| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 19/05/2025 - 11:50

Thời sự

Đề xuất 9 chính sách đặc thù cho dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Thứ Hai 19/05/2025 - 11:43

Quốc hội xem xét 9 chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tuyến chiến lược kết nối Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Sáng 19/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, tuyến giao thông huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện, dự án cần được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Tuyến cao tốc chiến lược Đông - Tây

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo đó, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là một trong những dự án quan trọng quốc gia, nhằm hình thành trục ngang kết nối Đông - Tây, liên kết các trục giao thông dọc lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 1 và tuyến ven biển.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quochoi.vn.

Dự án không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải ngày càng tăng mà còn đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng không gian phát triển, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liên tục, vận tốc thiết kế 100 km/h. Hướng tuyến được tính toán đảm bảo ngắn nhất, thẳng nhất, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên, đất quốc phòng và giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tuyến được bố trí kết nối thuận lợi với các đô thị và khu chức năng quan trọng.

Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 43.700 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công, chia thành hai dự án thành phần: đoạn qua tỉnh Bình Định và đoạn qua tỉnh Gia Lai. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2029.

Cần chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Bình Định hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến quốc lộ 19, 24 và 25, trong khi vận tải đường thủy không có điều kiện phát triển, đường sắt kém hiệu quả do địa hình phức tạp và chi phí cao, còn hàng không chủ yếu phục vụ hành khách đường dài.

Do đó, việc sớm đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là yêu cầu cấp thiết để khai thác tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của khu vực Gia Lai – Kon Tum, đồng thời đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đề xuất áp dụng 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền Quốc hội. Cụ thể, ba chính sách đã được áp dụng cho cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; năm chính sách từng được dùng cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một chính sách áp dụng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cần làm rõ tính khả thi và tính đồng bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quochoi.vn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định hồ sơ dự án cơ bản đầy đủ và đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại phương án phân chia dự án thành hai dự án thành phần theo địa giới hành chính, trong bối cảnh chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được triển khai. Theo đó, Bình Định và Gia Lai có thể sáp nhập thành một tỉnh mới, việc phân chia theo địa giới hiện tại có thể ảnh hưởng đến tính đồng bộ trong triển khai dự án.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, cơ quan thẩm tra đồng tình với sự cần thiết phải áp dụng, song lưu ý một số điều chỉnh so với các dự án trước cần được thuyết minh rõ hơn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tính chất và mục tiêu của dự án.

Nếu được Quốc hội thông qua, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông vùng, đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh và hội nhập vùng sâu vùng xa với các trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước.

Danh mục 9 chính sách đặc thù gồm:

Về trình tự, thủ tục và thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần.

Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cần thiết.

Về cơ chế chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt.

Về thẩm định khả năng cân đối vốn đầu tư cho dự án.

Về triển khai đồng thời các bước lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Về quy hoạch và sử dụng bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa.

Về kế hoạch vốn bố trí cho dự án trong trung hạn và hàng năm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-xuat-9-chinh-sach-dac-thu-cho-du-an-cao-toc-quy-nhon--pleiku-d753886.html