Thứ tư 16/04/2025 - 09:07
Nông thôn mới
Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài 2]: Trưởng bản ‘đánh án’
Thứ Tư 16/04/2025 - 08:47
Ông Thào A Thái có thâm niên gần 20 năm làm trưởng bản. Người đàn ông này có đóng góp lớn, giúp lực lượng công an phá án nhanh, hiệu quả.
1.
Ông Thào A Thái (sinh năm 1975) di cư từ Sơn La xuống Tà Cóm (Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) khi vừa tròn 15 tuổi. Nguyên trưởng bản Tà Cóm cho hay, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, người Mông chưa biết nhiều đến ma túy. Sau khi cư dân ổn định cuộc sống, người Lào phía bên kia biên giới bắt đầu đưa ma túy vào bản vùng biên này.
Ban đầu, dân bản chưa hiểu rõ tác hại của ma túy, chỉ nghĩ rằng đó là một món hàng dễ kiếm tiền. Thế nhưng chỉ sau vài năm, nhiều gia đình, đặc biệt là thanh niên đã sa vào vòng xoáy của nghiện ngập. Có người từ nghiện ngập trở thành con buôn... Bản thân ông Thái cũng từng chứng kiến nhiều người trong bản, từng là bạn bè, đồng chí, người thân dần trở thành “nô lệ” của ma túy.

Ông Thào A Thái, nguyên trưởng bản Tà Cóm. Ảnh: Quốc Toản.
Theo ông Thái, trước tình hình con nghiện gia tăng, chính quyền địa phương cùng ban quản lý bản đã thống nhất thực hiện phương án điều trị cai nghiện tại chỗ. Là trưởng bản, khi ấy ông Thái đã chủ động làm gương, đưa 5 đối tượng nghiện về ở trong nhà để "quản thúc" và hỗ trợ họ cai nghiện. Gia đình ông cắt cử người phục vụ và chăm sóc con nghiện cho đến khi họ tái hòa nhập cộng đồng. Vị trưởng bản khi ấy còn cất công sang Lào tìm kiếm bài thuốc để giúp con nghiện cắt cơn.
“Kết quả rất đáng mừng, chỉ trong 12 ngày, các đối tượng đã cắt được cơn nghiện, một số đã cai nghiện thành công không lâu sau đó. Tuy nhiên, số lượng người nghiện trong cộng đồng thời điểm đó lớn khiến công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Có người sau cai nghiện thành công sau đó vẫn tái nghiện do không vượt qua được cám dỗ của ma túy”, ông Thái cho biết.
Ông Thái cho rằng, việc vận động người dân nói không với ma túy không hề dễ dàng. Nhiều người không nhận thức được tác hại của ma túy, hoặc mặc cảm vì đã sa vào con đường tội lỗi, nên không muốn thay đổi. Để thuyết phục người nghiện từ bỏ ma túy, cán bộ không chỉ cần kiên nhẫn mà còn phải tạo dựng được niềm tin đối với họ.
Ông Thái thuận lợi hơn người khác ở chỗ bản thân là người Mông, am hiểu phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và trò chuyện với đồng bào. Suốt hàng chục năm, ông trở thành cầu nối quan trọng giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người nghiện, đối tượng tàng trữ, buôn bán từng bước hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống lành mạnh.

Không chỉ là đảng viên gương mẫu, ông Thái còn là hộ dân tiên phong tại bản Tà Cóm "xung phong" thoát nghèo. Ảnh: Quốc Toản.
Có lần, ông Thái đến nhà vận động Ph.A.P (20 tuổi, bản Tà Cóm) đối tượng liên quan đến ma túy đi đầu thú. Đối tượng hung hãn dọa bắn cả anh trai và người thân chỉ vì bị khuyên bỏ nghề buôn bán chất cấm. Bởi thế, mỗi khi P trở về nhà, người thân không ai dám đến gần tiếp xúc.
Đúng như nhận định ban đầu, vừa vào đến nhà, ông Thái bị đối tượng dằn mặt: “Nếu phải đi, tao sẽ bắn trưởng bản và một vài người nữa mới đi”, ông Thái kể lại. Tuy nhiên, vị trưởng bản khi ấy có vẻ đã quá quen với việc dọa dẫm, nên trộm nghĩ: “Họ dọa vậy thôi chứ không dám làm gì mình đâu. Đối tượng dù có hung hãn đến đâu, cũng không muốn gây tổn hại cho người trong bản, nhất là đối với người đã từng giúp đỡ và hiểu rõ hoàn cảnh của mình".
Cuộc trò chuyện giữa ông Thái và P kéo dài từ nửa đêm đến 4 giờ sáng mới kết thúc. Trong căn nhà chỉ có 2 người, ông Thái dùng mọi lý lẽ để thuyết phục, vận động P đi đầu thú: “Cháu mới 20 tuổi, còn cả mấy chục năm cuộc đời phía trước. Giờ cháu đi đầu thú để được hưởng khoan hồng, cùng lắm vài năm là về thôi. Còn nếu cứ trốn chui lủi trong rừng như vậy thì không sống nổi đâu", ông Thái kể lại.
Ban đầu P chưa đồng ý đi đầu thú vì sợ dân làng phát hiện, xì xào bàn tán, nhưng cuối cùng cũng nghe theo lời trưởng bản sau khi ông Thái cam kết sẽ giữ bí mật cho P.
2.
Không riêng gì vấn đề ma túy mà các vấn đề vi phạm pháp luật hình sự khác diễn ra tại huyện biên giới của tỉnh Thanh Hóa cũng khiến người dân nhiều lần ăn không ngon, ngủ không yên. Thế nhưng, không phải ai cũng dám đối mặt với nguy hiểm. Nhiều người dân e ngại, sợ bị trả thù nên chọn im lặng hoặc lảng tránh, nhưng với ông Thái thì khác. Vụ án P.A.Ch cùng đồng phạm vô ý làm chết người người tại bản Pa Búa (Trung Lý) được phá thành công cách đây vài năm có đóng góp lớn của nguyên trưởng bản Tà Cóm.
Năm đó, sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường và lên kế hoạch phá án. Chỉ trong thời gian ngắn, một số đối tượng liên quan tới vụ án đã bị bắt, riêng Ch đã trốn khỏi hiện trường. Đối tượng còn tuyên bố nếu ai vào đụng mình vào sẽ bắn chết. Do đó, nếu không phải người Mông và không hiểu tâm lý đối tượng thì việc phá án sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhận được tin tối nay Ch sẽ về bản, ông Thái một mình đến nhà đợi Ch, dù ban đầu trong suy nghĩ có chút lo lắng. Tuy nhiên, ông Thái có niềm tin, Ch sẽ không dám hại mình vì mình là cháu rể lại là trưởng bản. Đúng như dự đoán, chập tối Ch về tới nhà với con dao, khẩu súng dắt bên hông. Đoán trước được ý đồ của ông Thái, Ch nói với khuôn mặt lạnh tanh: “Mày đến đến đây là gì? Khuyên tao đi đầu thú à? tao không đi”.

