Thực hiện chủ trương của Đảng phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện nay Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người thực hiện? Làm sao để có nguồn nhân lực đủ năng lực thực hiện mục tiêu này?
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH để phần nào trả lời cho câu hỏi lớn này.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành NN-PTNT vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành NN-PTNT đã vượt qua sóng gió, nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và đạt được nhiều thành công mới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành NN-PTNT còn một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong năm 2022 và thời gian tới như: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển; chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu, chưa dựa nhiều vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Từ đó, Thủ tướng đã gợi mở gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện nhằm đưa ngành NN-PTNT phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, trong đó có giải pháp phát triển nông nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng xuất lao động; đảm bảo thị trường lao động ở khu vực nông thôn để người dân không cần ly nông, không cần ly hương.

Trước tiên, xin được chúc mừng thành tựu hết sức ấn tượng của ngành nông nghiệp năm 2021 và những năm gần đây. Trong một năm hết sức khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2021 đã đạt 48,6 tỷ USD. Tôi cũng rất đồng tình với những đánh giá và những gợi mở về nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022 và thời gian tới của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành NN-PTNT. Trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến giải phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp. Tôi xin được nhấn mạnh là kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp.
Với kinh nghiệm từng là Vụ trưởng Vụ địa phương (Ban Kinh tế Trung ương), lại có thời gian dài hoạt động trong ngành nông nghiệp và hiện trực tiếp quản lý lĩnh vực lao động việc làm của Bộ LĐTB&XH, theo ông, muốn “nâng cao năng xuất lao động, đảm bảo thị trường lao động ở khu vực nông thôn để người dân không cần ly nông, không cần ly hương” như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói; muốn có nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Vấn đề nhân lực trong ngành nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng vì liên qua mật thiết tới vấn đề nông dân, họ là chủ thể chính của ngành nông nghiệp. Chúng ta biết, liên minh công nông là nhân tố chiến lược của cách mạng Việt Nam. Phát triển nhân lực cho ngành nông nghiệp chính là phát triển giai cấp nông dân hiện đại và chuyên nghiệp trong thời kỳ mới. Việc này vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa có ý nghĩa về chính trị hết sức to lớn.


Phát triển nhân lực trong ngành nông nghiệp không thể tách rời chiến lược phát triển của ngành. Trước khi nói về phát triển nhân lực ngành nông nghiệp chúng ta cần trao đổi về chiến lược ngành nông nghiệp như thế nào, thì mới hoạch định được chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp. Nhân lực trong ngành nông nghiệp là một yếu tố quan trọng, quyết định trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp, giải quyết vấn đề nông nghiệp luôn gắn bó hữu cơ với giải quyết vấn đề nông dân.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyên môn hóa sản xuất, cái quan trọng nhất hiện nay là phải xác định chuyên môn hóa, nhưng cũng phải chuyên nghiệp hóa, thì mới xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả, cạnh tranh.
Vậy, thế nào là chuyên nghiệp hóa trong phát triển nông nghiệp? Tôi cho rằng, nếu như chuyên môn hóa đã hình thành sự tập trung sản xuất qui mô lớn ở cấp độ một số vùng, doanh nghiệp và hộ nông dân, nhất là trên địa bàn ĐBSCL và Tây Nguyên và rải rác ở các địa bàn khác của cả nước, thì chuyên nghiệp hóa là xây dựng một nền quản trị nông nghiệp hiện đại vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường, sinh thái, bền vững và hội nhập quốc tế.
Có các cấp độ khác nhau của chiến lược chuyên nghiệp hóa trong quản trị nông nghiệp, trước hết cần có qui hoạch không gian cụ thể các địa bàn sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhất là vùng nông nghiệp chiến lược (vùng lõi) và có chính sách phát triển nông nghiệp vùng lõi có tính chiến lược ổn định lâu dài, những quy hoạch đó cần rõ ràng, minh bạch, ổn định lâu dài, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp chiến lược. Các vùng đó phải được quy hoạch và có thể chế, chính sách rõ cả về chính sách giao đất, cơ chế đất đai trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ hiện nay, từ đó làm căn cứ cho người dân và doanh nghiệp đầu tư.

Ổn định qui hoạch và chính sách về đất đai trong nông nghiệp chính là an toàn đầu tư. Điểm yếu trong đầu tư vào nông nghiệp còn tồn tại lớn, đó là độ an toàn không cao, do chính sách đất đai, quá trình giao đất chưa rõ ràng và thường xuyên biến động. Mặt khác cũng cần có qui hoạch làm rõ các địa bàn nông nghiệp sinh thái gắn với rừng, vùng nông nghiệp đa chức năng (ngoài chức năng nông nghiệp còn có nhiều chức năng khác để thu hút đầu tư).
Căn cứ vào qui hoạch không gian chiến lược, các địa phương có qui hoạch chi tiết, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp không phá vỡ sinh thái, hài hòa với phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị. Chuyên nghiệp hóa nông nghiệp còn phải được thể hiện ở quản trị minh bạch, hiện đại trong hoạt động kinh tế hộ nông dân, trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối ra thị trường, trong quản lý nhà nước, dịch vụ công trong nông nghiệp…

