| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 05:13

Phóng sự

Bảo vệ rừng ở vùng cao Diên Lãm

Thứ Hai 26/05/2025 - 19:30

Những cánh rừng tại xã Diên Lãm (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đang được người dân và các lực lượng chức năng bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Rừng Pù Hốc - niềm tự hào của bà con Diên Lãm

Theo đường Quốc lộ 48D quanh co, uốn lượn, dãy núi Pù Hốc sừng sững, xanh ngát nằm giáp ranh xã Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) với đỉnh Chóm Hén cao 485m. Đây là cánh rừng già có diện tích lên đến 183ha được người dân bản Hốc, xã Diên Lãm bảo vệ, gìn giữ từ hàng trăm năm nay.

Cánh rừng Pù Hốc được bảo vệ xanh tốt. Ảnh: Đình Tiệp.

Cánh rừng Pù Hốc được bảo vệ xanh tốt. Ảnh: Đình Tiệp.

Mấy chục năm về trước, khi những cánh rừng già tại các bản làng xung quanh dần ngã xuống do nạn phá rừng và thói quen phát nương, làm rẫy thì diện tích rừng trên dãy Pù Hốc vẫn được Ban quản lý bản và bà con nhân dân trong bản cùng nhau gìn giữ. Bởi mọi người đều hiểu rằng, giữ rừng là để giữ nguồn sinh thủy cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giữ hệ sinh thái, chống xói mòn đất, hạn chế lũ ống, lũ quét trong mùa mưa khắc nghiệt đặc trưng của vùng núi cao.

Bí thư Chi bộ bản Hốc, ông Quang Văn Đồng, tâm sự: “Bản Hốc có lịch sử hình thành đã hơn 300 năm. Từ những ngày đầu xây dựng bản mường, tổ tiên đã có quy ước bằng truyền miệng phải hạn chế khai thác gỗ từ rừng. Những gia đình muốn đẵn gỗ làm nhà phải được phép của dân bản và những người đứng đầu bản. Vì thế mà những năm 80- 90 của thế kỷ trước, trong khi nơi khác bị khai thác gỗ ồ ạt bán ra ngoài thì cánh rừng bản Hốc vẫn được người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt”.

Đường vào bản Hốc nay đã thuận lợi kể từ khi có Quốc lộ 48D. Ảnh: Đình Tiệp.

Đường vào bản Hốc nay đã thuận lợi kể từ khi có Quốc lộ 48D. Ảnh: Đình Tiệp.

Trải qua nhiều đời, quy định giữ rừng truyền miệng có lúc mai một nên tình trạng lợi dụng dựng nhà để khai thác gỗ bán cho người dưới xuôi hoặc người ngoài bản thi thoảng vẫn diễn ra, vẫn có tình trạng người dân vùng khác lén lút vào rừng chặt phá.

Đến những năm 2000, bản Hốc quyết định lập hương ước giữ rừng bằng văn bản, trong đó quy định cụ thể từng việc cấm cũng như hình thức xử phạt. Hương ước được giao trưởng bản giữ, có chữ ký của tất cả các hộ dân trong bản. Hương ước nêu rõ: Chỉ người dân bản Hốc mới được phép vào rừng Pù Hốc. Cấm săn bắt động vật trong rừng. Người dân chỉ được phép khai thác lâm sản phụ như hái măng, nhặt củi khô, cây dược liệu dưới tán rừng (trường hợp khai thác gỗ phải có lý do chính đáng và được phép của Ban quản lý)...

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 vào ngày 11/12/2014, quy định dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước, cánh rừng bản Hốc được Ban quản lý và bà con nhân dân “đóng cửa”, trừ việc khai thác lâm sản phụ. Hiện, bản có hơn 60 hộ dân, chia thành 6 nhóm tuần tra rừng. Từng nhóm có trách nhiệm tuần tra, giám sát rừng trong vòng một tháng. Nếu nhóm nào không tuần tra, để xảy ra mất gỗ, mất rừng, sẽ phải chịu hình thức xử phạt nặng.

Một góc bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đình Tiệp.

Một góc bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đình Tiệp.

Từ đó đến nay, rừng càng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, diện tích rừng nguyên sinh ngày càng phát triển xanh tươi. Rừng nguyên sinh Pù Hốc trở thành niềm tự hào lớn của bà con nhân dân và chính quyền xã Diên Lãm.

Nói về rừng Pù Hốc, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm tự tin khẳng định: "Không nhiều địa phương, bản làng còn giữ được những cánh rừng nguyên sinh, giàu giá trị như Pù Hốc. Chúng tôi rất tự hào với những gì bà con nơi đây làm được. Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành và tuyên truyền, giúp đỡ để người dân bản Hốc tiếp tục gìn giữ rừng ngày càng xanh tươi cho thế hệ mai sau".

"Năm 2023, thực hiện Tiểu dự án 1 - dự án 3 “phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với nâng cao thu nhập cho người dân”, đã chi trả cho người dân gần 12 tỷ đồng, năm 2024 hơn 10,4 tỷ đồng; Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2024 hơn 4 tỷ đồng, chi trả tiền giảm phát thải khí nhà kính năm 2024 hơn 12,5 tỷ đồng. Người dân Diên Lãm giờ đây sống khỏe nhờ bảo vệ rừng", ông Nguyễn Hữu Duy, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳ Châu cho biết.

