| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 30/04/2025 - 06:25

Văn hóa

Cuộc đoàn tụ của những con tàu

Thứ Tư 30/04/2025 - 06:21

Mỗi chúng ta, ai cũng có một tấm vé trên chuyến tàu hội ngộ mang tên Thống nhất Đất nước.

Năm nay, kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Tổ quốc ta đã liền một dải, ngoài mọi nghi thức trang trọng và hoành tráng khác, chúng ta sẽ thực hiện một cuộc đoàn tụ của những con tàu trên cung đường sắt đã từng bị tàn phá và hoang phế trong bao năm giặc giã và chiến tranh. Nếu tôi không nhầm, sẽ có hai đoàn tàu, 1 khởi hành từ Thủ Đô Hà Nội và 1 khởi hành tại Thành phố Hồ Chí Minh để cùng hội tụ giữa lòng Tổ quốc ta.

Công tác chuẩn bị cho đoàn tàu Thống nhất dự kiến xuất phát từ ga Hà Nội vào tối 29/4. Ảnh: N.Nhung.

Công tác chuẩn bị cho đoàn tàu Thống nhất dự kiến xuất phát từ ga Hà Nội vào tối 29/4. Ảnh: N.Nhung.

Một cuộc đoàn tụ vô cùng cảm động và giàu ý nghĩa.

Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại một sự kiện cũng hệt như thế, được thực hiện vào cuối năm 1976, sau hơn 1 năm thống nhất nước nhà.

Có sự trễ đó là bởi đến thời điểm cuối 1976, chúng ta mới hồi phục hoàn toàn tuyến giao thông trọng yếu và có thể nói là đầy kỷ niệm vô giá của nhân dân ta - chuyến tàu đặc biệt lần đầu tiên sau khi ta hoàn thành công việc tu sửa và làm mới đường sắt Bắc Nam. Hai đoàn tàu cũng thực hiện theo cách cùng khởi hành: 1 khởi hành tại Thủ đô Hà Nội và 1 khởi hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và cùng hội tụ ở một điểm giữa lòng Tổ quốc. May mắn cho tôi cùng một số các nhà báo đã vinh dự có mặt trên chuyến tàu lịch sử sau giải phóng.

Lên đường

Đó là một buổi chiều cuối ngày 31/12/1976, chúng tôi lên đường từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội).

Nhật ký của tôi ngày ấy còn ghi rõ: “Có tiếng nhạc nào đơn điệu và ru ngủ hơn tiếng nhạc ray. Nhưng đêm nay, tất cả con tàu không ai ngủ cả. Nhắm mắt làm sao được giữa những hình ảnh hân hoan hồ hởi đang mỗi giờ mỗi phút diễn ra hai bên khung cửa tàu, giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hò reo đến vỡ ngực... Lệ thường, mỗi hành khách đi tàu đều có một sân ga tiễn đưa và một sân ga chào đón. Còn đối với chúng tôi, những hành khách của con tàu đặc biệt này, trước mắt mình mọi nhà ga đều chào đón, mọi nhà ga đều tiễn đưa”.

Con tàu chở chúng tôi lao vào những vùng đất. Trong bóng tối dày đặc của một đêm cuối năm nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy, những bóng người thấp thoáng bên đường. Làm sao cắt nghĩa được tình cảm của những người dân đồng bằng với một con tàu, một cung đường sắt. Đường sắt, ấy là sự hiện diện của những ngày đất nước thanh bình, sự vẫy gọi của những chân trời rất xa xôi mà không cách biệt, sự đoàn tụ và cả sự chia tay. Ai trong chúng ta qua tuổi trưởng thành mà chưa một lần đặt chân lên một toa tàu để cảm thấy cái thú vị của một chuyến đi xa, cái thú vị được mục kích những bức tranh làng quê diễu hành qua phía ngoài khung cửa.

Ký ức đưa tôi về với tuổi thơ, những buổi chăn bò, chăn trâu dọc theo đường sắt bỏ hoang. Ngày giặc đến, con đường sắt tự chấm dứt một cuộc đời và phân thân ra trăm cuộc đời khác. Cùng với những đội tự vệ hỏa xa, con đường sắt đã đứng lên. Chiếc tà vẹt định nhịp cho bà con lối xóm đi về lại có lúc rung lên những hồi báo động "kẻng, kẻng, kẻng…" trong cái truyện ngắn lý thú của cụ Ngô Tất Tố, chính là chiếc tà vẹt gỡ ra từ một nền đường sắt, chiếc tà vẹt đã từng như một lực sĩ không biết mỏi dang đôi vai trần gánh cặp đòn trăm tấn. Và thanh ray đang vắt vẻo bắc qua một con mương kia đã lên màu xám gỉ vì nhớ bánh một con tàu.

