Chủ nhật 20/04/2025 - 18:44
Đầu làng cuối phố
Chàng trai 'ngược dòng' làm bạn với tò he
Chủ Nhật 20/04/2025 - 18:27
Hơn 20 năm theo đuổi nghề làm tò he, anh Nguyễn Văn Hậu đã nỗ lực truyền tới các bạn trẻ thông điệp 'truyền thống không chỉ là quá khứ, mà còn là tương lai'.
- 'Vọng Xưa' - Một làng quê đáng sống
- Độc đáo làng nghề sản xuất chuồn chuồn tre
- Người thổi hồn vào tò he ngày Xuân
- Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới
Người trẻ "ngược dòng" với những chú tò he
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu sinh năm 1985 tại làng Phượng Dực, Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội - vùng đất có truyền thống lâu đời về nghề làm con giống bột. Bố và ông nội của anh cũng là những nghệ nhân theo đuổi nghề truyền thống của làng. Được tiếp xúc với bột từ bé, tình yêu với những nắm bột nhiều sắc màu cứ thế ăn sâu vào tâm thức của anh Hậu từ lúc nào không hay.

Anh Nguyễn Văn Hậu - người giữ lửa nghề làm tò he. Ảnh: Huyền My.
Giữa nhiều lựa chọn nghề nghiệp tại thành phố lớn, anh Hậu quyết định tiếp tục theo nghề của ông nội và bố bởi trong anh luôn thôi thúc giữ lại nghề truyền thống này. Đối với anh, tò he như một phần máu thịt, không thể tách rời.
“Tò he không chỉ là món đồ chơi dân gian, nó là ký ức, là di sản của bao thế hệ người Việt. Tôi chọn tò he vì thấy mình được sống đúng với bản thân, với những giá trị văn hóa mà mình yêu quý và là thế hệ tiếp nối truyền thống gia đình”, anh Hậu chia sẻ
Những ngày đầu theo đuổi nghề tò he với anh không hề đơn giản. Anh đã gặp rất nhiều những khó khăn từ gia đình và xã hội. Với nhiều người lúc ấy, tò he là “trò chơi quê mùa”. Họ cho rằng nếu đi theo nghề này sẽ chẳng có tương lai, không thể phát triển được.
Anh tâm sự: “Có những ngày đứng bán tò he ở công viên mà chỉ bán được vài sản phẩm, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng chính những lúc đó tôi lại nghĩ nếu mình không làm thì ai sẽ tiếp tục giữ gìn di sản này? Tình yêu nghề và lòng tin vào giá trị truyền thống đã giúp tôi vượt qua tất cả”.
Anh đã quyết tâm phục dựng lại các con giống truyền thống như tứ phủ, Thánh Gióng, Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, đặc biệt là hình tượng con rồng trong truyền thuyết Việt. Những con giống ấy từng phổ biến trong ký ức người lớn tuổi, nhưng gần như đã biến mất trong tò he hiện đại. Việc đưa chúng trở lại không chỉ là làm lại hình dạng mà còn khơi gợi lại một phần văn hóa dân gian đã bị lãng quên.

Những tác phẩm gần gũi, thân quen với tuổi thơ của bao thế hệ. Ảnh: Huyền My.
Trong hành trình phục dựng lại các tác phẩm truyền thống, tác phẩm khiến anh Hậu nhớ mãi là bộ tò he tái hiện lễ hội Trung thu cổ truyền gồm rước đèn, múa lân, chị Hằng, chú Cuội… Anh mất gần một tuần để hoàn thành, từng chi tiết đều phải làm thật kỹ. Đó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ.
“Khi đưa nó trưng bày ở triển lãm, các bác lớn tuổi như được tặng một tấm vé trở về tuổi thơ. Với tôi, đó là cảm xúc rất thiêng liêng”, anh hào hứng.
Khát vọng tò he
Lấy cảm hứng từ tình yêu với tò he của trẻ em, từ các nhân vật trong phim hoạt hình, văn hóa đại chúng, anh Hậu đã sáng tạo và phát triển thêm rất nhiều những sản phẩm mới. “Để giữ nghề, chúng ta không thể chỉ hoài niệm mà phải biết thích nghi và đổi mới”, anh nói.
Anh dày công nghiên cứu và cải tiến nguyên liệu bột. Từ những loại bột tự nhiên truyền thống, anh đã thử nghiệm nhiều lần để cho ra đời loại bột mới dẻo hơn, bền hơn, giữ màu lâu và an toàn tuyệt đối. Nhờ vậy, tò he không còn chỉ là món đồ chơi mau hỏng như trước mà đã trở thành sản phẩm lưu niệm, đồ trang trí, thậm chí là đồ dùng học tập sáng tạo.

Nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Huyền My.
Đặc biệt, dòng sản phẩm “Con giống bột ứng dụng” là một bước phát triển mới của tò he. Thay vì để chơi và trưng bày như các con giống truyền thống trước đây, anh Hậu đã sáng tạo thêm với mong muốn đưa tò he ứng dụng vào cuộc sống thường ngày. Các mô hình có thể được làm cài áo, nam châm, tủ lạnh, móc khóa, thậm chí trang trí tiểu cảnh.
Với Hậu, đây là cách giúp tò he vẫn giữ lại cái hồn truyền thống nhưng mang hình thức rất mới mẻ, phù hợp với xu hướng hiện nay. Điều này giúp tò he bước vào đời sống thường nhật, tiếp cận gần hơn với giới trẻ và người hiện đại. Anh cũng thường xuyên chia sẻ các thông tin về tò he trên mạng xã hội, hợp tác với các dự án giáo dục, tổ chức workshop, triển lãm tò he theo chủ đề để tạo không gian trải nghiệm.
Trong tương lai, anh Hậu cũng đang ấp ủ mở một bảo tàng mini về tò he để lưu giữ các mẫu tò he truyền thống và hiện đại, đồng thời là không gian trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, khách tham quan trong và ngoài nước. Anh hi vọng có thể xuất bản một cuốn sách nhỏ về lịch sử và câu chuyện quanh tò he để người trẻ hiểu rằng, phía sau những con giống ấy là cả một nền văn hóa đặc sắc.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chang-trai-nguoc-dong-lam-ban-voi-to-he-d748864.html