Thứ tư 23/04/2025 - 06:46
Môi trường
Báo Nông nghiệp và Môi trường đáp ứng nhu cầu thông tin với độ tin cậy cao
Thứ Tư 23/04/2025 - 06:39
Khoa học sẽ giúp lý giải về biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khi báo chí có thể phát huy thế mạnh để thúc đẩy cộng đồng cùng hành động ứng phó.
- Thư ngỏ của Tổng Biên tập nhân dịp Báo Nông nghiệp và Môi trường ra số đầu tiên
- Báo Nông nghiệp và Môi trường, bước tiến mới cho một Việt Nam bền vững
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi thư chúc mừng Báo Nông nghiệp và Môi trường
- Báo Nông nghiệp và Môi trường: Sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên phát triển xanh
Biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật, và ảnh hưởng nặng nề hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khoẻ, đời sống. Xuất phát từ thực tiễn đó, công tác thông tin và truyền thông trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn (KTTV), BĐKH cần hướng tới từng đối tượng cụ thể và cung cấp đúng thông tin mà họ mong muốn.
Đây là chia sẻ từ PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhân sự kiện Báo Nông nghiệp và Môi trường chính thức hoạt động với tên gọi mới.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Ảnh: NNVC.
Gắn kết nguồn dữ liệu khoa học về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) đi vào hoạt động sẽ mở ra một chiến lược mới trong nghiên cứu khoa học về KTTV và BĐKH, gắn chặt hơn với ngành nông nghiệp - một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ thời tiết cực đoan. Đây không chỉ là sự hợp nhất về mặt quản lý, mà còn là sự tích hợp nguồn lực, tối ưu hóa nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng, góp phần nâng cao tính bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh chóng.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Bộ NN&MT là kết nối dữ liệu KTTV và BĐKH với nhu cầu thực tiễn của ngành nông nghiệp. Việc tích hợp dữ liệu không chỉ giúp sử dụng công cụ mới phân tích nâng cao độ chính xác của dự báo, mà còn tối ưu hoá các nghiên cứu nhằm hỗ trợ hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và sản xuất bền vững. Thống nhất, đồng bộ về mặt thực hiện chính sách trên cơ sở những nghiên cứu khoa học về KTTV và BĐKH, và tác động đến nông nghiệp sẽ giúp xây dựng các chiến lược dài hạn. Cụ thể là các chiến lược về ứng phó hiệu quả với thiên tai, nâng cao khả năng thích ứng, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, ngành nông nghiệp có thể tăng cường đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính vào nỗ lực thực hiện các cam kết và chiến lược của Chính phủ tại COP26.
Cần phải khẳng định, thông tin KTTV và BĐKH là đầu vào quan trọng trong công tác phòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH. Những thông tin này có hàm lượng khoa học cao vì là kết quả của sự mô phỏng các quá trình vật lý xảy ra trong khí quyển và thủy quyển, với một xác suất nhất định chứ không tuyệt đối, và cần phải cập nhật liên tục. Điều này đỏi hỏi người dùng phải có những hiểu biết nhất định để có thể sử dụng hiệu quả trong ứng phó với thiên tai và BĐKH, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Trong công tác thông tin tuyên truyền, về nội dung, các cơ quan thông tin, truyền thông nói chung, báo chí nói riêng có thể tập trung theo các chủ đề (từng loại hình thiên tai), hướng tới từng đối tượng cụ thể (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến, dịch vụ..) và cung cấp đúng thông tin mà đối tượng sử dụng mong muốn trên cơ sở các thông tin khoa học và quản lý nhà nước.
Về phương thức, truyền thông và thông tin phải đa dạng, đa nền tảng hơn để đảm bảo thông tin đến được với các cấp, cộng động, người dân một cách nhanh nhất, kịp thời trong mọi điều kiện để kịp thời triển khai những biện pháp ứng phó.
Về hình thức, thông tin được truyền tải tới người dân cần sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu và các hình thức truyền thông trực quan giúp nhận diện nhanh những nguy cơ và rủi ro để ứng phó thiên tai, BĐKH. Thực tế, thông tin khoa học của lĩnh vực KTTV, BĐKH có tính khoa học nên có thể gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm, dẫn đến việc khai thác và ứng dụng các thông tin này vào thực tế không hiệu quả hoặc có thể là không ứng dụng được. Do vậy, báo chí không chỉ thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác mà còn phải là phát huy thế mạnh sử dụng ngôn ngữ, hình thức đồ hoạ và các giải pháp truyền thông gần gũi, dễ hiểu và thu hút người dân.

Tông tin khí tượng thủy văn là đầu vào quan trọng cho công tác phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hâu. Ảnh: Trung Nguyên.
Mặt khác, cần thiết phải có sự tham gia của các bên liên quan gồm đối tượng cung cấp thông tin (cơ quan quản lý, chuyên môn, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu) và đối tượng sử dụng thông tin (các nhà quản lý các cấp, các lĩnh vực kinh tế-xã hôi, cộng đồng dân cư…). Việc am hiểu và nắm bắt tình hình thực tế của các bên liên quan, sẽ giúp công tác truyền thông và thông tin đóng vai trò như “cây cầu kết nối” tốt hơn, hiệu quả hơn và gắn với thực tế hơn.
Thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu
Hoạt động KTTV&BĐKH hướng tới mục tiêu bảo vệ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực, đồng thời hỗ trợ sử dụng thông tin nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Do vậy, quan trọng nhất là sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, cũng như việc họ có thể khai thác thông tin phục vụ sản xuất hiệu quả và bền vững.
Để đạt được điều này, tôi cho rằng, chúng ta cần chú ý tăng cường công tác truyền thông và thông tin về tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu bao gồm cả thách thức và cơ hội; nắm bắt những lợi ích của việc sử dụng thông tin KTTV&BĐKH trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đồng thời, cần giúp doanh nghiệp và người dân nắm bắt được vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; biến nhận thức thành các hành động cụ thể.
Cần nhấn mạnh rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà cần sự tham gia tích cực của cộng đồng và hướng tới mục đích vì cộng đồng.
Thông tin về giải pháp công nghệ và khoa học tiên tiến cũng rất quan trọng, như hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, và các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của các giải pháp và thúc đẩy việc áp dụng trong thực tiễn. Hơn nữa, người dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học công nghệ, sẽ tin tưởng hơn về các kết quả dự báo và sẵn sàng ứng dụng thông tin để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Mặt khác, cần tăng cường công tác truyền thông và thông tin về các chính sách và chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Những vấn đề cộng đồng quan tâm như hỗ trợ tài chính cho nông dân, các dự án phục hồi rừng, và chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng nhằm đem lại lợi ích cho các bên.... sẽ tạo động lực để hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-nong-nghiep-va-moi-truong-dap-ung-nhu-cau-thong-tin-voi-do-tin-cay-cao-d743367.html