| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 08:13

Trồng trọt

Cú bứt phá của Tuần giáo

Thứ Năm 24/04/2025 - 08:03

Hơn 10 năm qua, cây mắc ca âm thầm bén rễ ở huyện Tuần Giáo. Đặc biệt năm chỉ trong hai năm 2023 - 2024, toàn huyện đã phát triển thêm hơn 3.120ha mắc ca.

Vươn lên ở vùng "khát mưa, thừa nắng"

Dưới cái nắng rát mùa khô, nơi gió rát mặt và đất dốc đứng, những gốc mắc ca vẫn lặng lẽ lớn lên, cắm rễ vào sườn đồi, chắt chiu từng giọt nước để sinh tồn.

Hơn 15 năm trước, những khoảng đồi ở khắp các địa phương của huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) còn lác đác ngô, sắn còi cọc. Người dân nơi đây sống chung với cái nghèo, năm được mùa cũng chỉ đủ ăn, năm mất mùa lại đứt bữa triền miên. Khi những cây mắc ca đầu tiên được đưa về đây, như đánh thức tiềm năng vùng đất này.

Ông Là Văn Chanh (phải) kể về hành trình phát triển cây mắc ca. Ảnh: Tú Thành.

Ông Là Văn Chanh (phải) kể về hành trình phát triển cây mắc ca. Ảnh: Tú Thành.

Bài liên quan

Ở bản Pha Nàng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), ông Là Văn Chanh, nguyên Chủ tịch xã là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca tại huyện. Người đàn ông năm nay ngoài 70 kể lại quá trình đưa cây mắc ca phát triển trên đất dốc: Trước đây, theo chủ trương, cây cao su được chọn làm "cứu cánh" để phát triển kinh tế với diện tích lên tới hơn 1.000ha, người dân có thu nhập đều đặn 4 - 5 triệu đồng/tháng tiền công đi khai thác mủ, ngoài ra còn được nhận thêm phần trăm từ vùng trồng của gia đình. Thế nên khi cây mắc ca mới có mặt, bà con không mấy mặn mà với cây trồng còn rất mới mẻ này.

Gia đình ông Chanh không được hỗ trợ khi trồng mắc ca bởi khu vực trồng của gia đình nằm phía sau nhà, biệt lập với vùng các công ty làm dự án. Dù vậy ông vẫn quyết tâm tìm hướng đi riêng. Những phóng sự về cây mắc ca trồng ở Tây Nguyên như thêm làn gió mới thôi thúc ông Chanh mạnh dạn đầu tư vào cây trồng này. 

Năm 2013, ông quyết định trồng thử 200 cây mắc ca trên diện tích 1ha của gia đình. Địa hình hiểm trở, ông phải "chẻ đồi", hạ từng băng đất, san thành những bậc thang để trồng mắc ca. Đất dốc, khô hạn tưởng chừng là hạn chế nhưng hóa ra lại phù hợp với cây mắc ca.

Những chùm quả non xuất hiện từ tháng 3. Ảnh: Đức Bình.

Những chùm quả non xuất hiện từ tháng 3. Ảnh: Đức Bình.

Bài liên quan

Về kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca, theo kinh nghiệm của ông Chanh là “bón phân tháng 10 cho lá và cành, bón tháng 4 cho quả”, phân bón chủ yếu là phân chuồng ủ hoai kết hợp NPK. Ngoài ra, cần chú trọng tỉa cành, tạo tán thường xuyên trong 3 năm đầu. Do vườn gần nhà nên ông kéo đường dẫn nước và tưới được thường xuyên cho cây mắc ca, giúp cây phát triển tốt.

5 năm sau, đồi mắc ca của ông Chanh đã bắt đầu cho quả bói, mỗi cây năng suất đạt từ 10 - 15kg, giá thu mua thời điểm ấy (năm 2018) tới 100.000 đồng/kg. Những năm sau, cây mắc ca đều đặn tăng dần năng suất vài kg/cây mỗi năm, đỉnh điểm có những cây đạt năng suất 30kg.

Hiện nay, giá thu mua mắc ca (quả tươi) dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, vẫn ở mức cao và ổn định. So với những mùa ngô, sắn trước kia, mắc ca thực sự là ánh sáng chói lọi rọi vào đáy túi của người dân Quài Nưa.

"Vẽ lại bản đồ" canh tác

Bài liên quan

Nhắc về những ngày đầu bỡ ngỡ với cây mắc ca, ông Chanh lắng giọng: “So với cây cao su được doanh nghiệp hỗ trợ bài bản, mắc ca hồi ấy lạc lõng một mình, có 1 công ty đến trồng khảo nghiệm thôi, tự phát triển nên đúng nghĩa đánh cược. Rất ít người biết hay nắm rõ hiệu quả kinh tế mà cây trồng này mang lại, cũng chưa hề hiểu gì về kỹ thuật. Vậy nên chưa ai tin tưởng".

