| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 18/05/2025 - 18:58

Lâm nghiệp

Bảo vệ 'lá phổi xanh' lớn nhất Tây Bắc

Chủ Nhật 18/05/2025 - 18:51

Trải qua hơn nửa thế kỷ, lực lượng Kiểm lâm Sơn La đang từng bước chuyển mình, nâng cao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tăng độ phủ xanh để khai thác kinh tế.

Những bước chân tiên phong

Giữa rừng xanh đại ngàn, Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã trải qua hành trình 51 năm đầy gian nan nhưng vô cùng tự hào, nơi những bước chân lặng lẽ mang theo khát vọng gìn giữ sự sống xanh của thiên nhiên.

Lực lượng kiểm lâm sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, hiểm nguy nhất. Ảnh: Nguyễn Nga

Lực lượng kiểm lâm sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, hiểm nguy nhất. Ảnh: Nguyễn Nga

Năm 1973, Nghị định số 101/CP ngày 21/5 của Hội đồng Chính phủ được ban hành, đã quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân, đánh dấu cột mốc đầu tiên của lực lượng kiểm lâm toàn quốc.

Bốn tháng sau, ngày 25/9/1973, Tổng cục Lâm nghiệp ký Quyết định số 819/QĐ về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm Sơn La, một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Đầu tháng 7/1974, tại bản Rôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, lễ ra mắt Chi cục được tổ chức trọng thể.

Khi ấy, lực lượng kiểm lâm tỉnh chỉ có 80 người, vỏn vẹn 3 kỹ sư, 26 trung cấp, còn lại là công nhân lâm nghiệp, bộ đội xuất ngũ, học sinh được bồi dưỡng nghiệp vụ. Họ bước vào rừng với đôi chân trần, trái tim nóng và niềm tin sắt đá vào sứ mệnh bảo vệ “lá phổi xanh” của Sơn La.

Trong cuốn kỷ yếu “50 thành lập Chi cục Kiểm Lâm Sơn La” ghi rõ: 5 năm kể từ khi thành lập, ra mắt và đi vào hoạt động là giai đoạn cam go và thử thách nhất đối với Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh. Điều kiện vật chất thiếu thốn, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Thế nhưng, như được hun đúc bởi tinh thần thép, cán bộ kiểm lâm Sơn La vẫn kiên cường bám đất, bám rừng, giữ gìn từng gốc cây, từng cánh rừng, không để một tấc xanh nào bị xâm phạm.

Bước sang năm 2025, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập hệ thống bộ ngành ở Trung ương, Chi cục Kiểm lâm Sơn La tiếp tục bước vào một giai đoạn chuyển mình mới, với không ít thách thức đặt ra cho toàn hệ thống.

Lực lượng kiểm lâm Sơn La. Ảnh: Mai Anh.

Lực lượng kiểm lâm Sơn La. Ảnh: Mai Anh.

Hiện nay, Chi cục có 29 phòng, ban, đơn vị trực thuộc, với tổng biên chế 374 người. Cơ cấu tổ chức gồm 5 phòng chuyên môn, 2 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 12 hạt kiểm lâm cấp huyện, cùng 5 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng và 5 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Sơn La chia sẻ: “Là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Chi cục luôn coi trọng sự phối hợp liên ngành từ Công an, Viện Kiểm sát, Bộ đội biên phòng đến chính quyền cơ sở. Phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng từ Văn bản Luật, Nghị định các quy định đến những cánh rừng, công tác giữ rừng mới thật sự hiệu quả”.

Chi cục đang tập trung triển khai 3 mục tiêu trọng tâm, gồm: Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, đảm bảo đúng quy định, hoàn thành 100% theo kế hoạch; bảo vệ tốt các diện tích rừng hiện có, phấn đấu trồng mới 1.430 ha rừng tập trung và một triệu cây phân tán, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,5%; xử lý nghiêm 100% vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tiếp nhận và giải quyết kịp thời tin báo, đơn thư liên quan đến rừng.

Rừng là vàng

Vừa giữ rừng, vừa đảm bảo sinh kế cho dân. Ảnh: Nguyễn Nga

Vừa giữ rừng, vừa đảm bảo sinh kế cho dân. Ảnh: Nguyễn Nga

Lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” vẫn là kim chỉ nam cho mỗi cán bộ kiểm lâm hôm nay. Họ vừa giữ rừng, vừa là người bạn của dân vùng cao trong hành trình gìn giữ và phát triển tài nguyên rừng.

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức ký cam kết về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giữa UBND 12 huyện, thị xã, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh và giữa 200/200 xã, phường, thị trấn với UBND huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng được quan tâm, chú trọng, giúp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, từ đó tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng.

Vẫn còn đó những gian nan. Những cơn lửa “cướp” rừng, những chuyến tuần tra xuyên đầy rãy hiểm nguy hay cả những lần đối mặt với những kẻ “âm thầm” chống phá, tất cả đều đánh đổi bằng sức lực và trí lực của lực lượng kiểm lâm.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm thăm hỏi, động viên anh Lò Văn Hoài tại bệnh viện tháng 4/2023. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm thăm hỏi, động viên anh Lò Văn Hoài tại bệnh viện tháng 4/2023. Ảnh: Trung Quân.

Còn nhớ vào giữa tháng 4 năm 2023, anh Lò Văn Hoài, quản lý bảo vệ rừng viên thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Mường La đã bị gãy cả 2 chân trong quá trình dập lửa cứu rừng. Vết thương đã lành, song bước đi của anh giờ không còn vững chãi, nhưng tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết trong anh vẫn luôn bền bỉ như cây rừng giữa bão giông.

Người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm chia sẻ thêm, hiện nay lực lượng kiểm lâm còn “kiêm nhiệm” vai trò bảo tồn đa dang sinh học, biến đổi khí hậu giảm khí nhà kính, cacbon rừng và hỗ trợ sinh kế cho người dân sống ven rừng: cùng trồng, cùng chăm cây, cùng đợi đến ngày thu hái. Để rừng không chỉ là bóng mát che chở, mà còn là “của để dành” cho tương lai.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, từ những dấu chân đầu tiên giữa rừng sâu, lực lượng kiểm lâm Sơn La hôm nay đã vững vàng thành một “lá chắn xanh” giữa đại ngàn. Trong từng thân cây, từng làn gió thoảng qua cánh rừng, có mồ hôi, công sức và trái tim của những con người thầm lặng bảo vệ và giữ lá phổi xanh cho vùng núi Tây Bắc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-ve-la-phoi-xanh-lon-nhat-tay-bac-d753682.html