| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 23/04/2025 - 18:57

Chính trị

Báo Nông nghiệp và Môi trường xứng đáng là người mở đường tư tưởng, giữ 'túi khôn' bốn phương

Thứ Tư 23/04/2025 - 10:33

Báo Nông nghiệp và Môi trường xứng đáng là người mở đường tư tưởng, giữ 'túi khôn' bốn phương, phát triển xã hội vì nền nông nghiệp hiện đại, môi trường bền vững và nông thôn tiến bộ.

Trên nền tảng, vị thế và sức mạnh 40 năm đổi mới, đất nước chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trở thành nước phát triển trong tầm nhìn năm 2045.

Nói một cách hình ảnh, đây là thời kỳ thách thức và hóa giải mọi giới hạn phát triển, bằng nắm lấy thời cơ, xuất phát từ chính mình, với bản lĩnh tự tôn, tự trọng, tự cường và hành động quyết liệt, không thể rụt rè, do dự hay chờ đợi, cầu toàn, vì sự hùng cường và danh dự đất nước. Nó đòi hỏi về nghệ thuật xử lý thời và thế, mở tầm viễn kiến chiến lược, hoạch định quyết sách chính trị đúng đắn, đổi mới hệ thống chính trị và tập hợp lực lượng đông đảo, tìm tòi hệ giải pháp thực thi phù hợp, đồng bộ và đủ mạnh, tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc của đất nước trong sự phát triển của thế giới, bước tới hùng cường, trong tầm nhìn năm 2045.

Có thể nói, đây là cuộc cách mạng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa đổi mới, sáng tạo Việt Nam.

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Báo Nông nghiệp và Môi trường vinh dự được giao phó cương vị mới, lãnh nhiệm sứ mệnh to lớn hơn, mới mẻ hơn nhưng đồng thời nặng nề hơn và nhất định khó khăn hơn. Ảnh: Minh Phúc. 

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Báo Nông nghiệp và Môi trường vinh dự được giao phó cương vị mới, lãnh nhiệm sứ mệnh to lớn hơn, mới mẻ hơn nhưng đồng thời nặng nề hơn và nhất định khó khăn hơn. Ảnh: Minh Phúc. 

Trong cuộc cách mạng trên hành trình vĩ đại ấy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giữ vị trí mới về tầm vóc, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước to lớn và quan trọng ở các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng, chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực đó… và được kỳ vọng tiếp tục làm nên sức mạnh to lớn hơn, vững chắc hơn, xứng đáng hơn trong chỉnh thể phát triển đất nước, vươn tới thịnh vượng.

Theo đó, với tư cách là cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diễn đàn phát triển nông nghiệp, môi trường và nông thôn Việt Nam, thành viên trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, trên nền tảng hệ thống báo chí tiền thân 80 năm của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, Báo Nông nghiệp và Môi trường vinh dự được giao phó cương vị mới, lãnh nhiệm sứ mệnh to lớn hơn, mới mẻ hơn nhưng đồng thời nặng nề hơn và nhất định khó khăn hơn.

Nhìn lại năm 2024, ngành nông nghiệp nước nhà tiếp tục đạt những thành tựu “vô tiền khoáng hậu” trong 10 năm qua: Giá trị sản xuất đạt mức tăng khá cao, khoảng 3,3%; nổi bật là ngành gạo với xuất khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại: 9 triệu tấn thu về 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về lượng và tăng đến 21,2% về kim ngạch so với năm 2023. Đây là khối lượng và kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử ngành gạo. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, ngăn mặn, chống sạt lở, sụt lún, ứng phó biến đổi khí hậu, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng phục vụ sản xuất giống, cơ sở nghiên cứu, đào tạo... được đầu tư, đưa vào sử dụng đã tăng mức đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động do hạn hán, biến đổi khí hậu...

Báo chí và truyền thông góp phần quan trọng trong thành quả ấy.  

Trên nền tảng thành tựu to lớn đó, trước thời vận mới, theo tôn chỉ, mục đích, trên cương vị của mình, với chức năng độc lập trong thống nhất những trọng trách mới, đòi hỏi Báo gánh vác các sự kiện lớn, quan trọng một cách hiệu quả, theo yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao phó.

Nâng tầm dự báo chiến lược, góp phần phát triển đồng thuận toàn xã hội

Trong xu thế phát triển của thời đại, từ yêu cầu phát triển đất nước, Báo tiếp tục đi tiên phong trên phương diện tư tưởng và cổ vũ ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cuộc đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng thuận, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn, hiện đại song hành với phát triển môi trường sinh thái hài hòa, bền vững, thúc đẩy tốc độ phát triển môi trường nông thôn - nền móng xã hội nông nghiệp văn minh và tiến bộ - bảo đảm kinh tế nông nghiệp tăng trưởng cũng như phát triển xứng tầm tiềm năng.

