
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho hay: “Ngành cá ngừ đã và đang là một phần quan trọng đối với kinh tế biển và sinh kế của cộng đồng ngư dân Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển miền Trung - nơi có đội tàu khai thác cá ngừ lớn nhất”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản và nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ 3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tính từ năm 2020 - 2024, tỷ trọng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng từ 8,4% năm 2020 lên 10% năm 2024.
Trong 5 năm (2020 - 2024), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng 52% từ 649 triệu USD năm 2020 lên 989 triệu USD năm 2024. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu cá ngừ nước ta vượt mốc 1 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong giai đoạn này tăng trưởng trung bình đạt 8%/năm.



Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn… Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang hơn 110 thị trường trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82 - 86% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.
Những con số này không chỉ phản ánh năng lực khai thác, chế biến của cá ngừ Việt Nam, mà còn khẳng định vị thế cạnh tranh của ngành cá ngừ trên thị trường toàn cầu.


Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành cá ngừ đang có nguy cơ chững lại, thậm chí bị thụt lùi, khi chính những quy định trong nước lại trở thành lực cản thay vì động lực thúc đẩy phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp cho hay, sau hơn 1 năm kể từ khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản ra đời; trong đó quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác các loài thủy sản, đặc biệt là cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis), đã gây ra khó khăn và bất cập lớn cho ngư dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, quy định cá ngừ vằn phải đạt kích thước trên 500 mm (50 cm) trong khi kích thước phổ biến của loài này chỉ là 150 - 400 mm và tỷ lệ cá đạt 500 mm trở lên chỉ chiếm 5 - 8% trong các mẻ lưới. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không thể thu mua đủ nguyên liệu để sản xuất và ngư dân không thể đi biển, tàu nằm bờ, mất thu nhập.
“Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp (giảm 50% công suất nhà máy, mất hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng ở thị trường EU), mà còn khiến hàng nghìn ngư dân mất việc làm, tàu nằm bờ, ảnh hưởng lớn đến đời sống an sinh xã hội. Một điểm đáng lưu ý là các quy định này không bị ràng buộc bởi thông lệ quốc tế hay quy định bắt buộc của Liên minh Châu Âu (EU) nhưng lại trở thành rào cản nội địa khiến cá ngừ Việt Nam khó tiếp cận thị trường EU”, ông Đáp nhấn mạnh.


Theo khảo sát của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nguồn nguyên liệu thu mua giảm nghiêm trọng (66,7 - 87%) và tỷ lệ nguyên liệu đáp ứng Nghị định 37 rất thấp, thậm chí là 0% ở một số doanh nghiệp. Hệ quả là số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh (32 - 87,5%) và giá trị xuất khẩu giảm đáng kể (35,4 - 80,7%). EU vốn là thị trường trọng điểm, đang dần đóng cửa với cá ngừ Việt Nam do không đáp ứng được yêu cầu chứng nhận nguồn gốc (SC/C/C).
Thêm vào đó, theo ông Đáp, quy định về "không trộn lẫn nguyên liệu xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu" cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, dẫn đến tăng chi phí logistics và cước vận chuyển, giảm sức cạnh tranh.
Cùng quan điểm, bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, việc sửa đổi Nghị định 37 diễn ra còn chậm, đến nay vẫn chưa được ban hành dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về thực hiện theo trình tự rút gọn. Điều này khiến doanh nghiệp không kịp tận dụng cơ hội trong mùa khai thác cá ngừ và tiếp tục đối mặt với những rủi ro liên quan đến thủ tục và pháp lý.
Đồng thời, trong Nghị định sửa đổi đề xuất phương án thay thế bằng quản lý hạn ngạch (quota), điều này đang gây nhiều lo ngại về phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm tăng gánh nặng tuân thủ.


“Những bất cập trong thực hiện truy xuất nguồn gốc do quy định về kích cỡ khai thác tối thiểu, quy định cấm trộn lẫn nguyên liệu khai thác trong nước với nguyên liệu nhập khẩu, quy định hóa đơn, chứng từ, hồ sơ tàu cá..., dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp phải nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu, làm giảm tỷ lệ sử dụng nguyên liệu Việt Nam - yếu tố then chốt để tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Bà Lê Hằng phân tích thêm, đối với hạn ngạch miễn thuế cá ngừ của EU (11.500 tấn/năm), lượng hạn ngạch này thường được sử dụng hết chỉ trong 4 - 5 tháng đầu năm. Khi vượt hạn ngạch, doanh nghiệp phải chịu thuế suất ưu đãi tối huệ quốc (MFN) cao, khiến sức cạnh tranh giảm sút rõ rệt và tiềm ẩn nguy cơ mất đơn hàng từ thị trường EU.
Trong những năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA, tỷ lệ cá ngừ có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch đạt tới 80 - 100%, song 2 năm trở lại đây con số này đã giảm mạnh, thậm chí chỉ còn khoảng 30%. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, dẫn đến số lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí EVFTA rất hạn chế.
“Nếu không gỡ được những bất cập từ Nghị định 37, tỷ lệ cá Việt Nam thấp như vậy không chỉ làm mất sinh kế của bà con ngư dân, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến đàm phán lại hạn ngạch với EU sau năm 2027”, bà Lê Hằng cho biết thêm.