Tuyến đường tại bản Tà Cóm đang được nhà nước đầu tư. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Thái giữ điềm tĩnh, vẫn hớp vội ngụm chè để tự trấn an mình rồi mở lời khuyên răn Ch một cách nhẹ nhàng: “Nghe tin chú về, cháu đến chơi”. Vừa nói, ông Thái vừa quan sát kỹ hành động của đối tượng và sẵn sàng lao tới, khống chế đối tượng nếu Ch có biểu hiện tấn công. Ông Thái nói dứt câu, Ch lúc này có vẻ dịu giọng và cất con dao và súng vào góc nhà rồi ngồi vào bàn trà nói chuyện với ông Thái.
Im lặng trong giây lát, ông Thái bắt đầu đi thẳng vào câu chuyện mà không cần e dè vì là chỗ người nhà: “Giờ chú tính sao? mấy đứa liên quan đến vụ án đã đi tù rồi, chú ở lại phỏng có ích gì? Chú có trốn mãi được không? Công an họ đang điều tra, truy bắt, trước sau chú cũng cũng bị bắt, khi ấy tội còn nặng hơn. Nếu cứ tiếp tục như thế chú sẽ bị truy nã cả đời, sống không bằng chết". Ch im lặng một lúc như đang suy nghĩ cặn kẽ về những lời khuyên của ông Thái, nhưng có vẻ còn lưỡng lự: “Tao lên đầu thú mà bị đánh thì máy có chịu thay tao không? Lỡ may tao chết trong tù thì sao?”.
Ông Thái chấn an Ch: “Làm gì có chuyện đó. Cháu dám cam đoan với chú sẽ không có chuyện gì xảy ra với chú. Đầu thú xong chú yên tâm cải tạo, mọi người trong bản đều sẵn sàng giúp đỡ khi chú trở về, chỉ cần chú chịu quay đầu". Câu nói của ông Thái như thức tỉnh, khiến Ch lặng người, nhưng trong ánh mắt đối tượng có vẻ gì đó tiếc nuối. Ch khẽ thở dài và nói: “Tao cần thời gian suy nghĩ”. Ông Thái tiếp tục thúc giục: “Nếu không đi đầu thú sớm, công an đến bắt, chú không được hưởng khoan hồng đâu. Lúc đó có muốn cháu cũng khôn giúp được gì cho chú đâu”.
Nghe vậy, Ch gật đầu, nhưng ra điều kiện với ông Thái: “Vậy để tao thịt lợn, gà để 2 chú cháu ăn một bữa no nê rồi mày đưa tao lên đầu thú”. Ông Thái tiếp lời: “Cháu báo với xã, nhờ họ làm mâm cơm cho chú lên trình diện và ăn uống trước khi lên đồn công an đầu thú rồi”. Lúc này Ch xuôi theo ý của ông Thái và cả 2 vượt rừng bằng xe máy lên Công an huyện Mường Lát đầu thú trong đêm tối.
Bất ngờ, sau khi thụ án xong, Ch quay về bản và gặp ông Thái để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì lời khuyên cách đây mấy năm trước. Những lời nói chân thành của Ch khiến ông Thái cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng, bởi ông không chỉ cứu được một cuộc đời mà còn mang lại hy vọng cho cả cộng đồng về bản sạch ma túy.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-ghi-o-phia-sau-lung-nui-bai-2-truong-ban-danh-an-d747119.html