"Lao" qua kỷ niệm

Tôi nhớ, tàu đi qua Phú Hòa (Quảng Bình).

Tôi có ở đây một chút kỷ niệm (những người lính chúng ta trên những chặng hành quân có cái thú là thường được gặp lại chính mình).

Chính nơi đây, trong một lần tập kết trước khi vào chiến dịch, chúng tôi đã được về đóng quân trong cái xóm nhỏ ven đường tàu kia. Xóm vắng, tre pheo và dâu mía thế thôi, chẳng có gì đặc biệt. Ở đấy có một o tên Hồng, anh em bộ đội đều quen thân. Ờ đấy có em Thoàn, nghịch mà hay vòi vĩnh, khóc nhè. Ở đấy có một dòng sông nhỏ mà tiếng địa phương gọi là con rào. Trên dòng sông đó, còn nhô ra một khúc cầu sắt gãy gập, đen đủi, còng queo, khắp mình quấn đầy dây leo và cỏ dại.

Chính nơi đó, mỗi buổi chiều về, chúng tôi thường ra tắm. Những đứa trẻ thì trèo lên thanh cầu gãy mà lao xuống như là người ta vẫn làm trong các bể bơi. Thật chẳng ai trong chúng tôi lại có thể tưởng tượng rằng, một lúc nào đó trên dòng sông kia, lại vươn bóng một nhịp cầu, và một con tàu sầm sập lao qua. Chuyện đó xa xưa quá, ngay những người già trong làng cũng không còn ai nhắc đến nữa. Cái xóm Phú Hòa này cách trở xa xôi lắm, chỉ có những người lính Trường Sơn chúng tôi mới có dịp ghé đến. Con gái đội mũ cối và cụ già, trẻ con đều mặc áo quần bộ đội. Nhà có năm người, năm chiếc ba lô, năm cái võng bạt. Và đêm kỷ niệm của kỷ niệm ấy, trước lúc lên đường, tôi và các bạn kéo nhau ra mắc võng nằm tâm sự trong cái hầm đào sâu dưới nền con đường sắt cũ. Cái hầm dùng để nhốt bò. Mùi phân bò nồng nặc. Nhưng chúng tôi cảm thấy ấm cúng vô cùng. Lòng đất, lòng đường, xóm mạc mở ra che chở cho chúng tôi. Và cũng lạ thật, chẳng ai trong chúng tôi tưởng tượng đến một lúc nào đó, một con tàu sẽ sầm sập lao qua trên đầu chúng tôi, những ô cửa lấp lánh đèn, hoa và mặt người.

Ấy thế mà đêm ấy, sau bao đêm, tàu tôi đang qua Phú Hòa!

Thuỵ đâu rồi, Duy đâu rồi, Đức đâu rồi? Các bạn ơi trên chỗ ngày nào chúng ta nằm ôm nhau ngủ quên trong đất, giờ đã có thật một con tàu. Con tàu lao qua kỷ niệm của chúng mình và vươn tới những miền xa, xa lắm!

Tôi nhô người ra ngoài bậc cửa và gọi thật to:

- O Hồng mô rồi? Có o Hồng đó không?

Tôi cảm thấy như ở dưới vang lên một nhịp cười. Chắc chẳng còn ai nhớ tôi cả, một người chiến sĩ chỉ một bận qua làng và chưa một lần trở lại.

Điểm hẹn

12 giờ trưa ngày đầu tháng đầu năm 1977, tàu qua Đà Nẵng

Hôm ấy, trời bỗng nắng bừng lên rất đẹp. Nếu một dải đất nước ta thâu trọn bốn mùa, thì Đà Nẵng lúc ấy đang là mùa xuân.

Mùa xuân của hội hè.

Mùa xuân của gặp gỡ.

