Thứ năm 29/05/2025 - 05:05
Khoáng sản
Chuyên gia địa chất đưa giải pháp phòng tránh 'hố tử thần'
Thứ Hai 26/05/2025 - 19:24
'Hố tử thần' là cách người dân quen gọi một tai biến địa chất nguy hiểm, bất ngờ - sập sụt.
- Quảng Ninh: Xuất hiện “hố tử thần” trên Quốc lộ 18A
- Xuất hiện hố sụt lún cạnh tuyến ĐT188
- Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp đối với hố sụt lún
- Lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở và sụt lún cho xã vùng cao tỉnh Lào Cai
Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5, 7 “hố tử thần” xuất hiện tại huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đe dọa 21 hộ dân, ảnh hưởng 12 ha đất nông nghiệp khiến tỉnh này phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tiếp đó, ngày 20/5, một hố sụt lún đường kính khoảng 1 m đã xuất hiện sát tuyến đường tỉnh ĐT188, thuộc địa phận xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Cùng ngày, tại km25+300 quốc lộ 4D (thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cũng xảy ra sụt lở nghiêm trọng, khiến 2/3 mặt đường quốc lộ 4D bị lún, sạt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, qua khảo sát sơ bộ, yếu tố địa chất là nguyên nhân ban đầu gây ra sập sụt tại các địa phương trên.

TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Lan Chi.
Ông có thể nói rõ các yếu tố địa chất tác động như thế nào đến việc gây ra các “hố tử thần” nguy hiểm này?
Qua khảo sát sơ bộ, các khu vực xảy ra sập sụt trên đều có nền địa chất là các đá giàu cacbonat (đá vôi, đá sét vôi…). Các đá này dễ xảy ra quá trình karst hóa - sự hòa tan, rửa lũa đá cacbonat do tác động của nước, đặc biệt là nước mưa mang tính axit nhẹ (do CO₂ trong khí quyển hòa tan tạo thành H₂CO₃ - axit carbonic yếu). Đặc biệt tại các thung lũng karts nơi có các hoạt động đứt gãy kiến tạo phát triển mạnh kết hợp với quá trình lưu thông của nước dưới đất, thuận lợi cho quá trình karst hóa phát triển mạnh tạo nên hệ thống khe nứt, hang hốc karst ngầm.
Quá trình sập sụt có thể được hình thành từ hiện tượng trôi chảy đất đá vào các khe nứt hoặc hang hốc karst ngầm ở phía dưới và diễn ra từ từ nhưng cũng có trường hợp xảy ra bất ngờ do toàn bộ trần hang hoặc phần đất phủ trên mặt bị sập xuống.
Hiện tượng sập sụt thường xảy ra khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như: khi mưa lớn kéo dài nước ngầm cuốn trôi đất đá trong các khe nứt, hang hốc gây rỗng hóa nền móng; khi thời tiết hanh khô hoặc khai thác nước quá mức làm mực nước ngầm hạ xuống tạo các khoảng rỗng làm giảm khả năng chống đỡ của trần hang và phần đất phủ trên mặt dẫn đến sập sụt, gây ra “hố tử thần”.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã bước đầu đánh giá nguyên nhân sơ bộ về tình trạng sụt lún đất tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Phú Lực.
Ngoài ra, hoạt động nhân sinh như xây dựng các công trình, hoạt động giao thông… cũng làm gia tăng trọng tải tĩnh và động lên trần hang cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng sập sụt.
Thưa ông, Viện đã triển khai những nghiên cứu cụ thể nào để hỗ trợ các địa phương ứng phó với sập sụt?
Như đã nói ở trên, sập sụp karst là hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến quá trình sụt lún đất đá trên bề mặt ở các khu vực phân bố đá vôi. Hiện nay Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai Dự án "Điều tra, đánh giá đặc điểm karst ngầm nhằm phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển dân cư vùng đông bắc Việt Nam”.
