| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 22/04/2025 - 11:29

Chính trị

Báo Nông nghiệp và Môi trường chắc chắn phải trở thành tờ báo giải pháp

Thứ Ba 22/04/2025 - 11:23

'Mỗi một người làm Báo Nông nghiệp và Môi trường vẫn sẽ là thư ký của thời đại, đầy nhiệt huyết, say mê và trách nhiệm với ngòi bút của mình', nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh.

Những câu chuyện cũ về một thời làm báo trong bối cảnh giống như câu thơ Bằng Việt viết: Thời ấy quá chừng nghèo mà sao quá chừng vui.

1.

Năm 1987, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp thực phẩm. Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn ký Quyết định thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của ngành.

Tôi là người của Báo Nông nghiệp cũ, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu và Tổng Biên tập báo là các ông Thứ trưởng Đường Hồng Dật, Nguyễn Đăng, Trần Khải…, những người vừa là nhà quản lý vừa là nhà khoa học lẫy lừng, luôn sẵn sàng chỉ bảo thế hệ đi sau, trong đó có tôi.

Nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Về cơ quan mới, cảm nhận đầu tiên là nhìn thấy rất nhiều người. Thời đó báo mỗi tuần xuất bản 1 số, vỏn vẹn mỗi số chỉ có 8 trang nhưng có đến ngót trăm người làm. Cơ quan có đủ các phòng ban gồm: phòng Kinh doanh, phòng Dịch vụ, ban Sản xuất, ban Kinh tế, ban Văn xã, ban Tòa soạn, ban Bạn đọc, Tạp chí. 

Rồi chuyện đặt tên báo cũng nâng lên đặt xuống. Người thì bảo lấy mỗi tờ 1 chữ, đặt là Nông Lương, người khác kêu không được, phải là Nông Thực phẩm, chí ít cũng phải là Nông Sản. Cuối cùng Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn quyết định lấy tên Nông nghiệp Việt Nam và trực tiếp viết lời giới thiệu gửi bạn đọc.

Người đông, việc ít nên nhớ nhất là chuyện cơm áo. Báo xuất bản số đầu tiên trong bối cảnh cả đất nước đang sôi sục Đổi mới, nhưng anh em hầu như không có tâm trí để bắt nhịp với cuộc sống. Quả đúng như lời ông bà ta thường bảo: Phải có thực mới vực được đạo. Kiếm cái ăn cho cả trăm người trong bối cảnh lúc đó thật không dễ dàng gì.

Ngày ấy thu nhập chính của anh em là gia công đóng sổ gạo và biểu mẫu cho ngành. (Báo Lương thực là cơ quan độc quyền cấp sổ gạo cho cư dân cả nước). Số lượng khổng lồ. Giấy do Nhà nước quản lý phân phối. Các tòa soạn được phân giấy in báo có hạn mức chứ không phải theo thị trường. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong những năm tháng ấy từng viết: “Em mới hiểu đất nước mình dành dụm/Hiểu vì sao ta bớt giấy in thơ/Để in phiếu đường phiếu thịt”.

Mất khoảng chừng 5 năm đầu, Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức sắp xếp lại bộ máy, vừa tinh gọn ban bệ, con người, vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Bộ trong bối cảnh chạy ăn từng bữa. Rất vất vả, nhọc nhằn. Tôi nhớ năm 1992 Tổng Biên tập Lê Nam Sơn chạy vạy mượn tiền để trả lương cho anh em. Tâm trí, nhiệt huyết đâu mà làm báo hay được chứ?

