Thứ bảy 24/05/2025 - 10:32
Chính trị
Đại tướng Lương Tam Quang báo cáo Quốc hội hai dự luật quan trọng
Thứ Bảy 24/05/2025 - 10:30
Chính phủ trình Quốc hội hai dự luật về dẫn độ và chuyển giao phạm nhân nhằm tăng cường hợp tác tư pháp quốc tế, khắc phục bất cập pháp lý hiện hành.
- Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự Đại hội Sinh thái tại Nga
- Sẽ hỗ trợ học phí cho trẻ em, học sinh dân lập từ năm học tới
- Hơn 116.314 tỷ đồng dành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi
- Quốc hội làm rõ vai trò của Mặt trận và tổ chức thành viên
Sáng 24/5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày trước Quốc hội Tờ trình về hai dự án Luật quan trọng: Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Trước khi bắt đầu chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Quochoi.
Luật Dẫn độ: Đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo quyền con người
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, quy định về dẫn độ hiện nay đang được điều chỉnh trong một số chương của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007. Tuy đã góp phần quan trọng thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng sau hơn 16 năm thực thi, các quy định này đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế trong bối cảnh yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.
Do đó, việc ban hành Luật Dẫn độ là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế, bảo đảm tính khả thi và chặt chẽ trong thực tiễn áp dụng.
Dự thảo Luật Dẫn độ gồm 4 chương, 45 điều. So với quy định hiện hành, dự thảo sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và lược bỏ 1 điều. Đáng chú ý, một trong những nội dung mới là việc chuyển thẩm quyền quyết định áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an, cơ quan chủ trì công tác dẫn độ.

Đại tướng, Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình tóm tắt về 2 dự án luật. Ảnh: Quochoi.
Về chi phí thực hiện, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của các bên. Cụ thể, nếu Việt Nam là bên yêu cầu dẫn độ, Việt Nam sẽ chi trả chi phí từ thời điểm tiếp nhận người bị dẫn độ. Ngược lại, nếu Việt Nam là bên được yêu cầu dẫn độ, Việt Nam sẽ chi trả đến thời điểm bàn giao, trừ khi có thỏa thuận khác.
Dự thảo cũng làm rõ các căn cứ từ chối dẫn độ. Theo đó, có thể từ chối dẫn độ nếu có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu có nguy cơ bị truy bức, tra tấn do phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch hoặc quan điểm chính trị… Ngoài ra, Việt Nam có thể từ chối dẫn độ đối với các tội danh có liên quan đến chính trị hoặc quân đội.
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù: Tăng cường bảo vệ quyền lợi công dân
Cùng với dự án Luật Dẫn độ, Bộ Công an cũng trình Quốc hội dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi Luật TTTP năm 2007 và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Dự thảo luật gồm 4 chương, 45 điều, trong đó sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều và bãi bỏ 5 điều so với luật hiện hành. Một điểm nổi bật là quy định rõ Bộ Công an là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, nhằm đảm bảo thống nhất trong quản lý và phối hợp hiệu quả với các nước đối tác.
Về điều kiện chuyển giao, người đang chấp hành án phạt tù có thể được chuyển giao nếu đáp ứng các điều kiện như: là công dân Việt Nam hoặc nước nhận; hành vi bị kết án là tội phạm theo quy định pháp luật của cả hai nước; bản án đã có hiệu lực pháp luật; còn thời gian thi hành án ít nhất một năm (trừ trường hợp đặc biệt); và có sự đồng ý của người bị chuyển giao cùng các bên liên quan.
Dự thảo cũng quy định chi tiết về chi phí chuyển giao. Trường hợp Việt Nam là nước chuyển giao, sẽ chi trả chi phí đến thời điểm bàn giao; nếu là nước nhận, sẽ chi trả chi phí từ thời điểm tiếp nhận. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ chi phí chuyển giao theo quy định pháp luật.

Toàn cảnh cuộc họp sáng 24/5. Ảnh: Quochoi.
Tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hợp tác quốc tế
Việc trình Quốc hội hai dự luật chuyên biệt về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc hiện đại hóa hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế vào hệ thống tư pháp Việt Nam.
Đây cũng là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam ký kết và thực thi các điều ước quốc tế, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, vì một môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả và nhân văn.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dai-tuong-luong-tam-quang-bao-cao-quoc-hoi-hai-du-luat-quan-trong-d754793.html