Thứ năm 29/05/2025 - 05:26
Xã hội
Biến vỏ dứa thành sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ đạt OCOP
Thứ Hai 26/05/2025 - 11:13
Từ những vỏ dứa tưởng chừng bỏ đi, nhóm bạn trẻ xứ Thanh đã sáng tạo ra Fuwa3e – thương hiệu tẩy rửa hữu cơ được công nhận OCOP và thân thiện với môi trường.
- Thanh Hóa hỗ trợ nhà cho hơn 1.400 hộ người có công với cách mạng
- Thanh Hóa xóa 7.600 căn nhà tạm, nhà dột nát
- Đề nghị thông tin kết quả kiểm tra suối ô nhiễm nghi trại lợn xả thải
Sản phẩm OCOP khởi nguồn từ tình yêu quê hương
Tại vùng đất Thanh Hóa, nơi được mệnh danh là “thủ phủ dứa” của miền Bắc, từng có những năm bà con nông dân phải xót xa nhìn hàng tấn dứa chín vàng không ai mua, đành đổ bỏ. Giá dứa lao dốc không phanh, người trồng rơi vào cảnh lao đao. Từ thực trạng đó, anh Lê Duy Hoàng, một người con của xứ Thanh, đã mang trong mình niềm trăn trở: làm gì để giúp bà con thoát khỏi cảnh nông sản rớt giá, giảm thiểu lãng phí và nâng cao giá trị cho chính quê hương mình?

Anh Lê Duy Hoàng cùng nhóm bạn trẻ nghiên cứu sáng tạo ra chế phẩm sinh học từ vỏ dứa. Ảnh: Thu Thủy.
Không chỉ xuất phát từ tinh thần cộng đồng, câu chuyện của Fuwa3e còn khởi nguồn từ tình cảm gia đình. Vợ anh Hoàng – chị Bùi Thị Bích Ngọc, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA Biotech – mắc bệnh viêm da cơ địa. Việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hóa học khiến da tay chị thường xuyên bị bong tróc, đau rát. Mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn, lành tính cho ngườiq thân đã thôi thúc anh cùng những người bạn bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp từ thiên nhiên.
Bước ngoặt đến khi anh Hoàng tình cờ đọc được câu chuyện về Tiến sĩ Rosuko (Thái Lan) – người có hơn 30 năm nghiên cứu về eco enzyme, một phương pháp thủ công ủ lên men vỏ trái cây để tạo ra các dung dịch tẩy rửa tự nhiên, an toàn với sức khỏe và môi trường.
Qua tìm hiểu, anh Hoàng và các cộng sự phát hiện vỏ dứa chứa một loại enzyme tên Bromelain – có khả năng phân giải protein, tương tự như cơ chế làm sạch trong các sản phẩm tẩy rửa. "Việc ăn dứa khiến rát đầu lưỡi là minh chứng rõ ràng cho khả năng phân huỷ protein của enzyme này", anh chia sẻ.
Nhận ra tiềm năng từ loại phế phẩm nông nghiệp đang bị lãng phí, anh Hoàng cùng nhóm bạn trẻ đam mê khởi nghiệp tại Thanh Hóa bắt đầu hành trình sáng tạo ra chế phẩm sinh học từ vỏ dứa. Họ gom vỏ dứa từ các hộ nông dân, sơ chế, làm sạch rồi tiến hành ngâm ủ cùng đường vàng và nước sạch. Quá trình lên men kéo dài liên tục 3 tháng, được khuấy đảo và kiểm tra hằng ngày.

