| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 10:06

Khoáng sản

Công nghệ 'mắt thần' truy vết khai thác khoáng sản

Thứ Ba 06/05/2025 - 10:04

Với khả năng theo dõi tự động và dữ liệu minh bạch, công nghệ AIS đang góp phần tăng cường hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương.

Công cụ giám sát hiệu quả và minh bạch

Giữa năm 2023, UBND tỉnh An Giang đã thu hồi một loạt các giấy phép khai thác cát có vi phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ và một số doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hậu bị xử lý vì liên tục vượt ranh giới mỏ được cấp phép.

Hoạt động khai thác cát diễn ra trên sông tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Anh.

Hoạt động khai thác cát diễn ra trên sông tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Anh.

Việc phát hiện kịp thời các vụ việc này có một công cụ hộ trợ đó là hệ thống giám sát AIS (Automatic Identification System). Trước đây, những hành vi như vậy chỉ được phát hiện khi kiểm tra trực tiếp. Nhưng nhờ công nghệ AIS, toàn bộ hành trình vi phạm đã được ghi nhận rõ ràng, từ thời gian, tọa độ khai thác đến lộ trình vận chuyển.

Theo đó, Hệ thống giám sát tự động AIS (Automatic Identification System) hoạt động như một “mắt thần”, cho phép theo dõi chặt chẽ hành trình và hoạt động của các phương tiện tham gia thi công nạo vét, khai thác cát trên sông.

Cốt lõi của hệ thống giám sát AIS là việc mỗi phương tiện được gắn thiết bị phát tín hiệu AIS. Các tín hiệu này truyền dữ liệu theo thời gian thực về vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của tàu thuyền. Dựa vào đó, hệ thống có thể thiết lập vùng khai thác điện tử trên bản đồ nền số (Google Maps), các khu vực được cấp phép khai thác cát sẽ được khoanh vùng bằng tín hiệu AIS ảo. Khi một phương tiện vượt ra ngoài ranh giới đã được phê duyệt, hệ thống ngay lập tức phát cảnh báo, giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời.

Hình minh họa hệ thống nhận dạng tự động AIS. Ảnh: Thanh Huyền.

Hình minh họa hệ thống nhận dạng tự động AIS. Ảnh: Thanh Huyền.

Cùng với đó, hệ thống còn theo dõi và ghi nhận toàn bộ hành trình của các tàu nạo vét. Từ thời gian, tọa độ khai thác đến tuyến vận chuyển đều được ghi nhận đầy đủ và liên tục. Người quản lý có thể truy xuất và ghi lại hành trình của từng phương tiện theo từng khoảng thời gian cụ thể. Dựa vào đó có thể theo dõi tần suất hoạt động, số chuyến nạo vét và khối lượng cát được khai thác theo ngày, tháng. Các số liệu này làm căn cứ đối chiếu với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đảm bảo khối lượng cát được khai thác không vượt quá mức cho phép.

Không chỉ vậy, điểm nổi bật của hệ thống là tất cả dữ liệu AIS được truyền trực tiếp về Trung tâm Giám sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương và được lưu giữ tại đây tối thiểu 3 năm kể từ thời điểm kết thúc cát nạo vét để phục vụ tra cứu và truy vết khi cần thiết. Nhờ đó, cơ quan chức năng có thể giám sát theo thời gian thực, kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời kiểm soát được cả chuỗi vận chuyển, đối chiếu với lượng cát tiêu thụ thực tế.

Ngoài ra, hệ thống giám sát AIS còn tích hợp khả năng theo dõi toàn bộ chu trình khai thác: từ nạo vét, vận chuyển đến đổ thải giúp cơ quan quản lý nắm bắt dữ liệu đầy đủ, kịp thời, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sông ngòi, vùng ven biển.

