Thứ năm 29/05/2025 - 04:52
Nông thôn mới
Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới bền vững
Thứ Ba 27/05/2025 - 06:43
Những năm qua, Bắc Giang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò người dân, giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
- Diện mạo mới nông thôn Hải Phòng: [Bài 3] Lên quận từ nền tảng nông thôn mới kiểu mẫu
- Thái Bình xây dựng nông thôn mới để phục vụ đời sống nhân dân
Nỗ lực vượt khó, giữ vững “tốp” đầu
Trong bối cảnh thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021–2025 còn nhiều thách thức, tỉnh Bắc Giang vẫn từng bước vượt qua, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các địa phương.
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 151 trong tổng số 175 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đã có 62 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 41,05%) và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tỷ lệ 9,27%).

Vải thiều chín sớm đặc trưng của xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, là minh chứng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới. Ảnh: Phạm Minh.
Ở cấp huyện, 6/10 đơn vị đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt tỷ lệ 60%. Toàn tỉnh cũng không còn xã nào dưới 15 tiêu chí NTM, một con số cho thấy nỗ lực bền bỉ trong suốt quá trình triển khai.
Năm 2024 cũng là năm tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã giảm xuống còn 143. Trên cơ sở đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 121/143 xã đạt chuẩn NTM, 59 xã đạt chuẩn nâng cao và 16 xã đạt kiểu mẫu.
Không dừng lại ở đó, Bắc Giang hướng đến nâng cao chất lượng NTM gắn với đô thị hóa và sắp xếp hành chính hợp lý. Các xã khó khăn tiếp tục được ưu tiên nguồn lực để rút ngắn khoảng cách phát triển, đồng thời tập trung xây dựng các mô hình kiểu mẫu, hướng đến phát triển toàn diện.
Chuyển đổi số, bước đột phá trong xây dựng NTM, lấy người dân làm chủ thể
Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi mang tính chiến lược khi tỉnh Bắc Giang mạnh dạn đưa chuyển đổi số (CĐS) vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình “xã thương mại điện tử” đầu tiên đã được triển khai thí điểm tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên), với kỳ vọng trở thành hình mẫu ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp tại xã và các vùng lân cận, lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh, cùng với mạng Wifi miễn phí phục vụ người dân. Cơ sở hạ tầng số được tăng cường nhằm tạo nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử và kết nối nông sản ra thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về kỹ năng số, an toàn thông tin, thương mại điện tử cho cán bộ cơ sở và người dân cũng được triển khai rộng khắp. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn, giúp người dân nắm bắt cơ hội từ nền kinh tế số, từ đó từng bước làm chủ công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của Bắc Giang chính là việc xác định đúng vai trò trung tâm của người dân trong chương trình xây dựng NTM. Từ chỗ là người thụ hưởng, người dân ngày nay chủ động tham gia từ khâu lập kế hoạch, giám sát cho tới triển khai các công trình cộng đồng.

Năm 2024, huyện Tân Yên đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn khang trang, xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Diệu Hoa.
Năm 2024, người dân toàn tỉnh đã hiến hơn 25.700 m² đất, đóng góp trên 9,3 tỷ đồng và hơn 7.100 ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa… Những địa phương điển hình như Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn đã phát huy mạnh mẽ sức dân trong xây dựng hạ tầng nông thôn.
Đặc biệt, tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những người có uy tín đã đóng vai trò “hạt nhân” tuyên truyền, vận động hàng nghìn hộ gia đình tham gia hiến đất, góp công, góp sức để xây dựng quê hương. Cùng với đó, nếp sống văn hóa được giữ gìn, an ninh trật tự được đảm bảo, và sự đồng thuận trong nhân dân ngày càng được củng cố.
Những kết quả tích cực đạt được đã khẳng định hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành và sự gắn bó giữa chính quyền với nhân dân. Bắc Giang không chỉ dừng lại ở những con số mà đang từng bước kiến tạo những miền quê kiểu mẫu, nơi người dân được sống trong điều kiện vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng một nông thôn văn minh, hiện đại và bền vững.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bac-giang-day-manh-chuyen-doi-so-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-d755081.html