| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 06:49

Xã hội

Đề xuất Nhật Bản hỗ trợ xây thêm đập Sabo chống lũ quét

Thứ Tư 14/05/2025 - 06:44

Việt Nam đề xuất Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện mô hình đập Sabo trên suối Nậm Păm để phòng chống hiệu quả lũ quét, sạt lở đất.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn (trái) tặng quà lưu niệm cho ông Shin Ishikawa, Thư ký Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn (trái) tặng quà lưu niệm cho ông Shin Ishikawa, Thư ký Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cần xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo trên lưu vực suối Nậm Păm

Ngày 13/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức hội thảo Đối thoại hợp tác quản lý thiên tai Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 13 với chủ đề chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ cho các biện pháp ứng phó với sạt lở đất, lũ quét.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Tại Việt Nam, với địa hình 70% là đồi, núi cùng với tác động cực đoan của mưa, bão làm cho sạt lở đất, lũ quét ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân.

“Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra vào tháng 9/2024 tại miền Bắc Việt Nam. Hoàn lưu bão gây mưa lớn gây ra lũ, sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng. Hậu quả là 345 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương, gần 400.000 nhà bị hư hỏng, ngập nước, hàng trăm nghìn ha cây trồng và diện tích thủy sản bị hư hại, với tổng thiệt hại ước tính trên 81.800 tỷ đồng”, ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, việc đầu tư nguồn lực cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Nhân dịp này, Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Sơn đã gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thí điểm đập Sabo - công trình phòng, chống lũ bùn đá đầu tiên tại Việt Nam.

Công trình đã được hoàn thành vào tháng 4/2025 tại lưu vực suối Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất.

Ông Nguyễn Trường Sơn cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thí điểm đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Trường Sơn cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thí điểm đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Tuy nhiên, đây là đập thí điểm, được xây dựng đơn lẻ với quy mô nhỏ nên sẽ khó phát huy hết hiệu quả. Do đó cần xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo trên lưu vực suối Nậm Păm thành mô hình mẫu cho Việt Nam để đánh giá hiệu quả. Chúng tôi hi vọng phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện mô hình mẫu này”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất.

Ứng dụng khoa học công nghệ quốc tế trong phòng, chống lũ quét

Chia sẻ tại hội thảo Bức tranh toàn cảnh về lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam, bà Đặng Thị Hương, Phó Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thông tin: Trong giai đoạn 2015-2024, tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, trung bình mỗi năm, lũ quét và sạt lở đất làm 79 người chết, mất tích. Lũ quét và sạt lở đất cũng là một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại về người tại khu vực.

“Nguyên nhân chính xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do địa hình núi cao, độ dốc lớn nên bị chia cắt mạnh. Ngoài ra, kết cấu địa chất phức tạp, hệ thống sông, suối dày đặc, mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn cũng gây ra hai loại hình thiên tai trên”, bà Đặng Thị Hương phân tích.

Bà cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường đầu tư, xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, hệ thống cảnh báo tại các điểm có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực dân cư tập trung, công trình hạ tầng quan trọng.

Đập Sabo đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Đập Sabo đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

“Việc lắp đặt hệ thống cảm biến đo mưa, cảm biến dịch chuyển đất đá tại các khu vực có nguy cơ cao cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm kết hợp giữa thiết bị cảnh báo và công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ trong công tác ứng phó lũ quét, sạt lở đất”, bà Hương cho hay.

Cùng với đó, để tận dụng những hợp tác và nguồn lực từ quốc tế, bà Hương cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu về công nghệ cảnh báo, mô hình dự báo thiên tai. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp giải pháp công nghệ, thiết bị cảnh báo phù hợp với thực tế tại địa phương.

Chia sẻ về các loại hình thiên tai tại Nhật Bản, ông Takao Yamakoshi, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cho biết, thiên tai trầm tích tại Nhật Bản được phân làm 3 loại, đó là lũ bùn đá, sạt lở đất và sạt lở sườn dốc.

“So với lũ lụt, thiên tai trầm tích ảnh hưởng đến các khu vực cục bộ, nhưng rủi ro gia tăng khó nắm bắt và có nhiều khả năng gây thiệt hại về người hơn. Mặc dù thiên tai trầm tích là thiên tai xảy ra đột ngột nhưng vẫn có thể dự đoán ở một mức độ nào đó dựa trên địa hình nơi có khả năng xảy ra thiệt hại”, ông Takao Yamakoshi phân tích.

Theo đó, để ứng phó với thiên tai trầm tích, đại diện Nhật Bản cho rằng, cần thiết lập những quy định không để người dân sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai trầm tích. Đồng thời, cần kịp thời cảnh báo và sơ tán người dân trước khi thiên tai xảy ra. Cuối cùng, cần xây dựng các cơ sở trực tiếp ngăn ngừa thiên tai trầm tích.

Nhắc lại nội dung làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hồi tháng 4/2025, ông Shin Ishikawa, Thư ký Bộ trưởng - Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong việc phòng chống thiên tai.

“Để tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và phục hồi sau thiên tai, 2 Thủ tướng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nhất là các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt, sạt lở... ở khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam”, ông Shin Ishikawa nói.

Ngày 14/5, Đoàn công tác của Nhật Bản sẽ đến thăm thực tế các địa điểm đã từng xảy ra sạt lở đất tại tỉnh Yên Bái để tìm hiều về tình hình và các biện pháp phòng chống sạt lở đất ở Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa 2 nước trong tương lai.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-xuat-nhat-ban-ho-tro-xay-them-dap-sabo-chong-lu-quet-d752867.html