Thứ ba 20/05/2025 - 13:53
Thuốc bảo vệ thực vật
Chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM: Quản lý và kiểm soát hiệu quả lúa cỏ
Thứ Ba 20/05/2025 - 13:49
Sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, nhiều nông dân kiểm soát hiệu quả lúa cỏ đến 80%, giải quyết được nỗi lo giảm năng suất trong các mùa vụ.
- Lúa cỏ, nỗi lo thường trực của nông dân trồng lúa ĐBSCL
- Ảnh hưởng của lúa cỏ khi sử dụng lúa giống không rõ nguồn gốc
- Nông dân mách bí quyết diệt rong meo trong ruộng lúa
- Bio Lacto EM đồng hành Đề án 1 triệu ha, xử lý rơm rạ hiệu quả
Lúa cỏ (lúa lộn), một loại cây có đặc tính tương tự như lúa trồng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với năng suất lúa của bà con nông dân. Lúa cỏ có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh dinh dưỡng với lúa trồng.

Nhiều cánh đồng lúa ở tỉnh Bình Thuận bị lúa cỏ hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh: Kim Anh.
Lúa cỏ trổ trước lúa trồng khoảng một tuần và hạt của nó rụng ngay khi chín, rơi xuống đất có thể tồn tại từ 2 - 3 năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi, hạt lúa cỏ sẽ nảy mầm và sinh trưởng. Điều này tạo nên một vòng lặp vô tận khiến lúa cỏ tiếp tục xâm lấn và gia tăng mật độ theo cấp số nhân. Đặc biệt, lúa cỏ có thể làm giảm năng suất lúa trồng từ 40 - 60%, nếu không quản lý tốt.
Nông dân Phan Cao Dư có hơn 40 năm kinh nghiệm trồng lúa ở thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ thiệt hại do lúa cỏ: “Nếu đồng ruộng xuất hiện lúa cỏ nhiều, năng suất có thể giảm 50%, chất lượng lúa cũng giảm khoảng 20%”.
Ông cho biết, lúa cỏ bắt đầu xuất hiện trên cánh đồng khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Riêng vụ mùa trước, lúa cỏ “dày đặc” đã khiến năng suất lúa từ cánh đồng hơn 1,1ha của gia đình ông chỉ còn khoảng 2,5 - 3 tấn/ha, thay vì 5 tấn/ha như trước. Để giảm bớt thiệt hại đến năng suất, ông buộc phải thuê thêm nhân công phát cỏ ở tầng trên trước khi tiến hành gặt.
Trước tình thế này, nhiều bà con ở thôn Liêm Bình đã thử nghiệm áp dụng các giải pháp canh tác mới để kiểm soát sự phát triển của lúa cỏ. Trong đó, việc sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM của Công ty Cổ phần Hữu cơ sinh học Phương Đông là một giải pháp hiệu quả.
Ông Phan Cao Dư cho biết, sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, năng suất lúa của ruộng nhà đã trở lại mức 5 - 5,5 tấn/ha, giống như những năm chưa bị ảnh hưởng bởi lúa cỏ.

Nông dân Phan Cao Dư kiểm tra tình hình phát sinh lúa cỏ trên đồng ruộng. Ảnh: Kim Anh.
Quy trình ông áp dụng cụ thể là sau khi gặt lúa, ông để rơm rạ lại trên ruộng. Sau đó, ông tiến hành cho nước vào và phun chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM. Khoảng 7 ngày sau, ông xới đất, vùi rơm rạ cho ngập nước tiếp tục phun chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM lần thứ hai và ngâm ruộng, sau một tuần sẽ tiến hành gieo sạ vụ lúa mới. Với cách làm này đã giúp ruộng lúa giảm thiểu sự phát triển của lúa cỏ lên đến 80%.
Ông Trần Văn Hiệp, một nông dân khác tại khu vực này cũng chia sẻ, việc áp dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM đã giúp giảm thiểu sinh vật gây hại trên cây lúa, tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo tính toán của ông Hiệp, ruộng lúa của gia đình ông đã phát triển gần 1 tháng, nhưng chỉ bón phân 1 lần, lúa đang xanh tốt. Tỷ lệ xử lý lúa cỏ tại ruộng của ông cũng mang lại hiệu quả rõ rệt khoảng 80 - 90%.
Xét về chi phí đầu tư cho mùa vụ, nếu như trước đây, mỗi ha, tổng chi phí sản xuất trung bình khoảng 22 - 23 triệu/ha, nay giảm còn khoảng 20 triệu/ha.
“Hồi trước không biết cách xử lý cứ đi cắt cỏ, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu, nhưng qua vụ này đến vụ khác lúa cỏ cứ dày thêm, tầng trên dày thì tầng dưới không trổ được, phải thuê người phát ở trên để hạt ở dưới trổ, được cái nào hay cái đó. Chi phí trung bình mỗi lần phát khoảng 300.000 đồng/ngày”, ông Hiệp bộc bạch.

Cánh đồng thử nghiệm chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM tại thôn Liêm Bình đang chứng minh hiệu quả hạn chế lúa cỏ trên 80%. Ảnh: Kim Anh.
Cũng theo ông Hiệp, việc sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM cũng giúp rơm rạ trên đồng phân hủy tốt, cây lúa tránh được ngộ độc hữu cơ. Hiện, gia đình ông Hiệp đang tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, với năng suất trung bình từ 3,5 - 4 tấn/ha. Ông Hiệp đánh giá, thời gian qua, nhờ chú trọng sử dụng các chế phẩm vi sinh, đến nay ruộng lúa phát triển khá tốt.
Không chỉ chứng minh được hiệu quả trong việc xử lý lúa cỏ ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM cũng được nông dân vùng ĐBSCL tin tưởng lựa chọn.
Ông Nguyễn Trọng Đồ ở ấp Phú An 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đang canh tác 8ha giống Đài thơm 8, lúa đang phát triển ở giai đoạn 13 ngày sau sạ. Theo ông Đồ, trước đây lúa cỏ gây hại rất nặng cho ruộng nhà, ông đã tìm kiếm và thử nghiệm nhiều biện pháp như cắt hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để loại bỏ, nhưng không hiệu quả.
Từ vụ thu đông 2024, ông bắt đầu thử nghiệm chế phẩm Bio Lacto EM, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia và kỹ sư nông nghiệp, hiệu quả xử lý lúa cỏ đạt 80 - 90%.

Sau khi gặt lúa, nông dân để rơm rạ lại trên ruộng, rồi tiến hành cho nước vào và phun chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM lần đầu. Ảnh: Kim Anh.
Ông Đồ cho biết thêm: “Ngày trước, mỗi lần thu hoạch chỉ được tầm 4 - 5 bao lúa/công (1.000m2). Mỗi năm tôi phải chi gần 800.000 đồng/công chỉ để thuê nhân công cắt lúa cỏ, nhưng nay nhờ Bio Lacto EM không cần cắt, tiết kiệm được chi phí”.
Ngoài việc sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, hiện nay bà con nông dân ĐBSCL cũng chú trọng vào các kỹ thuật sản xuất lúa bền vững. Trong đó, phương pháp 1 phải 5 giảm được áp dụng rộng rãi, bao gồm việc sử dụng giống xác nhận, giảm mật độ gieo sạ, sạ hàng thay vì sạ thưa. Điều này không chỉ giúp kiểm soát lúa cỏ mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và tiết kiệm chi phí.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/che-pham-vi-sinh-bio-lacto-em-quan-ly-va-kiem-soat-hieu-qua-lua-co-d414532.html