Khai thác cát trái phép giảm đáng kể

Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Mắt Biển (EyeSea) chia sẻ: Với khả năng giám sát liên tục và chính xác gần như theo thời gian thực, hệ thống giám sát AIS không chỉ giúp phát hiện vi phạm ngay từ khi mới xảy ra mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết ngược lại toàn bộ quá trình khai thác, vận chuyển. Nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng khai thác bừa bãi, thất thoát tài nguyên.

Đánh giá cao tính ưu việt của hệ thống giám sát AIS, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang cho rằng, trong bối cảnh tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, tình trạng khai thác trái phép diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ như AIS được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc thiết lập kỷ cương khai thác, bảo đảm phát triển bền vững.

“Nếu như trước kia, việc giám sát chủ yếu dựa vào tuần tra trên sông, tốn nhiều nhân lực, chi phí và dễ bị đối tượng vi phạm đối phó, thì nay, với hệ thống AIS, chúng tôi có thể ngồi tại trung tâm và theo dõi được toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang thông tin thêm.

Hiệu quả còn rõ rệt hơn khi số vụ vi phạm hành chính liên quan đến khai thác cát giảm hơn 60% so với giai đoạn chưa có hệ thống giám sát AIS. Đặc biệt, một số tuyến sông trước đây thường xuyên xảy ra khai thác trái phép, như sông Hậu, sông Tiền, nay đã trở nên trật tự hơn.

Không chỉ An Giang, từ cuối năm 2022, tỉnh Đồng Tháp cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị AIS cho toàn bộ phương tiện khai thác cát có tải trọng từ 50 tấn trở lên. Quy định này áp dụng đồng bộ tại tất cả mỏ khoáng sản đang khai thác trên địa bàn tỉnh.

Hình ảnh minh họa tra cứu lịch sử hành trình tàu. Ảnh: Thanh Huyền.

Hình ảnh minh họa tra cứu lịch sử hành trình tàu. Ảnh: Thanh Huyền.

Bên cạnh giám sát hành trình phương tiện, Đồng Tháp còn tích hợp dữ liệu AIS với hệ thống camera tại các bến bãi, kho chứa. Khi phương tiện cập bến, hệ thống tự động đối chiếu dữ liệu hành trình với sản lượng cát khai thác được kê khai, từ đó phát hiện nhanh các trường hợp khai gian sản lượng hoặc vận chuyển không phép.

Nhờ những biện pháp này, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Đồng Tháp đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp, chỉ sau một năm áp dụng hệ thống giám sát AIS, số vụ vi phạm vượt ranh giới khai thác, vận chuyển lậu giảm hơn 50% so với năm trước.

Nhân rộng mô hình giám sát trên toàn quốc

Từ những thành công ban đầu tại An Giang, Đồng Tháp, việc áp dụng công nghệ AIS trong quản lý khai thác khoáng sản đang được mở rộng trên toàn quốc. Đặc biệt, là kể từ khi Nghị định 57/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa có hiệu lực, công nghệ AIS càng cần được ứng dụng rộng rãi. 

Nghị định quy định rõ: Các phương tiên thi công, vận chuyển khoáng sản là đối tượng cần phải được lắp đặt thiết bị AIS và đảm bảo rằng dữ liệu hành trình được ghi nhận chính xác. Việc thực hiện theo Nghị định này sẽ giúp đảm bảo công tác giám sát hiệu quả và khuyến khích các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện đúng các quy định về môi trường.

Không chỉ vậy, dữ liệu AIS từ các phương tiện sẽ được kết nối về các Trung tâm Giám sát tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh và Trung ương, tạo thành mạng lưới kiểm soát xuyên suốt, liên thông.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về khai thác khoáng sản dựa trên dữ liệu AIS kết hợp với dữ liệu giấy phép khai thác, sản lượng thực tế và thuế tài nguyên. Điều này sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, từ phương thức kiểm tra thủ công, thiếu đồng bộ, sang phương thức giám sát số hóa, minh bạch và có thể truy vết chính xác mọi vi phạm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-mat-than-truy-vet-khai-thac-khoang-san-d751345.html