Cái sự vất vả, nhọc nhằn ấy, sau này ngồi lại với nhau chúng tôi vẫn thường hay đùa: Có lẽ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam ít có cơ quan báo chí nào lại làm nhiều thứ như Báo Nông nghiệp Việt Nam. Từ làm báo hàng ngày, làm tuần san, phụ san cho đến nuôi tôm, nuôi bò, nuôi cá, trồng sắn ở nước ngoài, trồng cao su, cà phê, buôn gạo…

Lại còn có cả ý tưởng lập đội tàu đánh bắt cá xa bờ. May hồi đó không tuyển đủ tài công nên dừng lại. Nói dại lỡ không may bắt cá chả thấy đâu mà tàu chìm thì báo chắc cũng chìm theo nốt. Rồi chuyện thành lập hẳn Công ty dịch vụ, mở nhà sách hy vọng làm kinh tế báo như các tờ báo bạn. Nhưng (lại nhưng), rất nhiều việc đúng là không như mình mơ.

Để có thể nuôi nhau, chúng tôi bươn bả làm hết tất cả những việc có thể. Có thành công, có thất bại, nhưng ai nấy đều quyết tâm cao. Làm gì cũng được, miễn là để trước hết anh em có cái ăn, sau là giữ cho ngòi bút của mình không bị vướng vào gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Riêng chuyện làm báo phải đến sau 1992, khi có Tổng biên tập mới là người trẻ, giàu nhiệt huyết, Báo mới định hình được con đường mình sẽ đi. Tất nhiên vẫn còn theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng giống bối cảnh ngày nay nhưng cái chính là sắp xếp được tổ chức, có đội ngũ nhân lực phù hợp, được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ, trong đó có sự khích lệ của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Sức sống của báo bật lên rất nhanh. Liên tiếp tăng kỳ, tăng trang. Nội dung khởi sắc. Và đặc biệt là số báo Tết đã làm nên thương hiệu Báo Nông nghiệp Việt Nam được đông đảo bạn đọc yêu mến.

Tôi nhớ, 10 năm làm Bộ trưởng, ông Nguyễn Công Tạn cực kỳ quan tâm và tạo điều kiện cho báo. Đó là sự động viên, khích lệ rất lớn. Mỗi lần gặp chúng tôi ông thường nói vui: "Các ông xin cái gì Bộ cũng sẽ tạo điều kiện, miễn là đừng xin tiền". Thời kỳ đó là như thế. Cả đất nước khó khăn. 

Khi Báo xác định là Cơ quan ngôn luận của Bộ, Diễn đàn xã hội vì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn thì khí thế làm báo lên cao. Những vấn đề nóng bỏng, gai góc cả trong và ngoài ngành được đề cập và tất nhiên không thể tránh khỏi chuyện va vấp, xung đột với người này người kia, đơn vị này đơn vị nọ. Mỗi lần “có chuyện”, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn chỉ dặn dò ngắn gọn: Báo của các cậu, trách nhiệm cũng là của các cậu. Tớ chỉ dặn là viết gì thì viết miễn sao phải nằm lòng 3 điều: Tài liệu chính xác, động cơ trong sáng và tinh thần xây dựng.

Nhà báo Trịnh Bá Ninh (ngoài cùng bên phải) cùng với ông Nguyễn Công Tạn, ông Lê Nam Sơn và nhà báo Thái Sinh ngày mới ra mắt Báo Nông nghiệp Việt Nam . Ảnh: Quách Trần Lâm.

Nhà báo Trịnh Bá Ninh (ngoài cùng bên phải) cùng với ông Nguyễn Công Tạn, ông Lê Nam Sơn và nhà báo Thái Sinh ngày mới ra mắt Báo Nông nghiệp Việt Nam . Ảnh: Quách Trần Lâm.

Đặc biệt là các vấn đề nhức nhối liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà báo khai thác, phản ánh. Sau khi đăng tải đã ít nhiều gây rúng động xã hội, có thể kể đến một số loạt bài như: Anh Bá, anh Tùy ơi. Cứ thế này thì Nghệ An còn khổ mãi; Chỉ cách Hà Nội trên 20 cây số: Có một vùng trời “không Chính phủ”; Cách Hà Nội 10km - Một làng quê chị Dậu… Rồi các vấn đề nóng bỏng, tiêu cực ở chính trong ngành mà báo nêu lên, đụng chạm đến cả nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao, không hề đơn giản. Bao giờ cũng vậy, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn và lãnh đạo Bộ luôn quan tâm, ủng hộ, nhất quán quan điểm: Sứ mệnh của báo chí là đấu tranh cái dở, bảo vệ, cổ vũ và lan tỏa cái hay.

