Thứ ba 20/05/2025 - 07:34
Tài nguyên
Bản đồ mới cho mô hình quản lý hành chính mới
Thứ Ba 20/05/2025 - 07:01
Chuẩn hóa bản đồ hành chính không đơn thuần là công việc kỹ thuật, mà là bước đi chiến lược, đặt nền móng cho bộ máy quản lý thống nhất, hiệu quả sau sáp nhập.
- Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định: 13 hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép
- Xây dựng chính sách phân quyền đất đai cho mô hình chính quyền hai cấp
- Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận thêm các nhiệm vụ của cấp huyện
- Hoàn thiện pháp lý cho mô hình chính quyền hai cấp
Ông Trần Duy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) đã trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường về việc cập nhật, chuẩn hóa, cung cấp bản đồ hành chính phục vụ cho việc sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Theo ông Trần Duy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, bản đồ hành chính chính là "ngôn ngữ chung" để các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cùng nhìn vào một thực thể không gian thống nhất, từ đó bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình triển khai”. Ảnh: Nguyễn Thủy.
* Thưa ông, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiện nay, việc cập nhật, chuẩn hóa bản đồ hành chính Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Ông Trần Duy Hạnh: Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bản đồ hành chính là tài liệu đặc biệt quan trọng, không chỉ phản ánh trực quan về không gian địa lý mà còn phục vụ việc hoạch định chính sách, lập quy hoạch, quản lý lãnh thổ và tổ chức lại hệ thống hành chính một cách chính xác, minh bạch.
Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ mới sẽ tích hợp và phục vụ công bố danh mục địa danh theo mô hình chính quyền hai cấp, thống nhất trên nền bản đồ số. Các danh mục này sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin địa lý quốc gia, trong đó một phần dữ liệu sẽ ở dạng mở, cho phép doanh nghiệp, người dân và tổ chức khai thác miễn phí theo quy định. Những dữ liệu mở thiết yếu dự kiến bao gồm: siêu dữ liệu địa lý, dữ liệu địa danh, dữ liệu chuẩn biên giới quốc gia, bản đồ hành chính Việt Nam tỷ lệ 1:9.000.000, … Đây là những tài nguyên quan trọng để phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số.
Việc cập nhật, chuẩn hóa bản đồ hành chính lần này cũng thể hiện rõ Việt Nam đang chuyển mình theo hướng chính quyền điện tử, minh bạch và hiện đại, đồng thời đảm bảo thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia. Dữ liệu hành chính không chỉ dùng trong nội bộ mà còn phục vụ cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và niềm tin của người dân đối với bộ máy nhà nước.
* Hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang thực hiện những công việc gì để chuẩn bị cho bộ bản đồ hành chính sau sáp nhập, thưa ông?
Ông Trần Duy Hạnh: Từ đầu năm 2025 đến nay, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp các đơn vị hành chính theo chính quyền hai cấp, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị tài liệu bản đồ phục vụ các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ…
Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị nhanh chóng xây dựng các phương án bản đồ hành chính mới, đảm bảo thể hiện chính xác và đầy đủ các đơn vị hành chính theo sắp xếp mới; tập trung cập nhật các biến động địa giới hành chính, chuẩn hóa hệ thống ký hiệu, mã hóa dữ liệu không gian theo tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo tính chính xác, thống nhất và tính pháp lý của từng tờ bản đồ.
Để làm được điều này, chúng tôi không chỉ dựa trên thông tin hành chính mà còn ứng dụng các kỹ thuật GIS hiện đại, phân tích không gian địa lý với các dữ liệu về địa hình, thủy hệ, giao thông để tạo nên bản đồ hành chính khoa học, đúng quy chuẩn. Đây là công việc đòi hỏi độ chính xác cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, vì mỗi thay đổi nhỏ trên bản đồ cũng sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt hoạt động quản lý, phân bổ ngân sách, và kế hoạch phát triển địa phương.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng các phương án kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp bộ bản đồ hành chính Việt Nam đầy đủ và cập nhật ngay khi Quốc hội thông qua các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ 1/3/2025 đến 1/4/2025, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Bộ nội vụ xây dựng 751 bản đồ về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và 204 bản đồ về phương án sơ bộ phân chia đơn vị hành chính cấp xã; 6 vùng kinh tế và 1 bản đồ hành chính 63 tỉnh thành.
*Thưa ông, đối với các tỉnh giữ nguyên đơn vị hành chính thì phải chuẩn hóa bản đồ cấp xã. Còn đối với các tỉnh có sự sáp nhập 2-3 tỉnh với nhau thì công việc nhiều gấp đôi, gấp 3 lần. Thời gian thực hiện lại gấp gáp đảm bảo tiến độ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Vậy yếu tố nào quan trọng nhất để đảm bảo việc chuẩn hóa bản đồ đạt hiệu quả?
Ông Trần Duy Hạnh: Hiện nay việc xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp đang được tiến hành theo song song với phương án sắp xếp đơn vị hành chính tại các địa phương dự thảo trình chính phủ. Việc chuẩn hóa được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên thực hiện trước đối với các tỉnh không thực hiện việc sáp nhập rồi mới đến các tỉnh thực hiện sáp nhập. Ưu tiên chuẩn hóa các xã có phương án sáp nhập toàn phần rồi mới đến các xã thực hiện sáp nhập diện tích một phần.
Để đảm bảo tiến độ để các xã đi vào hoạt động muộn nhất là 15/8 và cấp tỉnh là 15/9, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam hiện nay đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các tỉnh thu thập phương án dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính nhằm xây dựng các sản phẩm bản đồ hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp kịp thời cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ngay sau khi có Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở các tỉnh có hiệu lực.

Bản đồ 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh Việt Nam theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ảnh: Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý
* Sau khi hoàn thành bộ bản đồ hành chính mới, Cục có kế hoạch gì để phổ biến tới các cấp chính quyền và người dân, thưa ông?
Ông Trần Duy Hạnh: Địa giới hành chính là cấu trúc cơ bản nhất của quản lý nhà nước, còn bản đồ hành chính là bản mô hình không gian thể hiện rõ ràng nhất cấu trúc đó. Xây dựng nền hành chính hiện đại thì không thể thiếu một hệ thống bản đồ hành chính chính xác, số hóa và phổ cập.
Chúng tôi xác định rõ rằng, một bản đồ hành chính dù chính xác đến đâu mà không được phổ biến kịp thời thì cũng khó phát huy hiệu quả.
Do đó, chúng tôi sẽ cung cấp bộ bản đồ hành chính Việt Nam phục vụ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân, đồng thời triển khai bản đồ hành chính điện tử tích hợp trên Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Người dân có thể dễ dàng tra cứu tên gọi, vị trí và ranh giới mới trên Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam, hoàn toàn miễn phí và minh bạch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành tổ chức tập huấn sử dụng, cập nhật thông tin và tiếp nhận phản hồi từ cơ sở, bảo đảm bản đồ luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, đồng hành cùng quá trình vận hành chính quyền mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ban-do-moi-cho-mo-hinh-quan-ly-hanh-chinh-moi-d753854.html