Tại cuộc họp “Đánh giá tác động của Nghị định 37/2024/NĐ-CP - Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngư dân” do Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam chủ trì gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh những vướng mắc và khó khăn phát sinh từ việc thực thi Nghị định này.

Đại diện Công ty KTC (Khánh Hòa) cho biết, quy định về kích cỡ khai thác tối thiểu trong Nghị định 37 đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn xã hội. Nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu cá ngừ đã đạt chứng nhận MSC (Chứng nhận do Hội đồng Quản lý Biển cấp công nhận các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững và đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm) từ nước ngoài với giá cao, 1,7 - 1,9 USD/kg để duy trì sản xuất và tránh vi phạm hợp đồng, trong khi cá ngừ trong nước dồi dào và có chi phí thấp hơn nhiều nhưng lại không thể tiêu thụ do vướng quy định.
Thứ hai, thị trường EU đặc biệt quan trọng khi EVFTA cho phép thuế suất 0% cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp, với hạn ngạch 11.500 tấn. Tuy nhiên, nếu quy định trong nước không kịp thời tháo gỡ, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhập cá nguyên liệu từ nước ngoài để tận dụng ưu đãi thuế, thay vì dùng chính nguồn cá trong nước. Điều này làm giảm giá trị gia tăng nội địa, đồng thời gia tăng rủi ro vi phạm đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) về kích thước khai thác.
Thứ ba, trong khi Việt Nam còn chậm trễ, Thái Lan và Indonesia đã chủ động nộp đơn xin FTA để chiếm ưu thế tiếp cận thị trường EU. Nếu không kịp thời điều chỉnh, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay trên thị trường lớn.
Đại diện Công ty Việt Cường (Khánh Hòa) chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ nước ngoài để duy trì thị trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu, tuy nhiên lợi nhuận thu về không cao. Nếu được phép thu mua và chế biến cá ngừ khai thác trong nước, chi phí nguyên liệu sẽ thấp hơn đáng kể, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Ngoài ra, do những khó khăn thực tế và quy định còn chưa rõ ràng về khả năng sửa đổi, nhiều doanh nghiệp hiện không dám ký hợp đồng dài hạn cả năm, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thiếu ổn định”, đại diện Công ty Việt Cường nói thêm.


Trong bối cảnh đó, việc chỉ ra vấn đề là chưa đủ. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân chờ đợi chính là các giải pháp cụ thể, khả thi và kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Tổng Thư ký VASEP Lê Hằng kiến nghị, trước những khó khăn hiện tại, doanh nghiệp đề xuất 4 giải pháp. Một là, Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 37 nhằm tháo gỡ vướng mắc kịp thời trước mùa khai thác cá ngừ.
Hai là, đơn giản hóa thủ tục truy xuất nguồn gốc, xác nhận và chứng nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác.
Ba là, số hóa quy trình đăng ký - xác nhận giữa doanh nghiệp và Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tránh phụ thuộc thủ công.
Bốn là, nâng tỷ lệ cá ngừ có xuất xứ Việt Nam được hưởng hạn ngạch thuế quan sang EU bằng cách cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận nguồn gốc trong nước.

Ông Vũ Đình Đáp cho rằng, để quản lý hiệu quả nguồn lợi cá ngừ và phát triển ngành theo hướng bền vững, cần một cách tiếp cận linh hoạt, khoa học và thực tiễn. Trên tinh thần đó, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đề xuất một số giải pháp cụ thể, đó là:
Cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP theo quy trình, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và doanh nghiệp. Việc bảo vệ nguồn lợi là cần thiết, nhưng cần có lộ trình hợp lý kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến và từng bước có các biện pháp thay thế.
Sửa đổi, bổ sung các nội dung đã ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý thủy sản, đáp ứng các yêu cầu và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" IUU trong thời gian tới.
Các cơ quan cần rà soát lại việc tuân thủ 4 Nghị quyết đột phá của Bộ Chính trị, đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW (phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số), Nghị quyết 59-NQ/TW (hội nhập quốc tế), Nghị quyết số 66-NQ/TW (đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật) và Nghị quyết số 68-NQ/TW (phát triển kinh tế tư nhân). Đây là kim chỉ nam để gỡ bỏ những điểm nghẽn hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định mới đến ngư dân và doanh nghiệp một cách kịp thời và hiệu quả để họ có thể thích nghi và thay đổi phương thức khai thác, ngư cụ phù hợp.
“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế, sinh kế bền vững cho người dân, hướng tới khai thác thủy sản có trách nhiệm. Chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong tương lai”, ông Đáp bày tỏ sự tin tưởng.