Tôi luôn nghĩ rằng đó là điều may mắn lớn của Báo Nông nghiệp Việt Nam mà không nhiều cơ quan báo chí khác có được. Các thế hệ lãnh đạo Bộ không chỉ dành tình cảm, quan tâm đến báo mà còn “nâng trần” để Báo phát huy hết khả năng, sở trường cũng như sẵn sàng bảo vệ, tạo điều kiện. Nhờ thế mà báo mới có thể khai thác đến tận cùng nhiều vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Mới có Mối lo làng quê, Ngân sách nào kham nổi, Gánh nặng quê nghèo, Nước mắt Sông Lô…

Ở chiều ngược lại, các thế hệ người làm Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn xác định phải làm sao xứng đáng với niềm tin yêu ấy. Nhiệt huyết, trách nhiệm, kiên trì và bền bỉ. Anh em phóng viên báo có thể ăn cơm lạc rang nhưng đạp xe hàng trăm cây số đi tuyên truyền, phản ánh các chủ trương, chính sách của ngành; rong ruổi cả  tháng trời kiên quyết đấu tranh với cái dở, cái chưa được của đời sống bằng tinh thần xuyên suốt: Tài liệu chính xác, động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng.

Tinh thần ấy tích lũy dần thành phong cách, thành một nét văn hóa riêng. Có rất nhiều “đối tượng phản ánh” sau này trở thành những người bạn của Báo Nông nghiệp Việt Nam, bởi họ thấy rằng những gì báo viết là đúng, khách quan và xây dựng.

 2.

Sinh thời nhà báo Hữu Thọ thường nói: Làm báo đừng bao giờ thổi kèn đám ma trong đám cưới. Mà phải thổi kèn xung phong. Đôi khi chuyện nghề không hoàn toàn là chuyện đúng hay sai tuyệt đối. Làm sao có cái nhìn thực sự nhân văn, khách quan nhất có thể. Điều đó cần ở tri thức, trải nghiệm và hơn hết là tấm lòng.

Ở kỷ nguyên mới này, tôi nghĩ rằng Báo Nông nghiệp và Môi trường có nhiều cơ hội hơn. Nói chuyện nghề, chúng ta thấy biên của tờ báo rộng hơn, không gian mở hơn và yêu cầu của bạn đọc cũng cao hơn. Đặc biệt, đóng góp của lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường vào đời sống xã hội ngày càng rộng lớn hơn.

 

 

Báo Nông nghiệp và Môi trường chắc chắn phải trở thành tờ báo giải pháp. Bằng tri thức, trải nghiệm của mỗi người làm báo, bằng sự đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, bạn đọc trong và ngoài nước, chắc chắn bạn đọc sẽ tìm đến tờ báo như là kênh thông tin chuẩn xác, khách quan, khoa học nhất về lĩnh vực này. Nói cách khác giá trị của tri thức chắc chắn sẽ lên ngôi ở Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Điều quan trọng, theo tôi vẫn là 3 yếu tố đã làm nên truyền thống Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày trước: Tài liệu chính xác, động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng. Mỗi một người làm Báo Nông nghiệp và Môi trường vẫn sẽ là thư ký của thời đại, đầy nhiệt huyết, say mê và trách nhiệm với ngòi bút của mình, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên Môi trường để lại.

Ngoảnh lại đã gần nửa thế kỷ của Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều sự việc rời rạc được nhìn ở lăng kính ngày hôm nay có thể có màu sắc khác, nhưng tôi xác quyết một điều: Vượt lên trên chuyện cơm áo là niềm say mê nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Trên nữa là khát vọng cống hiến.

Và tôi tin ở các bạn.                                                                                    

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-nong-nghiep-va-moi-truong-chac-chan-phai-tro-thanh-to-bao-giai-phap-d744446.html