| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 29/04/2025 - 06:31

Xã hội

[Bài 2]: Thế hệ tiếp nối, những hạt mầm lớn lên từ ký ức tháng Tư​

Thứ Ba 29/04/2025 - 06:24

Với nhiều người trẻ hôm nay, ngày 30/4 chỉ là một dấu mốc trong sách giáo khoa, nhưng với những hành trình đặc biệt, ký ức tháng Tư ấy trở nên gần gũi hơn.

Sáng sớm tháng Tư, dưới ánh nắng nhẹ nhàng của Sài Gòn, Phạm Gia An, học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Phan Văn Hân, đứng trước gương, cẩn thận xếp lại chiếc khăn quàng đỏ. Hôm nay, Gia An không đến trường như mọi ngày. Em đang chuẩn bị cho một chuyến tham quan đặc biệt đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nơi từng là căn cứ bí mật của những chiến sĩ biệt động năm xưa.

"Con từng xem phim 'Biệt động Sài Gòn' với ba, nhưng khi nghe cô giáo nói hôm nay sẽ được đến nơi thật, tim con cứ đập thình thịch," Gia An chia sẻ, ánh mắt lấp lánh. Sự háo hức ấy không chỉ vì em được nghỉ học vài giờ, mà còn vì chuyến đi này mang một ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với lịch sử của đất nước.

Em Phạm Gia An, học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Phan Văn Hân háo hức vì tiết học lịch sử thực tế. Ảnh: Trần Phi.

Em Phạm Gia An, học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Phan Văn Hân háo hức vì tiết học lịch sử thực tế. Ảnh: Trần Phi.

Bước qua cánh cổng hẹp của một ngôi nhà bình thường, An và các bạn được dẫn xuống chiếc cầu thang dẫn vào hầm nổi - nơi từng cất giấu vũ khí, tài liệu và tổ chức những cuộc họp bí mật của các chiến sĩ biệt động. Trong không gian âm u, lạnh lẽo và chật hẹp, An cùng bạn bè bắt đầu hình dung phần nào về những chiến sĩ năm xưa - những người đã sống trong sự lặng lẽ, đối mặt với hiểm nguy nhưng vẫn kiên định với lý tưởng đấu tranh vì tự do, độc lập.

Tại một góc tường, chiếc hộp thư bí mật vẫn còn đó - một khe nhỏ tưởng chừng vô tri nhưng lại là nơi chuyển những mẩu giấy bé nhỏ có thể quyết định vận mệnh của cả một chiến dịch. "Con không ngờ chỉ là cái khe nhỏ vậy mà lại quan trọng đến thế," Gia An nói, mắt mở to đầy ngạc nhiên. “Con cảm thấy như mình vừa chạm tay vào lịch sử.”

Học sinh Phạm Gia An chia sẻ, đọc những dòng hồi ức và xem những bức ảnh về ngày 30/4 em như được chạm tay vào lịch sử. Ảnh: Trần Phi.

Học sinh Phạm Gia An chia sẻ, đọc những dòng hồi ức và xem những bức ảnh về ngày 30/4 em như được chạm tay vào lịch sử. Ảnh: Trần Phi.

Cùng tham quan hôm đó còn có các em học sinh trường Tiểu học Kết Đoàn, quận 1, TP.HCM – những học sinh lớp 4, lớp 5, nghịch ngợm nhưng cũng rất lễ phép. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em đã cùng nhau đi dọc căn nhà biệt động, chụp hình với bộ sưu tập súng, radio và những lá thư nhuốm màu thời gian. Em Nguyễn Bảo Nghi, học sinh lớp 5, hồn nhiên chia sẻ: "Con nghĩ mấy cái hầm này giống trò chơi trốn tìm, nhưng nghe chú hướng dẫn viên kể thì con thấy buồn và thương mấy cô chú hồi xưa nhiều lắm."

Đối với các em, đây không chỉ là một buổi học lịch sử sinh động, mà còn là lần đầu tiên các em nhận thức rằng chiến tranh không phải là chuyện xa vời và rằng hòa bình hôm nay không phải tự nhiên mà có.

Một điều đặc biệt trong chuyến tham quan này là các em được nghe trích đoạn hồi ký của bà Đặng Thị Thiệp và ông Trần Kiến Xương - hai nhân chứng sống gắn liền với căn nhà biệt động. Trong không gian im lặng, lời kể của bà Thiệp về những năm tháng sống dưới thân phận "vợ bé" để bảo vệ chồng, chiến sĩ Trần Văn Lai, đã khiến cả những em học sinh hiếu động nhất phải ngồi lặng lẽ lắng nghe.

“Mẹ tôi bảo, ngày đất nước thống nhất cũng là ngày mẹ được sống thật,” - lời kể của ông Trần Kiến Xương, được hướng dẫn viên đọc lên, như khiến không khí trở nên nặng trĩu vào một buổi chiều tháng tư.