VASEP cho biết, theo ước tính, năm 2025, thị trường nhập khẩu cá ngừ toàn cầu đạt khoảng 1,75 - 1,8 triệu tấn, tương ứng giá trị trên 9 tỷ USD.
Các quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cá ngừ chế biến tiếp tục là Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Anh và Nhật Bản, chiếm hơn 55% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu. Trong khi đó, các thị trường mới nổi tại Trung Đông (như Ai Cập, Lebanon...), Đông Âu (như Litva, Rumani…) và Bắc Phi (như Lybia…) đang có những dấu hiệu khởi sắc, chủ yếu nhờ nhu cầu thực phẩm tiện lợi và giá cả phải chăng.
Về nguồn cung, châu Á tiếp tục giữ vai trò then chốt. Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Indonesia là các nước xuất khẩu chủ lực với khả năng cung ứng đa dạng, từ cá ngừ đông lạnh nguyên con, thăn (loins), đến các dòng đóng hộp và chế biến sâu.
Đáng chú ý, các nhà cung cấp châu Á đang đứng trước áp lực nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận bền vững (MSC, Dolphin Safe…) và an toàn thực phẩm của EU và Mỹ.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của các nguồn cung từ các nước Nam Mỹ hay Tây Phi - những quốc gia đang nhận được ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, như Ecuador, Ghana và Bờ Biển Ngà…, đã làm gia tăng cạnh tranh.


Thị trường cá ngừ toàn cầu năm 2025 đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro. Đầu tiên là việc Hoa Kỳ thay đổi chính sách thương mại, cụ thể tăng thuế nhập khẩu với một số nhóm sản phẩm cá ngừ đã làm gia tăng chi phí cho nhiều nhà nhập khẩu.
Song song với đó là biến đổi khí hậu, sự thay đổi dòng hải lưu và hiện tượng di cư bất thường của đàn cá ảnh hưởng tới sản lượng khai thác tại nhiều ngư trường truyền thống như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, hoạt động đánh bắt IUU vẫn tiếp tục là điểm nóng toàn cầu. EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản đang mở rộng danh sách giám sát IUU, gây sức ép lớn lên các quốc gia xuất khẩu cần cải thiện kiểm soát nghề cá và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế nếu muốn duy trì thị phần. Minh bạch chuỗi cung ứng trở thành chuẩn mực.
Dự báo, 2025 sẽ không phải là năm bùng nổ về khối lượng nhập khẩu cá ngừ toàn cầu, nhưng lại là năm bản lề cho các thay đổi cấu trúc thị trường quan trọng: Nâng cấp sản phẩm, minh bạch chuỗi cung, cạnh tranh chất lượng thay vì giá rẻ đơn thuần.
Những quốc gia và doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu bền vững, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cùng khả năng đa dạng hóa sản phẩm sẽ là những người thắng thế trong cuộc chơi mới này. Với thị trường toàn cầu trị giá hàng tỷ USD, cá ngừ vẫn là mặt hàng chiến lược đầy tiềm năng - nhưng chỉ dành cho những ai dám thay đổi và đi trước xu thế.
Tính đến giữa tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ nước ta đạt gần 433 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, EU, CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá ngừ nước ta.
Ngoài các thị trường truyền thống, Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường xuất khẩu cá ngừ mới như: Hàn Quốc, Trung Đông và Nam Mỹ… Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường này. Do đó, tính cạnh tranh chắc chắn sẽ gia tăng. Không phải quốc gia nào có tiềm năng cũng giữ được vị thế. Trong cuộc chơi toàn cầu, cơ hội chỉ đến với những ai biết thích ứng và chủ động thay đổi.


Ngành cá ngừ - một thế mạnh xuất khẩu gần tỷ đô, là niềm tự hào của thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với những rào cản nội tại khiến lợi thế dần bị bào mòn, thị trường bị thu hẹp, doanh nghiệp và ngư dân lao đao.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang bước vào cuộc đua mới, nơi minh bạch chuỗi cung ứng và phát triển bền vững trở thành tiêu chuẩn cạnh tranh, nếu không kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 37 một cách thực chất, linh hoạt và khoa học, thì ngành cá ngừ Việt Nam sẽ lỡ nhịp chuyển mình và đánh mất lợi thế vào tay các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Ecuador.
Chỉ khi rào cản được tháo gỡ, cơ chế vận hành được cải thiện và doanh nghiệp - ngư dân được tiếp thêm động lực, cá ngừ Việt Nam mới có thể vươn mình mạnh mẽ hơn, giữ vững thị phần xuất khẩu và khẳng định vị thế trên bản đồ thủy sản thế giới. Gỡ khó chính là mở đường - để ngành cá ngừ không chỉ ngừng “khóc” mà còn có cơ hội bứt phá.
Liên quan đến quy định về khai thác và quản lý thủy sản, trong đó có quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép khai thác, cụ thể là 50 cm (tương đương 500 mm) tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4/4/2024: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi một số nội dung liên quan.
Theo đó, việc quản lý cá ngừ sẽ được chuyển từ quản lý theo kích thước sang quản lý theo hạn ngạch, nhằm bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của tổ chức nghề cá trong khu vực.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại các quy định, trong tháng 7 này, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức rà soát, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho bà con ngư dân và doanh nghiệp.