| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 22/04/2025 - 11:35

Thời sự

Báo Nông nghiệp Môi trường và 3 giá trị cốt lõi của kỷ nguyên mới

Thứ Ba 22/04/2025 - 11:26

'Báo Nông nghiệp và Môi trường cần tập trung tuyên truyền 3 giá trị cốt lõi của kỷ nguyên mới: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI, kinh tế xanh', theo TS Lê Xuân Nghĩa.

1.

Thế giới hiện nay đang có 4 xu hướng khá rõ rệt. Thứ nhất, chính phủ các nước cũng như các tập đoàn tư nhân lớn trên thế giới đang đổ rất nhiều tiền của đầu tư vào công nghệ chip thế hệ mới và công nghệ AI với khối lượng khổng lồ.

Ví dụ, nước Mỹ có 2 gói đầu tư vào chip và AI lên đến hơn 1.000 tỷ USD; Trung Quốc cũng đã đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ USD; Nhật Bản đầu tư hàng trăm tỷ USD…. điều này chắc chắn sẽ tạo ra một thế hệ công nghệ mới, thời đại công nghiệp mới, một bước đột phá về kinh tế toàn cầu.

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Việt Nam phải dựa vào 3 nền tảng, 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI và kinh tế xanh'. Ảnh: Nguyễn Thịnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Việt Nam phải dựa vào 3 nền tảng, 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI và kinh tế xanh'. Ảnh: Nguyễn Thịnh.

Thứ hai là xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Thứ ba là cải cách bộ máy hành chính với khẩu hiệu chuyển từ chính phủ công nghiệp quan liêu sang chính phủ công nghệ số hóa. Thứ tư là thương mại công bằng.

Trước hết, nói về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay. Theo quan điểm của cá nhân tôi, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay của chúng ta nằm trong xu thế chung của thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có xu hướng cải cách bộ máy của chính phủ, nhằm chuyển từ một bộ máy công nghiệp quan liêu sang bộ máy ứng dụng công nghệ cao, số hóa vào hoạt động.

Nói cách khác, trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi các bộ máy chính phủ phải dịch chuyển, đặt mục tiêu sắp xếp tinh gọn, tiết kiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Song song với đó, vấn đề tinh gọn luật pháp, tinh gọn về mặt pháp lý, tinh gọn các quy chế, quy định cũng được đặt ra ở nhiều quốc gia.

Ví dụ ở Mỹ, một cuốn sổ tay của lực lượng kiểm lâm từ chỗ chỉ mười mấy trang bây giờ lên đến hàng nghìn trang thì phải làm sao để tinh gọn lại, giúp người đọc hiểu và thực hiện. Mục tiêu lấy kết quả thực hiện công việc là tiêu chuẩn chứ không phải kết quả thực hiện các quy định.

Ở Việt Nam, một thời gian dài chúng ta mắc phải “căn bệnh” về mặt tư duy và cả hành động, đó là bộ máy hoạt động theo kiểu thực hiện đúng các quy trình, quy định, quy chuẩn là được, còn kết quả như thế nào rất ít người quan tâm. Cả quá trình công tác có thể không có kết quả gì đáng kể nhưng cứ làm đúng quy trình, không vi phạm gì là được.

Chính vì vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này cần phải hoạch định, triển khai theo xu hướng lấy kết quả KPI cụ thể cho từng Bộ, từng Cục, từng tổ chức trong bộ máy và các cá nhân, nhà quản lý, nhà lãnh đạo cụ thể chứ không phải dựa vào việc thực hiện có đúng quy trình hay không.

Sắp xếp, tinh gọn đồng thời dựa trên nguyên tắc lấy kết quả, hiệu quả công việc làm trọng. Và muốn đạt được điều đó, chúng ta cần thực hiện song song cuộc cách mạng tinh giản bộ máy cùng với tinh giản các quy định, quy trình, quy chế… Cần phải lấy kết quả công việc, hiệu quả hoạt động làm tiêu chuẩn thi đua, tiêu chuẩn để cạnh tranh giữa các cá nhân, các bộ phận ở trong bộ máy Nhà nước. Hiểu nôm na là áp dụng tối đa các nguyên tắc của kinh tế thị trường vào trong tổ chức, quản lý và vận hành bộ máy hành chính.

Chỗ nào áp dụng được các tiêu chuẩn thi đua, cạnh tranh cần phải áp dụng ngay. Đồng thời, phải dựa trên nền tảng: Quy trình đơn giản, KPI rõ ràng, nhiệm vụ rõ ràng, kết quả rõ ràng. Từ đó mới có thể phân cấp phân cấp, phân quyền cho cấp dưới rõ ràng, mới có thể khuyến khích, tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, phát huy trí tuệ của tập thể, cá nhân.