Dự án được triển khai từ cuối năm 2018 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2025. Tính đến nay, dự án đã hoàn thành bước điều tra tổng quan về hiện trạng tai biến địa chất liên quan đến sập sụt karst ngầm ở tỷ lệ 1:200.000 cho 10 tỉnh khu vực đông bắc Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy khu vực có nguy cơ sập sụt cao nhất là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, tiếp đến là các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn,…
Dựa trên các kết quả điều tra tổng quan, dự án cũng đã triển khai điều tra ở tỷ lệ 1:50.000 khu vực TP. Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực TP. Đông Triều có nguy cơ sập sụt karst cao nhất. Từ đó, dự án cũng đã tiến hành điều tra chi tiết ở tỷ lệ 1:10.000 cho khu vực xã Hồng Thái Đông thuộc TP. Đông Triều. Dựa trên các kết quả điều tra địa chất kết hợp với công tác đo địa vật lý và khoan địa chất thuỷ văn đã xác định được 1 tầng hang ngầm phân bố ở độ sâu từ 14,6-18,8m.
Dựa trên các kết quả này, dự án đã phân vùng được nguy cơ xảy ra sập sụt karst ngầm, xác định được sơ bộ nguyên nhân gây ra sụt lún, từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu và đề xuất các giải pháp quy hoạch, phát triển dân cư an toàn và hợp lý hơn. Bản đồ hiện trạng và dự báo nguy cơ sập sụt karst ngầm khu vực đông bắc Việt Nam là sản phẩm quan trọng của đề án giúp các địa phương quy hoạch và tái quy hoạch dân cư - hạ tầng hợp lý và an toàn hơn, phục vụ định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn biến phức tạp, theo ông, thời gian tới, Việt Nam cần có những giải pháp nào để giảm thiểu thiên tai, trong đó có sập sụt?
Để giảm thiểu rủi ro từ tai biến địa chất này, cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp: kỹ thuật - công trình, thủy văn - quản lý nước ngầm, dự báo - cảnh báo sớm, pháp lý - quy hoạch và giáo dục - cộng đồng.
Trong đó, các địa phương lưu ý việc khảo sát địa chất kỹ lưỡng trước khi xây dựng công trình trên nền đá vôi là điều bắt buộc, đồng thời cần áp dụng các biện pháp gia cố móng hiện đại, sử dụng vật liệu nhẹ và thiết kế kết cấu phù hợp nhằm giảm tải cho nền đất yếu. Về mặt quản lý tài nguyên, cần hạn chế khai thác nước ngầm, tăng cường phủ xanh đồi núi, kiểm soát dòng chảy bề mặt để hạn chế hiện tượng rỗng hóa lòng đất.
Một số công nghệ hiện đại có khả năng ứng dụng trong đánh giá sụt lún đất như GIS và trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu địa chất, xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ và lắp đặt cảm biến rung, cảm biến lún tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo người dân. Cùng với đó cần hoàn thiện hệ thống quy hoạch - pháp luật theo hướng đưa tiêu chí “an toàn địa chất” trở thành điều kiện bắt buộc trong cấp phép xây dựng tại các vùng có nguy cơ cao, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
Sập sụt là tai biến có tính chất đột ngột, cần ứng phó nhanh nên vai trò của truyền thông cộng đồng là vô cùng quan trọng. Cần trang bị cho người dân kỹ năng nhận diện các dấu hiệu bất thường như nền nhà bị lún, tường nứt, âm thanh lạ từ lòng đất... để kịp thời ứng phó. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu địa chất số, tích hợp công nghệ cảnh báo sớm, hướng tới một nền quy hoạch phát triển bền vững và an toàn trước biến đổi khí hậu.
Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng sập sụt ở thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, Bắc Kạn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã bước đầu đánh giá nguyên nhân sơ bộ về tình trạng sụt lún đất tại tỉnh Bắc Kạn. Hiện Viện đang tích cực làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh để xây dựng đề án điều tra, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sụt lún đất tại khu vực này.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-gia-dia-chat-dua-giai-phap-phong-tranh-ho-tu-than-d754942.html