Khi đoàn tàu chúng tôi đến ga, đoàn tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đã có mặt. Những thác người ùa ra từ mọi khung cửa, hòa vào nhau như hai dòng sông cùng đổ vào biển lớn. Anh Ba Nam, trưởng đoàn của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, siết chặt tay anh Hà Đăng Ấn. Chúng tôi gặp ở đây chị Huỳnh Thị Lan, vợ anh hùng Phạm Văn Hai, và chị Phan Thị Thành, vợ anh hùng Bành Văn Trân. Cô Đoàn Thị Vân, công nhân của xí nghiệp in quốc doanh Sài Gòn ấn quán, nhắc lại những ngày hoàn thành cuốn sách "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" mà cô và các bạn đồng nghiệp đã phấn đấu rất cao.

Chị Trần Thị Kim Ngoạn, kỹ sư thiết kế đoạn đường sắt Phù Mỹ - Đà Nẵng thì đang bận rộn với bao ý nghĩ trong đầu. Đoạn đường sắt đã hoàn thành bước một, chúng ta còn phải nâng cấp nhanh chóng để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lần này về thăm miền Bắc là dịp tốt cho những dự định sắp tới của chị. Nhà sư Giới Nghiêm, tục danh là Nguyễn Đình Trấn, khoác áo cà sa vàng rực đứng lặng lẽ nhìn biển người. Chắc Hòa thượng đang nhớ lại những ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng trong Tam Bảo tự, Đà Nẵng, hồi tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.

Tất cả các đại biểu ấy đều có chung một nguyện vọng: Được về Hà Nội để thăm Lăng Bác, để dâng lên Người niềm kính yêu và biết ơn vô hạn của mình.

…Như tôi đã nói ngay từ đầu tiên, rằng, năm nay, 2 chuyến tàu hội ngộ cũng sẽ khởi hành từ 2 đầu, đúng 11 giờ 30 trưa 30/4/2025, sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng. Kế hoạch tiếp theo là gì tôi chưa hình dung rõ, vì năm nay tôi không phải là anh nhà báo chiến trận của gần 50 năm về trước, đi trên chuyến tàu ký ức non sông.

5 giờ chiều 4/1/1977, tàu vào cây số 1730 – chạm Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi bước đi giữa biển người. Những ống kính hướng về chân dung Bác ở phía đầu tàu. Trong cuộc hành trình xuyên qua đất nước, Bác đã cùng lên đường với con cháu. Và khi con cháu đến được đích cuối cùng, Bác đang mỉm cười nhìn con cháu nô nức tìm nhau trong cuộc hội ngộ lịch sử.

Nhưng lòng tôi lại đủ trí tưởng tượng để hình dung ra, hoặc tự vẽ nên những gương mặt, những nụ cười, mà trong tất cả, đều sáng bừng lên và trào dâng nước mắt. Đất nước đã bao năm lận đận chiến tranh với những chuyến tàu chia ly. Đất nước đã hạnh phúc biết bao trong chuyến tàu hội ngộ. Chuyến tàu hội ngộ đầu tiên ấy, sau khi gặp nhau ở ga Đà Nẵng, tiếp tục khởi hành, đưa chúng tôi đi qua vùng đất Cực Nam Trung bộ; qua Chiến trường Tam giác Bình Thuận. 5 giờ chiều 4/1/1977, tàu vào cây số 1730 – chạm Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi bước đi giữa biển người. Những ống kính hướng về chân dung Bác ở phía đầu tàu. Trong cuộc hành trình xuyên qua đất nước, Bác đã cùng lên đường với con cháu. Và khi con cháu đến được đích cuối cùng, Bác đang mỉm cười nhìn con cháu nô nức tìm nhau trong cuộc hội ngộ lịch sử.

Đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên tiến vào sân ga Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên tiến vào sân ga Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Đúng, chưa thể hình dung trưa 30/4 năm nay, chặng tiếp theo sẽ như thế nào. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, dù không được bước chân trên con tàu “bằng xương bằng thịt”, nhưng tôi, và mỗi chúng ta, từng con người, ai cũng thấm thía niềm hạnh phúc xúc động trào dâng, và ai cũng có một tấm vé trên chuyến tàu hội ngộ ấy. Bởi cũng như gần 50 năm về trước, con tàu trưa 30/4 là con tàu đất nước. Và cuộc đoàn tụ của gần 50 năm sau ngày giải phóng không chỉ là cuộc đoàn tụ của những con tàu mà là cuộc đoàn tụ của một dân tộc Việt Nam chung một cơ thể, liền một dải, chung một cơ đồ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoc-doan-tu-cua-nhung-con-tau-d750544.html