Đó là triết lý phát triển của nền kinh tế nông nghiệp song hành với bảo vệ, phát triển môi trường bền vững và nhân văn nước nhà, cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; là linh hồn và rường cột của triết lý phát triển lâu dài, quán xuyến nội dung căn bản mang tầm vĩ mô hiện thực hóa trong tầm nhìn, tư duy đổi mới và trình độ phát triển mang tầm chiến lược xứng đáng với vị thế, chức năng và nhiệm vụ của Báo.

Nói khái quát, đó chính là tuyên ngôn chính trị, xã hội và nghiệp vụ.

Không dừng ở nhập cuộc mà phải trong cuộc, góp phần tổng kết toàn diện, phát hiện mâu thuẫn và cảnh báo nguy cơ trong quản lý cũng như phát triển

Tiếp tục và xứng đáng là tiếng nói trong công cuộc chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và mỗi người dân.

Theo đó, chủ động tổng kết và thúc đẩy phương diện tiếp tục kiến tạo không gian phát triển, tìm tòi các động lực tăng trưởng ngành nông nghiệp; cổ vũ việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, sản lượng lương thực có hạt năm 2024 ước đạt 48,1 triệu tấn, tăng 0,4%; giá trị 1ha đất trồng trọt năm 2024 ước đạt 127 triệu đồng, tăng 7,4% so với năm 2023. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; trong đó khai thác 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% và nuôi trồng 5,75 triệu tấn, tăng 3,7%... đã thực sự xứng đáng với tiềm năng chưa?

Bài viết của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.

Bài viết của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.

Trong việc tiếp tục đổi mới và góp phần tìm tòi hệ thể chế, hệ động lực phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy - hải sản cả trong nước lẫn xuất khẩu bao hàm những vấn đề gì căn bản và quan trọng? Việc phát hiện, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên một cách tổng thể, phù hợp với các tiểu vùng khí hậu gắn với sản xuất và sinh hoạt xã hội đã và đang đối mặt những vấn đề gì nổi cộm, cấp bách?

Năm 2024, dù tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%... nhưng đã xứng đáng với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị chưa?

Để việc tham gia nghiên cứu, tổng kết việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu một cách phù hợp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, thực tế đang thách thức gì và như thế nào đối với giới nghiên cứu, quản lý và tổ chức thực tiễn ở các cấp, các địa phương?  

Trong phát hiện và cổ vũ việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp song hành với bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái gắn với môi trường xã hội; kinh nghiệm mở cửa thị trường nhằm chủ động hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra những thách thức gì trên tầm vĩ mô song hành với khó khăn ở mỗi địa phương và cơ sở? Hiện nay, cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề truyền thống được công nhận, tăng 8 làng nghề so với năm 2023, góp phần cung cấp việc làm cho hơn 11 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.... Nhưng, tại sao chỉ là như vậy?

Đó là cương lĩnh hành động tiên phong bao trùm - hàn thử biểu về bản lĩnh, trình độ và sự dũng cảm!

Đổi mới nội dung, phương thức phổ biến thông tin, kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế về nông nghiệp và môi trường thật sự phù hợp, hiệu quả

Chủ động đi đầu tuyên truyền việc góp phần nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Vì sao việc cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo, cấy, chăm sóc, thu hoạch, sấy, tiêu thụ sản phẩm… trong sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, thu hoạch trên 90% nhưng lại chưa phát triển rộng khắp, đồng đều ở các địa phương khác?

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền việc tổ chức và hoạt động khuyến nông, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất cũng như địa phương; nhất là kinh nghiệm phối hợp khuyến nông Nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp để chuyển giao, nhân rộng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Mặt khác, chủ động cổ động sâu rộng việc phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ (sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ… khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng,...) để cung cấp thông tin, tư vấn, môi giới công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trang trại, hợp tác xã. Đặc biệt, các nước Nhật Bản, Thuỵ Điển, Singapore rất có kinh nghiệm trên phương diện xây dựng hợp tác xã. 

Tổng kết thành tựu, phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị ngành hàng và các đơn vị, cơ sở, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành ở trong nước và các nước phát triển trên phương diện này ra sao? Năm 2024, vì sao có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, nhưng lại chỉ có 60% diện tích cây mía, cây ăn quả,... được dùng giống mới? Và, vì sao tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 35%? Kinh nghiệm tham chiếu của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên phương diện này như thế nào?

Đó là thước đo tầm nhìn quảng khoát, sự tinh tế và cầu thị phát triển.

Kiến tạo diễn đàn mở phù hợp với từng đối tượng bạn đọc

Trên cơ sở đa nền tảng, Báo mở các diễn đàn thông tin, trao đổi chung quanh các vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát triển môi trường trong nước cũng như quốc tế, gửi đến bạn đọc đa dạng một cách hệ thống, sinh động và phù hợp. Đó là đất “sống”, đồng thời là thế mạnh tuyệt đối và động lực phát triển bền vững.  

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường tiếp tục được xác định là nền tảng quan trọng, là lợi thế quốc gia, là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường tiếp tục được xác định là nền tảng quan trọng, là lợi thế quốc gia, là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường trong nước và quốc tế là gì? Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm là như thế nào? Và, việc nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất cần những điều kiện cần và đủ gì?