Cho xanh thêm những cánh rừng

Ngoài Pù Hốc, xã Diên Lãm còn có gần 8.000 ha rừng đặc dụng thuộc diện phải quản lý nghiêm ngặt. Công việc này được giao cho Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm trực thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Với diện tích rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, nhiều suối dốc, hẹp kết hợp đồi núi cao; có nhiều loài động, thực vật có giá trị cao về kinh tế và nghiên cứu khoa học, nơi đây trở thành địa chỉ "nhòm ngó" của nhiều đối tượng lâm tặc.

Một góc rừng đặc dụng phía sau bản Cướm, xã Diên Lãm. Ảnh: Đình Tiệp.

Một góc rừng đặc dụng phía sau bản Cướm, xã Diên Lãm. Ảnh: Đình Tiệp.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác giữ rừng, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm Nguyễn Đình Hoàng cho biết: “Xã Diên Lãm là xã vùng cao của huyện nghèo Quỳ Châu, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao (chiếm hơn 40%), cuộc sống phụ thuộc nhiều vào rừng nên nguy cơ tác động vào rừng cũng rất lớn. Do đó, trạm xác định nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và bảo vệ rừng tận gốc là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, trong đó, phương châm là dựa và dân, lấy cộng đồng, dân bản làm nòng cốt”.

Nụ cười người tuần rừng (tại lâm phần Huôi Oi, xã Diên Lãm). Ảnh: Đình Hoàng.

Nụ cười người tuần rừng (tại lâm phần Huôi Oi, xã Diên Lãm). Ảnh: Đình Hoàng.

Phương châm ấy xuất phát từ thức tiễn người dân là người yêu và hiểu rừng nhất, nắm rõ từng ngóc ngách những cánh rừng ở địa phương. Vì thế, để thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã khoán bảo vệ hơn 4.609ha rừng cho cộng đồng thôn bản Na Lạnh và bản Cướm, thuộc tổ bảo vệ rừng UBND xã Diên Lãm. Sau khi nhận giao khoán, các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán đã tổ chức được khoảng 1.080 đợt tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với sự đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của  cán bộ trạm. 

Nói về quá trình tham gia bảo vệ rừng ở địa phương, ông Lương Văn Long, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 2, bản Cướm, xã Diên Lãm, cho biết: Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng, những giá trị rừng mang lại cho cuộc sống người dân nên chúng tôi sẵn sàng tham gia, tích cực bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đấu tranh, tố giác các cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Các tổ tuần tra rừng cộng đồng và cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm thường xuyên phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Đình Hoàng.

Các tổ tuần tra rừng cộng đồng và cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm thường xuyên phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Đình Hoàng.

“Năm 2024, cộng đồng bản Cướm với 86 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống hỗ trợ tiền công khoán 1,3 tỷ đồng. Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, cộng đồng bản, người dân được hỗ trợ tiền, vật chất nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm áp lực vào rừng. Ngoài ra, cộng đồng bản còn được hỗ trợ lắp đèn năng lượng mặt trời dọc các tuyến đường bản với tổng kinh phí 50 triệu đồng”, ông Lương Văn Long phấn khởi cho biết thêm.

Còn ông Lộc Thanh Trường, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 14, bản Na Lạnh, xã Diên Lãm, cũng vui mừng nói: “Năm 2024 cộng đồng bản Na Lạnh với 70 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống hỗ trợ tiền công khoán bảo vệ rừng 1,1 tỷ đồng. Ngoài việc được hỗ trợ tiền, vật chất, khi chứng kiến rừng ngày càng được bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có công sức của chúng tôi, chúng tôi thấy vui và tự hào vô cùng”.

Nói về công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Đình Hoàng, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm cho biết: “Hằng tháng, mỗi tổ thực hiện 2 đợt tuần tra rừng, mỗi đợt 2 ngày. Vì vậy, bất kỳ ngày nào ở Diên Lãm cũng có ít nhất một tổ tuần tra rừng. Kết thúc mỗi chuyến tuần tra, tổ trưởng của mỗi tổ có trách nhiệm ghi thông tin, ký xác nhận vào sổ nhật ký; đồng thời viết biên bản, báo cáo tuần tra rồi gửi kèm hình ảnh tuần tra, lâm phần được giao bảo vệ qua zalo của nhóm để trạm lưu giữ, báo cáo cấp trên. Nhờ đó, rừng ở Diên Lãm ngày càng được bảo vệ tốt hơn”.

Nhờ tình yêu với rừng, nhờ những bản quy ước, hương ước lưu truyền hàng đời, nhờ cách quản lý khoa học, thiết thực, trao quyền vào tay cộng đồng, người dân, nhờ tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết đồng lòng của chính quyền địa phương, Hạt kiểm lâm Quỳ Châu, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm, các tổ, cộng đồng bảo vệ rừng và người dân..., không chỉ Pù Hốc mà các cánh rừng trên địa bàn Diên Lãm ngày một xanh hơn, màu xanh mãi tỏa lan như bản tình ca về rừng ngân nga không bao giờ dứt…

Một góc xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tiệp.

Một góc xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tiệp.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-ve-rung-o-vung-cao-dien-lam-d754182.html