Chủ nhật 18/05/2025 - 12:13
Thời sự
Cải cách mạnh mẽ, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân
Chủ Nhật 18/05/2025 - 12:12
Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp và đóng góp 60% GDP năm 2045.
- Đại biểu Quốc hội kỳ vọng đột phá từ thể chế hóa Nghị quyết 68
- Nghị quyết 68 tạo cơ hội bứt phá thị trường bất động sản
Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”.
Phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương xuyên suốt 40 năm qua
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua.
Nhờ đó, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Đến nay cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; giai đoạn 2017-2024, khu vực kinh tế tư nhân sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; năm 2024 đóng góp 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đặc biệt, kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh.
Mặc dù vậy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia. Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10 năm 2017 vẫn chưa đạt được. Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phân tích các nguyên nhân hạn chế, Thủ tướng cũng nêu 5 bài học kinh nghiệm và đặt ra yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân: “Khó khăn cũng có cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất, tái cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại sản phẩm. Vừa qua, đại dịch Covid-19 là một điển hình phải tái cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại sản phẩm, tái cơ cấu lại sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ai làm việc này chủ yếu là doanh nghiệp, còn Nhà nước phải kiến tạo”.
Phương châm 6 rõ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới: “Chúng tôi chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào “Toàn dân thi đua làm giàu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Sau khi có Nghị quyết này sẽ phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu".
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ. Trong đó, tập trung đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho rằng đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, cần thống nhất nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, điểm mới của Nghị quyết nữa là đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc: đất đai, tín dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành. Thúc đẩy giáo dục, đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số trong tất cả các bậc học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Đồng thời thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Nhằm chính thức hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh, đóng góp cao hơn vào phát triển kinh tế đất nước. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cai-cach-manh-me-tao-xung-luc-moi-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d753758.html