| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 13/05/2025 - 20:26

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: 'Không cải cách thực chất, thủ tục sẽ mãi là lực cản'

Thứ Ba 13/05/2025 - 20:23

'Nếu không cải cách thực chất, thủ tục sẽ mãi là lực cản chứ không phải là công cụ phục vụ người dân, doanh nghiệp', Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ.

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý chuyên ngành, đặc biệt là công tác cấp phép, cải cách thủ tục hành chính.

“Chỉ là một cái cây, con vật thôi mà cũng phải cấp phép di dời, vận chuyển, chữa bệnh, thậm chí nếu chết cũng phải có quy trình xử lý. Nếu không cải cách thực chất, thủ tục sẽ mãi là lực cản chứ không phải là công cụ phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ thẳng những vấn đề bất cập để phân cấp rõ ràng, thúc đẩy cải cách và số hóa thực chất. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ thẳng những vấn đề bất cập để phân cấp rõ ràng, thúc đẩy cải cách và số hóa thực chất. Ảnh: Khương Trung.

Một biểu mẫu cho nhiều việc - tại sao không?

Theo Bộ trưởng, không ít thủ tục hiện hành đang được thiết kế theo kiểu “mỗi việc một mẫu, mỗi mẫu một quy trình”, khiến việc triển khai trên thực tế rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số.

"Chỉ là quản lý một cái cây hay một con vật thôi mà cũng phát sinh hàng loạt giấy phép: từ vận chuyển, buôn bán, đưa ra nước ngoài, đến chữa bệnh... Thậm chí, nếu lỡ chết, cũng lại có quy trình riêng để xử lý. Với cách làm như vậy thì không chỉ người dân, doanh nghiệp gặp khó mà chính cơ quan quản lý cũng tự làm khổ mình", Bộ trưởng dẫn chứng.

Ông đề xuất cần thiết kế một biểu mẫu thống nhất, trong đó liệt kê đầy đủ các nội dung quản lý. Khi thực hiện thủ tục gì, người dân, doanh nghiệp chỉ việc đánh dấu vào phần tương ứng.

“Giống như đi làm thủ tục ở các nhà mạng viễn thông, chỉ cần một mẫu đơn, một quy trình, nhưng người thì đổi SIM, người thì đăng ký chính chủ... Mỗi người một việc nhưng làm trên cùng một hệ thống. Đó là cải cách thực chất”, ông nói.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, với lĩnh vực đất đai, vốn có hàng loạt thủ tục như tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng… hoàn toàn có thể áp dụng chung một biểu mẫu thống nhất.

“Hiện nay nghị định, thông tư của chúng ta rất nhiều, dày, vì mỗi một thủ tục là một mẫu biểu. Đến khi chuyển sang môi trường số hóa thì phát sinh đủ thứ rắc rối. Càng nhiều mẫu, càng nhiều quy trình thì càng khó số hóa”, ông phân tích.

Trong khi đó, nếu chỉ có một biểu mẫu thống nhất, có giải pháp công nghệ, hoàn toàn có thể “đọc” được dữ liệu và phân luồng xử lý phù hợp. Đánh dấu vào mục nào thì hệ thống chạy theo quy trình đó. Giảm số lượng mẫu là cách trực tiếp nhất để đơn giản hóa thủ tục và thúc đẩy số hóa thực chất.

Công chức 'một cửa' hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh minh họa.

Công chức "một cửa" hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh minh họa.

Không thể vì giữ quyền mà gây tắc nghẽn

Một điểm đáng chú ý khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là câu chuyện phân cấp, phân quyền trong cấp phép. Bộ trưởng lấy ví dụ lĩnh vực đất đai, nơi hiện các thủ tục từ giao đất, cho thuê đất, đến chuyển mục đích đều do địa phương thực hiện… để đặt vấn đề: “Tại sao các lĩnh vực khác lại không thể làm được như vậy?”.

Dẫn chứng từ một cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, ngoài nhóm khoáng sản như nhóm I (kim loại) là quan trọng, chiến lược thì khoáng sản nhóm II (vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, đất sét…) vẫn phải do Bộ cấp phép.

“Trong khi đó, các mỏ này đã được quy hoạch rõ ràng, Thủ tướng đã phê duyệt. Địa phương là nơi hiểu rõ địa hình, nắm chắc chất lượng khoáng sản, sao không để họ chủ động? Không lẽ việc gì cũng phải xin Bộ?”, ông đặt câu hỏi.

Những điều này điều này đang gây ra điểm nghẽn lớn, nhất là trong bối cảnh các loại khoáng sản ấy đã được quy hoạch rõ ràng, mỏ đá nào phục vụ cho nhà máy xi măng, mỏ cát nào cung ứng nguyên liệu làm kính, mỏ đất sét nào làm gốm… đều có trong phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng cho rằng, chính quyền địa phương là nơi nắm sát tình hình thực tế nhất, từ địa hình đến chất lượng khoáng sản. Họ cũng là đơn vị trực tiếp giám sát, xử lý nếu có sai phạm. Vậy thì hoàn toàn có thể mạnh dạn phân cấp cho địa phương cấp phép đối với các loại khoáng sản đã nằm trong quy hoạch.

Bộ chỉ nên giữ vai trò cấp phép với khoáng sản chiến lược, thiết yếu, thậm chí cần có ý kiến của Thủ tướng trong một số trường hợp quan trọng. Còn lại, những gì đã rõ thì để địa phương làm, địa phương quyết và chịu trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, việc phân cấp không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Trái lại, địa phương khi được giao quyền sẽ chủ động hơn, chịu trách nhiệm trực tiếp, tránh được tình trạng “trên giữ, dưới chờ”.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp khi gặp vướng mắc lại đổ lỗi cho Bộ là chậm cấp phép, "ngâm" hồ sơ, trong khi thực tế là doanh nghiệp có vi phạm cần xử lý trước. “Nếu phân cấp rõ ràng thì Bộ không phải giải trình thay nữa”, ông nói.

Cải cách thực chất, phục vụ thật lòng

Từ những ví dụ cụ thể, Bộ trưởng khẳng định: Nếu không mạnh dạn rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủ tục thì sẽ rất khó đạt mục tiêu cải cách hành chính trong thời kỳ số hóa.

“Chúng ta không thể quản lý cả những việc mà lẽ ra không cần. Nếu doanh nghiệp sai thì xử lý. Nhưng những thủ tục có thể phân cấp thì nên phân cấp. Không thể vì giữ quyền mà làm chậm cả quá trình phát triển”, ông nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, cải cách hành chính không đơn thuần là rút gọn số lượng thủ tục hay thời gian giải quyết, mà cần đi vào bản chất: thiết kế lại quy trình, đơn giản hóa biểu mẫu, áp dụng công nghệ số, đồng thời giao quyền đúng nơi, đúng chỗ.

“Mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp. Muốn vậy thì phải đồng bộ hóa mẫu biểu, tinh gọn thủ tục và phân quyền thực chất. Đó mới là cải cách hành chính đúng nghĩa”, Bộ trưởng nói.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-khong-cai-cach-thuc-chat-thu-tuc-se-mai-la-luc-can-d753033.html