 

 

Một nguyên tắc nữa về cải cách hành chính mà nhiều quốc gia tiên tiến đang áp dụng. Đó là chính phủ không chỉ coi người dân và doanh nghiệp là chủ thể, đối tượng phục vụ mà còn nâng lên một tầm cao khác: Khách hàng của chính phủ. Rõ ràng đây cũng là một cuộc cách mạng về tư duy. Bởi vì người dân, doanh nghiệp là những đối tượng nộp thuế, trả tiền cho chính phủ hoạt động, trả tiền cho các dịch vụ mà chính phủ thực hiện, cung cấp cho doanh nghiệp, người dân.

Vì vậy, doanh nghiệp, người dân cần phải được đối xử như là khách hàng. Ở chiều ngược lại, người dân và doanh nghiệp phải coi chính phủ là người bán hàng, chấm điểm tốt hoặc xấu tùy vào hoạt động bán hàng đó như thế nào.

2.

Suy nghĩ về kỷ nguyên mới, tôi cho rằng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta phải dựa vào 3 nền tảng, 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI và kinh tế xanh. Tích hợp 3 lĩnh vực thành 1 sẽ là nền tảng và động lực để quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Các vấn đề như nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan, các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng tăng… đòi hỏi chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh… nhằm tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Đối với ngành Nông nghiệp và Môi trường cũng vậy. Kỷ nguyên mới, sản xuất nông nghiệp, khai thác và chế biến, sử dụng tài nguyên trên phải dựa nền tảng gìn giữ và bảo vệ môi trường. Cần phải xem mệnh đề này có ý nghĩa bắt buộc, yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề chiếm lĩnh thị trường châu Âu và các nước công nghiệp trên thế giới trong tương lai.

Muốn làm được điều đó bắt buộc phải số hóa. Phải tích hợp công nghệ AI trong xây dựng kế hoạch sản xuất, ứng dụng công nghiệp công nghệ số, phân tích sản phẩm công nghiệp, phân tích chỉ số môi trường đều phải sử dụng công nghệ AI.

Ở góc độ nào đó, đây cũng là một cuộc cách mạng. Bởi vì, như chúng ta thấy, trước đây các cơ sở dữ liệu về công nghiệp, nông nghiệp hay nhiều lĩnh vực khác đều dựa trên tính toán con người. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, tất cả những cơ sở dữ liệu đó đều phải dùng công nghệ AI để phân tích, có như thế mới cho kết quả nhanh và chính xác được.

Ví dụ, hiện nay, chúng tôi đang áp dụng mô hình đồng quản trị trong bảo vệ và phát triển rừng. Ở mô hình này có vai trò của chính quyền địa phương, vai trò của chủ rừng, vai trò nhà đầu tư và nhà tư vấn… Cả 4 nhà cùng quản lý trên một nền tảng được số hóa và ứng dụng công nghệ AI triệt để nhất. Nhờ số hóa, nhờ AI, chúng tôi có thể tạo ra platform (nền tảng) cùng với app quản lý, tất cả đều được số hóa và mọi chỉ số từ phát triển cây, chất lượng đất, chất lượng nước, sự phát triển của rừng được cả 4 nhà cùng theo dõi, quản lý.

3 giá trị cốt lõi của kỷ nguyên mới: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI, kinh tế xanh. Ảnh: Tùng Đinh. 

3 giá trị cốt lõi của kỷ nguyên mới: Công nghiệp công nghệ số, công nghệ AI, kinh tế xanh. Ảnh: Tùng Đinh. 

Kỷ nguyên mới cần phải được hiểu theo nghĩa như vậy, dựa trên xu thế phát triển hiện đại của thế giới là số hóa, AI và kinh tế xanh. Tích hợp, kết nối, liên kết các yếu tố đó thành nền tảng theo chuỗi ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng AI vào quản lý, tạo ra sản phẩm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường mới là cốt lõi của kỷ nguyên mới.

Câu chuyện này thế giới đã đặt ra và các quốc gia đã đổ rất nhiều tiền của trong vòng 3-4 năm vừa rồi. Nhất là công nghệ chip điện tử, công nghệ AI, giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo...

Ở Việt Nam chúng ta, hiện thực cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải, đã có chính sách, thực tiễn hành động về lĩnh vực này.

Có thể nói, về chủ trương, chiến lược phát triển, cơ chế chính sách đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ còn lại một số vấn đề cần phải thúc đẩy ngay từ bây giờ. Ví dụ như quy định chuẩn mực về kinh tế xanh, quy định và phân công cơ quan, tổ chức nào giữ chức năng thẩm định báo cáo về giảm phát thải khí nhà kính…

Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề cấp bách. Giống như báo cáo tài chính cần phải có cơ quan kiểm toán, báo cáo giảm phát thải khí nhà kính cũng cần phải có cơ quan thẩm định. Đó là nền tảng để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon. Cần phải thúc đẩy nhanh, hoàn thiện quy chế, quy định về kinh tế xanh trước khi bước sang năm 2026, thời điểm xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu phải chịu sức ép lớn về việc kiểm tra, kiểm soát.

Báo Nông nghiệp và Môi trường, với chức năng nhiệm vụ của mình, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung mang tính cốt lõi này.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-nong-nghiep-moi-truong-va-3-gia-tri-cot-loi-cua-ky-nguyen-moi-d744873.html