Sau buổi tham quan, các em được mời viết cảm nhận vào sổ lưu bút của bảo tàng. Gia An viết: "Nếu con sống vào thời đó, chắc con sẽ sợ lắm. Nhưng con hiểu vì sao cô Thiệp lại chấp nhận bị hàng xóm hiểu lầm, vì bác Lai, vì đất nước. Con cảm ơn những người như cô." Các bạn nhỏ trường Kết Đoàn cũng thể hiện cảm xúc của mình qua những cách khác nhau: em thì vẽ lại chiếc hầm, em vẽ lá cờ đỏ sao vàng giữa căn nhà cũ. Có em viết ngắn gọn: "Con thương các cô chú chiến sĩ," nhưng chữ nào cũng nắn nót, ngay ngắn, thẳng hàng.

Những hạt mầm ký ức ấy âm thầm nảy nở trong lòng các em. Không cần những bài học giáo điều hay lý thuyết khô khan, chính không gian lịch sử sống động và những câu chuyện người thật, việc thật đã truyền cho các em bài học quý giá nhất: tình yêu nước không cần phải hô to mà bắt đầu từ sự biết ơn và hiểu đúng về quá khứ.

Học sinh trường Tiểu học Kết Đoàn, quận 1, TP.HCM đang nghe cô giáo thuyết trình về mốc lịch sử 30/4. Ảnh: Trần Phi.

Học sinh trường Tiểu học Kết Đoàn, quận 1, TP.HCM đang nghe cô giáo thuyết trình về mốc lịch sử 30/4. Ảnh: Trần Phi.

Phạm Gia An chia sẻ sau chuyến đi: “Con thấy ngày 30/4 không chỉ là dịp nghỉ lễ hay xem diễu binh, mà là cơ hội để nhớ ơn những người đi trước. Ba con bảo, chỉ cần hiểu đúng và sống tốt, là đã góp phần bảo vệ hòa bình.”

Thầy Nguyễn Minh Tuấn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phan Văn Hân, cho biết: "Chúng tôi mong mỗi dịp 30/4 không chỉ là ngày để treo cờ, mà còn là dịp để học sinh cảm nhận được lịch sử qua chính trải nghiệm của mình. Các em hôm nay có thể chưa hiểu hết, nhưng từng chút một sẽ đọng lại và lớn lên, các em sẽ hiểu."

Không ai có thể sống mãi trong ký ức, nhưng cũng không ai có thể trưởng thành nếu không có ký ức để soi đường. Những đứa trẻ như Gia An và Bảo Nghi sẽ lớn lên, mỗi người sẽ có một con đường riêng. Thế nhưng, những căn hầm, những hộp thư bí mật và những câu chuyện như của bà Thiệp, ông Xương vẫn sẽ tồn tại - là chứng nhân của quá khứ và hành trang cho tương lai.

Tháng Tư, không chỉ là dịp để chúng ta nhớ về những mất mát, hy sinh trong chiến tranh, mà còn là thời điểm để nhìn lại những di tích lịch sử, để từ đó thấm nhuần tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của cha ông. Các em học sinh như Gia An và Bảo Nghi, dù còn trẻ, nhưng qua những trải nghiệm tại các di tích lịch sử như Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đã phần nào cảm nhận được tầm quan trọng của việc kế thừa ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước.

Tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những hiện vật lịch sử và những câu chuyện lịch sử được lưu lại. Ảnh: NVCC.

Tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những hiện vật lịch sử và những câu chuyện lịch sử được lưu lại. Ảnh: NVCC.

Những căn hầm, hộp thư bí mật và vật dụng chiến tranh không chỉ là hiện vật lưu giữ quá khứ, mà còn là biểu tượng sống động của một thời kỳ gian khổ, kiên cường và bất khuất. Chính từ những di tích ấy, chúng ta không chỉ nhớ lại lịch sử, mà còn nhận ra rằng tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn luôn hiện diện trong lòng mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những câu chuyện như của bà Đặng Thị Thiệp và ông Trần Kiến Xương - những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay học hỏi và tiếp bước. Họ không chỉ chiến đấu bằng súng đạn, mà còn bằng lòng kiên định, bằng sự hy sinh âm thầm để bảo vệ tự do, hòa bình cho thế hệ mai sau. Di tích lịch sử không chỉ là nơi lưu giữ dấu ấn của một thời kỳ đã qua, mà còn là nơi truyền tải thông điệp quý giá về lòng yêu nước, sự kiên trì và ý chí vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn.

Với những trải nghiệm này, thế hệ trẻ sẽ không chỉ tiếp nối ký ức của cha ông, mà còn thấm nhuần ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, để mỗi người đều nhận thức sâu sắc rằng sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước là công việc của tất cả chúng ta, không chỉ trong những ngày lễ, mà trong từng ngày của cuộc sống thường nhật.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-2-the-he-tiep-noi-nhung-hat-mam-lon-len-tu-ky-uc-thang-tu-d749702.html