Bước ngoặt chỉ thực sự tới khi ông Chanh thu hoạch những trái mắc ca đầu tiên. Tin vui lan đi, người nọ hỏi người kia có ai mua không, bán ở đâu..., những câu hỏi nặng trĩu lo âu. Và ông chỉ mỉm cười: “Người ta tìm đến mua, chứ mình không phải tìm”.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trồng cây mắc ca trong Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024. Ảnh: Trần Hương.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trồng cây mắc ca trong Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024. Ảnh: Trần Hương.

Huyện Tuần Giáo có khoảng 50ha trồng mắc ca do người dân tự mày mò phát triển. Sau vài năm triển khai trồng, nhiều hộ dân không đủ kiên nhẫn, không đủ sức bám trụ đã chặt bỏ hơn 36ha mắc ca khi còn chưa kịp ra quả. Chỉ còn 14ha kiên cường tồn tại, giờ đây mỗi cây đã cho thu hoạch trung bình 20 - 30kg quả mỗi năm. Với mật độ trồng gần 200 cây/ha, thu nhập bình quân mỗi ha mắc ca hiện đã đạt gần vài trăm triệu đồng và sẽ còn tăng cao trong những năm tới khi cây mắc ca vào thời kỳ cho năng suất ổn định.

Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã đã "vẽ lại bản đồ" canh tác, đất bạc màu, đất hoang được chuyển đổi sang trồng mắc ca. Từ 149 hộ trồng mắc ca năm 2022, đến nay đã có 579 hộ tham gia. Diện tích trồng mới năm 2025 dự kiến đạt 108ha, chưa kể tái khởi động vùng 500ha cũ của Công ty Macadamia Ðiện Biên.

Tổng diện tích cây mắc ca của xã hiện ước đạt 600ha. Một số hộ linh hoạt trồng xen thêm sắn, cà phê với mắc ca để có thu nhập trước mắt nhằm "lấy ngắn nuôi dài" trong những năm chờ đợi mắc ca ra quả.

“Ba năm trôi qua kể từ ngày toàn xã đồng loạt chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây mắc ca, diện tích mắc ca liên tục tăng. Đó là tín hiệu cho thấy niềm tin của bà con với cây trồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Cú bứt phá hơn 3.200ha mắc ca

Huyện Tuần Giáo là mảnh đất “khát mưa, thừa nắng”, nơi đây có lượng mưa thấp, trung bình mỗi năm chỉ từ 1.200 - 1.500mm, phần lớn lại dồn dập trong ba tháng ngắn ngủi là tháng 6, tháng 7 và tháng 8 (chiếm tới 75% tổng lượng mưa cả năm).

Lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo và Tập đoàn TH ký biên bản hợp tác thực hiện dự án mắc ca tại Tuần Giáo. Ảnh: Lê Lan.

Lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo và Tập đoàn TH ký biên bản hợp tác thực hiện dự án mắc ca tại Tuần Giáo. Ảnh: Lê Lan.

Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi dốc, độ dốc thường vượt quá 30% khiến cho việc hạ băng, đào hố, vận chuyển phân bón, cây giống và đặc biệt là dẫn nước tưới… cho cây trồng hết sức khó khăn, tất cả đều phải dùng sức người.

Trước những thách thức của thiên nhiên, nơi đây đang âm thầm vươn lên, trở thành một trong những thủ phủ mắc ca tiềm năng của Tây Bắc.

Chỉ trong hai năm 2023 - 2024, toàn huyện đã phát triển thêm hơn 3.120ha mắc ca, tỷ lệ cây sống đạt 98%. Không chỉ trồng mới, Tuần Giáo còn "trồng cả niềm tin” bằng việc thành lập 155 tổ hợp tác tại các thôn bản.

Ông Trương Kiên Cương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Để đảm bảo sản xuất theo hướng hàng hóa, huyện quyết định thành lập 155 tổ hợp tác tại các thôn, bản. Các tổ hợp tác này đóng vai trò cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật, đồng thời thu gom sản phẩm để bán cho doanh nghiệp với giá ổn định”.

Chìa khóa dẫn tới sự bứt phá trong phát triển cây mắc ca tại Tuần Giáo đến từ bản hợp đồng được ký với Tập đoàn TH với cam kết thu mua toàn bộ sản lượng mắc ca của huyện trong suốt 50 năm tới, mức giá theo tiêu chuẩn thị trường Úc. Bản hợp đồng ấy như "phao cứu sinh" cho giấc mơ mắc ca của toàn huyện, giúp bà con vững tâm phát triển cây trồng này. Không chỉ vậy, người dân được hỗ trợ kỹ thuật theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đảm bảo chất lượng quả phục vụ chế biến.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cu-but-pha-cua-tuan-giao-d746475.html