Để phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cần đột phá gì về tư duy, tầm nhìn và thể chế tương dung? Năm 2024, diện tích rừng trồng tập trung ước 282 nghìn ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước 22,88 triệu m3, tăng 9,8%.... đã thực sự là thành tựu tối đa chưa?

Đặc biệt, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác và hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp ở các khu vực kinh tế và nước ngoài, các công ty nông, lâm nghiệp trong nước, cần những gì và như thế nào, nhất là về thể chế, về động lực phát triển?

Thực tế cho thấy, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2024, dù có 1.500 doanh nghiệp ra đời, nâng tổng số lên khoảng 17.300 đơn vị, tăng 7,5% so với năm 2023, nhưng đã tương xứng với tiềm năng chưa? Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề dù được duy trì, chỉ đạo ngày càng hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, bảo tồn văn hóa dân tộc đã thật sự xứng đáng chưa, có gì đang cản trở và khuôn cứng năng lực phát triển? Làm gì để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển nông nghiệp và môi trường?

Để xứng đáng là một diễn đàn rộng rãi, dân chủ và thiết thực, phải chăng, cần thiết mở các chuyên trang trên các nền tảng công nghệ số: Nông nghiệp và hội nhập, Pháp luật về nông nghiệp, đất đai và môi trường, Giống mới và kỹ thuật mới, Tiếng nói nông thôn mới, Kinh nghiệm và bài học quốc tế?

Đó là những thách thức mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rộng lớn quyết định sức sống và tầm ảnh hưởng và chân trời phát triển bền vững trong xu thế hội nhập và phát triển.

Xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo giỏi chuyên môn, thành thạo nghiệp vụ, dũng cảm và trung thực song hành với xây dựng đội ngũ cộng tác viên là chuyên gia, nhà khoa học về nông nghiệp, môi trường và xã hội  

Hơn bao giờ hết và hơn ai hết, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên xứng đáng là một chuyên gia về nông nghiệp và môi trường. Kinh nghiệm thực tiễn báo chí cho thấy, không phấn đấu trở thành chuyên gia trên lĩnh vực phụ trách tuyên truyền và cổ động không thể trở thành nhà báo giỏi, và có tín nhiệm. Đó là báo chí chỉ là phương tiện. Tự đào tạo và tự nâng mình ngang tầm nhiệm vụ là con đường thích hợp nhất và hiệu quả nhất trên phương diện này, nhất là trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay.

Gắn chặt và cầu thị với các viện nghiên cứu, trường đại học về kinh tế, về nông nghiệp, môi trường, về xã hội, nhất là đắm mình học tập trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở cơ sở là bước đi ngắn nhất để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên hoàn thiện mình và trở thành nhà báo - chuyên gia trên phương diện chuyên biệt và khó khăn này. Chăm lo và phát triển đời sống toàn diện cho những người làm báo.

Đó là nhân tố quyết định nội lực, bảo đảm sự ngang tầm hay sự thành bại trước yêu cầu phát triển mới của lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.  

Đồng thời, Ban Biên tập gắn chặt và song hành với các Bộ, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các địa phương, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp và môi trường, các cơ quan tư vấn trong nước, các điển hình tiêu biểu, các “điểm nóng”; liên kết với các báo, tạp chí trong hệ thống báo chí để vừa thu hút và xây dựng đội ngũ cộng tác viên chiến lược (các chuyên gia, các nhà tổ chức thực tiễn trước hết ở trong nước, các tổ chức tư vấn quốc tế…) vừa phát triển môi trường học tập, từ đó đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ người làm báo một cách chủ động, thiết thực, hiệu quả.

Đó là nhân tố sự vững chắc quyết định sự tin cậy và bảo đảm uy tín trước xã hội.

Kỷ niệm 100 năm vẻ vang nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, với truyền thống tốt đẹp 80 năm của các thế hệ nhà báo và cộng tác viên, vinh dự trước vị thế mới, trọng trách mới, Báo Nông nghiệp và Môi trường cần tự tin tiếp tục khẳng định vị thế, sức mạnh và uy tín, góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới xây dựng nền nông nghiệp, đồng thời phát triển bền vững và nhân văn môi trường. Có như vậy mới tiếp tục nhận được yêu quý, tôn trọng của bạn đọc, đặc biệt là sự tin cậy, học tập của nông dân, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thời cơ lớn ủng hộ, tầm nhìn mới đã và đang mở, con đường mới rộng lớn, lực lượng mới tinh tuyển… trước Báo Nông nghiệp và Môi trường; vấn đề còn lại là quyết tâm hành động một cách kiên quyết, sáng tạo, phù hợp và ngang tầm nữa mà thôi!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-nong-nghiep-va-moi-truong-xung-dang-la-nguoi-mo-duong-tu-tuong-giu-tui-khon-bon-phuong-d747885.html