Thứ tư 30/04/2025 - 06:29
Chính trị
Chung một bóng cờ đi theo tiếng gọi non sông
Thứ Tư 30/04/2025 - 06:11
Chung một bóng cờ đến ngày độc lập và chung một bóng cờ đến ngày thống nhất, người Việt Nam tiếp tục chung một bóng cờ đi theo tiếng gọi non sông hùng cường.

Một khoảnh khắc vĩ đại. Tranh của Nguyễn Trí Hạnh.
Chung một bóng cờ để chung một ý chí. Chung một bóng cờ để chung một hành động. Chung một bóng cờ để chung một khát vọng. Người Việt Nam đi qua tối tăm nghìn năm nô lệ đã thấu hiểu sâu sắc chân lý ấy, và khối đại đoàn kết định hình chung một bóng cờ Tổ quốc từ Cách mạng tháng Tám đến chiến thắng mùa Xuân 1975.
Ngày 30/4/1975 trở thành một cột mốc vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam. Ngày 30/4/1975, không chỉ chứng minh tinh thần người Việt Nam chung một bóng cờ, mà còn khẳng định sức mạnh người Việt Nam quyết tâm dành lại sự vẹn toàn lãnh thổ, quyết tâm lấy lại quyền làm chủ non sông. Ngày 30/4/1975, chấm dứt chiến tranh, đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, hòa bình chật vật với bao cấp, hòa bình thao thức với đổi mới, hòa bình náo nức với hội nhập. Người Việt Nam không còn cúi đầu sợ hãi. Người Việt Nam không còn co cụm hoang mang. Người Việt Nam không còn mặc cảm thấp hèn. Đã trải nghiệm nhiều mất mát đớn đau, đã trải nghiệm nhiều chia lìa ngổn ngang, người Việt Nam biết cách chữa lành vết thương bằng triệu trái tim có cùng một dòng máu Lạc Hồng - “những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc tình, nối lòng đổ nát”.
Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là một đại lễ của người Việt Nam. Bởi lẽ, để có được hòa bình, người Việt Nam đã gánh vác rất nhiều sự hy sinh. Chiến thắng ấy, đâu chỉ là sự gian khổ của hàng vạn người lính giữa mưa bom bão đạn, mà còn có sự chịu đựng của bao nhiêu người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” và sự âm thầm của bao nhiêu người vợ “chị đợi chờ quay mặt vào đêm, hai mươi năm mong trời chóng tối, hai mươi năm cơm phần để nguội”. Chiến thắng ấy là sự đáp đền xứng đáng cho sự kiên trung “chiếc khăn tay của một thời nước mắt, sẽ tung cờ hạnh phúc trước hàng hiên”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã xóa đi sự cách ngăn của vĩ tuyến 17. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cả dân tộc Việt Nam vào trận đánh quyết định thu non sông về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết tụ mong mỏi nghìn năm của người Việt Nam, từ lời khẳng định của Lý Thường Kiệt đanh thép “sông núi nước Nam, vua Nam ở” đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi giục giã “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” và cả ước mong của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp năm châu tìm kiếm con đường giải phóng đồng bào khỏi xiềng xích nhục nhằn: “Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê/ Thành nước Việt nhân dân trong mát suối/ Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói/ Những đời thường cũng có bóng hoa che”.

Vẻ đẹp Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Tranh của Hồ Minh Quân.
Hành trình 50 năm hòa bình, người Việt Nam đã nắm tay nhau đi qua nhiều gập ghềnh, đi qua nhiều trắc trở, đi qua nhiều ngậm ngùi để có được ấm no và hạnh phúc. Những cánh đồng Việt Nam bạt ngàn những mùa lúa mới. Những dòng sông Việt Nam xôn xao những bờ bến mới. Những ngọn đồi Việt Nam lồng lộng những ngọn gió mới. Những xóm làng Việt Nam lấp lánh những niềm vui mới. Những đô thị Việt Nam rộn ràng những nhịp điệu mới. Người Việt Nam nghe được âm thanh hòa bình đã vang lên tiếng học bài của trẻ em rẻo cao xa vắng, tiếng hát ca của thợ cấy sau vụ gặt, tiếng khua chèo thong thả của dân chài ven biển, tiếng hò reo của công nhân trong hầm mỏ, tiếng rì rầm của những bàn chân trên công trường xây dựng tương lai…
Từ chiến thắng ngoại xâm, người Việt Nam từng bước chiến thắng đói nghèo, chiến thắng lạc hậu, chiến thắng ích kỷ, chiến thắng cám dỗ, chiến thắng nhiễu nhương… Lịch sử hào hùng của tổ tiên không cho phép người Việt Nam hôm nay được thụ động và biếng lười. Người Việt Nam tự tin nhưng không tự phụ. Người Việt Nam kiêu hãnh nhưng không kiêu ngạo. Bởi lẽ, bệ phóng lịch sử vĩ đại luôn thôi thúc người Việt Nam phải hướng đến những đột phá sáng tạo và cống hiến. Người Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong 50 năm đã qua, và người Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải thực hiện ở phía trước.
Ánh sáng của ngày 30/4/1975 mãi mãi soi rọi tình yêu hòa bình cho người Việt Nam. Bài học quá khứ rực rỡ của cha ông đã chuẩn bị hành trang rạng ngời để người Việt Nam vươn tới những tầm xa và chinh phục những đỉnh cao. Nền tảng văn hóa và truyền thống bất khuất của người Việt Nam lại khởi động những chiến lược mới, những dự án mới, những mục tiêu mới… Người Việt Nam vẫn chung một bóng cờ Tổ quốc để trìu mến nhau, để đỡ đần nhau, để động viên nhau, để dìu dắt nhau, để hỗ trợ nhau kiến tạo ngày mai sung túc hơn, đẹp đẽ hơn, nhân ái hơn.
50 năm hòa bình, tư thế đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới đã xác lập một vị trí lung linh. Đất nước Việt Nam tuân thủ những nguyên tắc quốc tế và có trách nhiệm với những sứ mệnh quốc tế. Chúng ta san sẻ với những quốc gia đang còn lận đận âu lo. Chúng ta hợp tác với những quốc gia tiến bộ để cùng phát triển. Chúng ta dự phần tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu để bồi đắp và nâng niu một hành tinh xanh bất tận.
50 năm hòa bình, người Việt Nam nhìn lại những trang sử vẻ vang để viết tiếp những trang sử thịnh vượng. Chiến thắng chính nghĩa của một dân tộc luôn chia đều phúc phận an vui cho mỗi cuộc đời, không phân biệt xuất thân, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn, không phân biệt miền ngược miền xuôi. Mỗi người Việt Nam được chan hòa trong ngày hội non sông Việt Nam bằng một hoàn cảnh riêng và một ký ức chung. Màu cờ Tổ quốc đỏ thắm đang vẫy gọi mỗi người Việt Nam đồng sức đồng lòng vì một dân tộc Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo: “Mang giầy giớ tốt, mang khăn áo lành/ Tôi chào đất nước tôi nay thái bình/ Tôi cúi lưng xin chào anh/ Tôi đứng lên, tôi chào em/ Tôi vói lên cao, chào đức tin”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chung-mot-bong-co-di-theo-tieng-goi-non-song-d750458.html