05/2025 - 09:34

Sự tiện lợi của đồ nhựa dùng một lần đang để lại hậu quả lâu dài cho đại dương.

Hệ sinh thái biển “ngộp thở” trong rác nhựa

Mỗi năm, hàng trăm nghìn tấn rác thải nhựa từ đất liền trôi ra biển, len lỏi vào các rạn san hô, bám vào lưới đánh cá, hoặc mắc kẹt trong dạ dày sinh vật biển. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, vi nhựa đã xuất hiện trong hệ tiêu hóa của hầu hết loài cá, nhuyễn thể lấy mẫu tại một số bờ biển Việt Nam. Dù đã có nhiều chính sách và mô hình xử lý, nhưng đây vẫn là một vấn đề nhức nhối của Việt Nam.

Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần. Tại Việt Nam, ước tính phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường. Thực tế, rác thải nhựa đại dương không chỉ đơn thuần là câu chuyện “rác trên biển”, mà là hệ quả tích tụ của lối sống phụ thuộc nhựa, công tác quản lý còn hạn chế và cơ chế chính sách chưa đủ mạnh.

Đồ nhựa dùng một lần là mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa.

Đồ nhựa dùng một lần là mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa.

Không chỉ gây tổn hại đến hệ sinh thái biển, rác thải nhựa cũng là mối đe dọa đối với ngành du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương ven biển. Tại Quảng Nam, mỗi đợt cao điểm du lịch, hàng chục tấn rác sinh hoạt và rác nhựa phát sinh, phần lớn trong đó chưa được phân loại tại nguồn. Du khách dần mất thiện cảm với bãi biển đầy rác, nước biển đục màu và những "dòng suối nhựa" chảy ra từ các khu resort ven sông.

Trong khi đó, tại Phú Quốc, Hội An hay Ninh Thuận, nhiều ngư dân ghi nhận sản lượng hải sản ngày càng giảm, nguyên nhân một phần đến từ mất cân bằng sinh thái do rác thải nhựa gây ra. 

Sự tiện lợi hay gánh nặng môi trường?

Một nghịch lý đó là, rác thải nhựa là mối đe dọa đối với ngành du lịch, nhưng cũng chính ngành du lịch lại là một trong những nguồn thải rác nhựa ra đại dương. Việc lạm dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống hàng ngày đang trở thành một trong những nguyên nhân chính góp phần vào ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu du lịch ven biển.

Sự tiện lợi, giá thành rẻ và khả năng sử dụng linh hoạt khiến các sản phẩm như túi nilon, ống hút, chai nước, hộp đựng thực phẩm nhựa… trở thành vật dụng phổ biến trong mọi sinh hoạt. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng này lại đang đẩy các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển vào tình trạng báo động.

Tại các khu du lịch, khách sạn, resort hay nhà hàng ven biển, mức độ tiêu thụ nhựa dùng một lần cao hơn nhiều lần so với trung bình. Các dịch vụ lưu trú thường phát miễn phí các sản phẩm nhựa như chai nước uống, bộ bàn chải đánh răng, dao cạo, túi giặt đồ, ly nhựa, bao đựng dép… Trong khi đó, khu vực phục vụ ăn uống thường sử dụng hộp xốp, thìa dĩa nhựa, ống hút nhựa cho các suất ăn nhanh, đồ mang đi. Việc tổ chức sự kiện ngoài trời, picnic biển, hay chợ đêm du lịch cũng kéo theo lượng lớn bao bì nhựa dùng một lần mà rất ít trong số đó được thu gom hoặc tái chế đúng cách.

Trong khi đó, hạ tầng tái chế rác tại các địa phương du lịch còn chưa đồng bộ, công tác phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai hiệu quả và thiếu cơ chế khuyến khích hoặc chế tài từ phía quản lý nhà nước. Kết quả là phần lớn rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động du lịch bị đốt, chôn lấp hoặc vứt bỏ ra môi trường xung quanh, đặc biệt là sông suối, bãi biển và hệ thống thoát nước đô thị ven biển.

Việt Nam đã triển khai rất nhiều mô hình nhằm quản lý rác thải nhựa hiệu quả và nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chẳng hạn như mô hình "Vận động ngư dân mang rác vào bờ" tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) và mô hình “Xóa điểm nóng và can thiệp tránh tái nhiễm” cải thiện chất lượng môi trường biển và nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vũng Rô (Phú Yên). Cả hai mô hình này đều cho thấy những tín hiệu khả quan trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rác thải nhựa đại dương, tuy nhiên, những mô hình này mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Việc triển khai các mô hình điểm dù có hiệu quả tại thời điểm ban đầu, nhưng nếu không được duy trì bền vững, hỗ trợ chính sách kịp thời và mở rộng quy mô thì khó có thể tạo ra chuyển biến lâu dài. Quan trọng hơn cả, gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở thói quen tiêu dùng nhựa dùng một lần - một “văn hóa tiện lợi” đã ăn sâu trong đời sống hàng ngày.

Việc lạm dụng đồ nhựa tiện lợi không chỉ phản ánh một hệ thống tiêu dùng thiếu bền vững mà còn cho thấy sự thiếu đồng bộ trong cơ chế khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh xanh. Nếu không thay đổi cách sản xuất, tiêu thụ và xử lý sản phẩm nhựa, mọi nỗ lực từ các mô hình thí điểm cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Để hạn chế rác thải nhựa, cần chuyển đổi thói quen tiêu dùng sang hướng giảm thiểu, tái sử dụng và thay thế nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Đi kèm với đó là các công cụ pháp lý mạnh mẽ, cơ chế tài chính hỗ trợ và sự cam kết đồng hành của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc thay thế nhựa dùng một lần bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động thay đổi nhận thức, xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn với phát triển bền vững. Đồng thời, mỗi người dân và du khách cũng cần được truyền cảm hứng để lựa chọn lối sống xanh, bắt đầu từ việc từ chối những chiếc ống hút hay bao nilon chỉ sử dụng trong vài phút nhưng tồn tại cả thế kỷ trong môi trường.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/do-nhua-su-dung-mot-lan-dau-doc-dai-duong-d754024.html