Thứ ba 13/05/2025 - 11:40
Chính sách - Pháp luật
Đã có tiêu chí lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Thứ Ba 13/05/2025 - 11:33
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.
- Doanh nghiệp xử lý rác nhưng lại ‘đói rác’
- Trà Vinh triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa
- Cần thanh, kiểm tra việc thực hiện Đề án xử lý rác thải
Hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải xử lý, giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp chất thải và hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong những năm tới.
Nguyên tắc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, trong đó phải đảm bảo phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan từng thời kỳ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, phải phù hợp với khối lượng (thu gom, vận chuyển), thành phần, tính chất của chất thải rắn sinh hoạt phát sinh sau phân loại theo quy định của chính quyền địa phương và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện có ở địa phương.
Đặc biệt, phải phù hợp với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng thời, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải, ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, có hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa phát sinh chất thải thứ cấp và có phương án phù hợp để xử lý chất thải thứ cấp phát sinh.
Tiêu chí linh động cho địa phương
Căn cứ kết quả điều tra, khảo sát thực tế các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được triển khai áp dụng tại các địa phương trên toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích, lựa chọn một số mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng có hiệu quả tại đô thị và nông thôn.
Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn căn cứ vào các tiêu chí: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; địa bàn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; các tiêu chí khác (có đầy đủ các thủ tục môi trường theo quy định; có phương án xử lý từng loại chất thải thứ cấp; có thị trường tiêu thụ sản phẩm…).
Trong đó, các địa phương cần lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp từng địa bàn. Điển hình như, tại đô thị, khu dân cư tập trung (phường, xã đồng bằng) thì ưu tiên lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung cho nhiều phường, xã. Còn tại nông thôn (xã vùng núi, vùng cao) và đặc khu thường có mật độ dân cư thấp, giao thông không thuận lợi, chi phí thu gom, vận chuyển cao thì ưu tiên mô hình xử lý tập trung cho từng địa bàn xã, đặc khu.
Riêng với rác thải của hộ gia đình tại khu vực nông thôn thì khuyến khích áp mô hình xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình vì chi phí thu gom, vận chuyển cao, trong khi đặc thù khu vực này thường có quỹ đất lớn, có nhu cầu sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng phân mùn hữu cơ để trồng các loại cây ăn quả và cây công nghiệp.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/da-co-tieu-chi-lua-chon-mo-hinh-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-d752881.html