Vỏ dứa được sơ chế, làm sạch rồi tiến hành ngâm ủ. Ảnh: Thu Thủy.
Để tăng hiệu quả tẩy rửa và tạo mùi dễ chịu, nhóm nghiên cứu bổ sung thêm các loại vỏ trái cây khác như cam, bưởi, chanh, bồ hòn... Sản phẩm thu được là enzyme tự nhiên có thể ứng dụng để sản xuất nước rửa chén, lau sàn, rửa tay, xịt khử mùi và nhiều sản phẩm sinh học khác.
Vươn xa với mô hình xanh, bền vững và đầy cảm hứng
Sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, nhóm cho ra đời sản phẩm nước rửa chén đầu tiên từ enzyme dứa và được công nhận sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sản phẩm ban đầu chưa được thị trường đón nhận do mùi chua khó chịu đặc trưng của quá trình lên men. Khái niệm “eco enzyme” lúc ấy còn rất mới tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng e dè.
Không nản chí, anh Hoàng cùng các thành viên kiên trì mang sản phẩm đi giới thiệu, phát miễn phí mẫu dùng thử để thu thập phản hồi. Nhóm liên tục cải tiến công thức, thử nghiệm nhiều loại tinh dầu tự nhiên như sả, chanh, quế, khuynh diệp... để khử mùi chua, tạo hương thơm dễ chịu và tăng khả năng kháng khuẩn, đuổi côn trùng.
Đến năm 2019, sau nhiều nỗ lực, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA Biotech chính thức được thành lập, đánh dấu sự ra đời của thương hiệu Fuwa3e và được công nhận là sản phẩm OCOP. Từ sản phẩm duy nhất là nước rửa chén, đến nay, công ty đã phát triển hơn 8 dòng sản phẩm sinh học bao gồm: nước giặt, nước lau sàn, nước rửa tay, nước vệ sinh bồn cầu, gel và muối rửa chén cho máy, nước rửa thực phẩm, xịt khử mùi…

Nguyên liệu từ vỏ dứa cho vào ngâm ủ để tạo nên sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ an toàn. Ảnh: Thu Thủy.
Điểm đặc biệt của Fuwa3e là mô hình sản xuất khép kín, bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đóng gói, công ty hạn chế tối đa việc sử dụng nhựa và nilon. Bã thải từ quá trình lên men được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ. Ngoài ra, công ty còn triển khai dự án “Trạm đong đầy”, cho phép khách hàng mang vỏ chai cũ đến nạp lại sản phẩm với giá ưu đãi – vừa tiết kiệm, vừa giảm thiểu rác thải nhựa.
Quá trình lên men enzyme cũng tạo ra khí O3 (ozone), có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, thanh lọc không khí và nước. Đây là điểm cộng lớn về mặt môi trường mà ít sản phẩm tẩy rửa nào trên thị trường có được.
Hiện tại, xưởng sản xuất chính được đặt tại Thanh Hóa, nơi nguồn nguyên liệu vỏ dứa luôn dồi dào. Công ty cũng có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và một văn phòng tại Đức, đánh dấu bước đi chiến lược trong hành trình đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.
Mỗi tháng, Fuwa3e đưa ra thị trường hơn 40.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. Hệ thống phân phối mở rộng khắp cả nước với hơn 500 nhà phân phối và đại lý cùng hơn 30 điểm refill – “Trạm đong đầy” để lan tỏa thói quen tiêu dùng xanh đến cộng đồng.
Không chỉ gây tiếng vang trong nước, Fuwa3e còn được ghi nhận tại nhiều diễn đàn khởi nghiệp và sáng tạo. Năm 2020, thương hiệu này lọt TOP 20 cuộc thi TECHFEST, TOP 2 Doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong chương trình ươm tạo thanh niên khởi nghiệp và là doanh nghiệp nông nghiệp duy nhất đại diện Việt Nam tại Hội nghị công nghệ ASEAN do Philippines tổ chức.
Các sản phẩm của Fuwa3e cũng được Viện Pasteur TP.HCM chứng nhận có khả năng diệt khuẩn lên đến 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, khẳng định uy tín và chất lượng trên thị trường.
Chị Nguyễn Diệp Chi (36 tuổi, Hà Nội), một người tiêu dùng yêu thích sản phẩm hữu cơ, chia sẻ: “Tôi từng dùng nước rửa chén nhập khẩu vì nghĩ sản phẩm ngoại an toàn hơn. Nhưng khi biết đến Fuwa3e, tôi rất ấn tượng vì chất lượng tương đương mà giá hợp lý, lại do người Việt sản xuất. Từ đó đến nay, tôi chỉ dùng sản phẩm này cho cả nhà".
Câu chuyện sản phẩm OCOP của Fuwa3e là minh chứng sống động cho việc khởi nghiệp từ tâm huyết, tình yêu và trách nhiệm với cộng đồng. Từ vỏ dứa bị bỏ đi, nhóm bạn trẻ xứ Thanh đã tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm hữu cơ an toàn, hiệu quả và bền vững, vừa góp phần giảm thiểu rác thải nông nghiệp, vừa thúc đẩy kinh tế địa phương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bien-vo-dua-thanh-san-pham-nuoc-tay-rua-huu-co-dat-ocop-d754615.html