Về chiến lược phát triển, hiện nay ngành nông nghiệp đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Nhưng ý ông muốn nói, là trong chiến lược ấy cần phải có thể chế làm nông nghiệp gồm những ai, tác nhân nào? Ai là người trực tiếp thực hiện?
Đúng như vậy! Thể chế quyết định sự thành công của phát triển nông nghiệp. Đổi mới thể chế ngành nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN là khâu then chốt. Có thể nói chỉ cần nhìn vào sự phát triển của thể chế nông nghiệp thì biết ngay trình độ phát triển nông nghiệp của một quốc gia.
Thể chế phát triển nông nghiệp, phải là sự đột phá trong đổi mới, từ quản lý nhà nước, hệ thống dịch vụ công, các cơ chế chính sách, nhất là kinh tế hộ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức liên kết hợp tác trong nông nghiệp như hợp tác xã, hội nghề nghiệp… Khoán 10 trong nông nghiệp là ví dụ sinh động nhất về đột phá thể chế với sự hồi sinh trở lại của kinh tế hộ nông dân, rồi tới sản xuất hàng hóa.
Chiến lược đó, cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, hộ nông dân, các tổ chức hợp tác, hệ thống dịch vụ nông nghiệp, các tác nhân đầu vào và đầu ra của thị trường sản phẩm nông nghiệp…, thậm chí còn phải tính tới không chỉ chiến lược ngành nông nghiệp mà còn cả chiến lược ngành nông nghiệp – công nghiệp thực phẩm gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Với sản xuất nông nghiệp, với bản chất của nó thì doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực mà kinh tế hộ nông dân không làm được hoặc làm kém hiệu quả. Bởi vì nông nghiệp là phát triển ổn định, bền vững và gắn với lãnh thổ quốc gia, và một nền nông nghiệp hiện đại luôn đi liền với nông dân là chủ thể, giai cấp nông dân hiện đại, giải quyết vấn đề nông nghiệp là giải quyết vấn đề nông dân, sinh kế người nông dân…


Vai trò của hộ nông dân, kinh tế hộ nông dân luôn là nền tảng, là tác nhân chính của sản xuất nông nghiệp, từ một nền nông nghiệp kém phát triển tới các nền nông nghiệp hiện đại.
Nếu như khoán 10 năm 1986, giúp hồi sinh kinh tế hộ nông dân, thì giai đoạn này cần có sự đột phá thể chế lần 2, đó là phát triển kinh tế hộ nông dân trên nền tảng kinh tế nông trại, nông trại thực sự là một đơn vị sản xuất kinh doanh gắn với thị trường. Với thành công của hơn 30 năm đổi mới, kinh tế hộ nông dân (trên nền tảng nông nghiệp gia đình), đã phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện nay đã gặp rào cản, khó khăn trong phát triển bền vững, tiếp cận thị trường, quản lí chất lượng…
Do vậy cái quan trọng nhất hiện nay chúng ta phải chuyển từ nông nghiệp hộ gia đình (sản xuất của chúng ta quy mô lớn vẫn mang tính chất hộ gia đình, không có quản trị độc lập về tài chính minh bạch, chưa có quản lý chất lượng rõ ràng…) sang nền nông nghiệp hiện đại, dựa trên kinh tế nông trại (là một đơn vị sản xuất - kinh doanh nông nghiệp có quản trị hiện đại và minh bạch về tài chính, quản lí chất lượng sản phẩm, sinh thái… như các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới.

Như vậy có nghĩa là phải làm sao để chuyển từ nông nghiệp hộ gia đình sang kinh tế nông trại? Nông trại sẽ quyết định nhu cầu lao động, quyết định nền nông nghiệp hiện đại?
Trên thế giới, các nước có nền nông nghiệp hiện đại, nông trại đều có giấy phép hoạt động, có quản trị tài chính minh bạch, được kiểm toán thường xuyên. Kiểm toán không phải chỉ về tài chính mà kiểm toán cả về quản lý chất lượng sản phẩm và tôn trọng các hợp đồng trong quá trình sản xuất...
Trên cơ sở đó ta mới có tác nhân là nông trại hiện đại thì mới có nhu cầu về nhân lực. Nếu chúng ta xác định phát triển nền nông nghiệp dựa trên một nông trại hiện đại, nhất là các vùng quy mô lớn như ĐBSCL, Tây Nguyên phải đi đầu trong việc này, bởi vì các vùng này có đủ yếu tố cần và đủ để xây dựng nông trại hiện đại trên diện rộng, trên cơ sở yếu tố về thể chế thị trường và quản trị...
Nếu chúng ta xác định như vậy thì mới rõ nhân lực cho phát triển các nông trại, từ đó vấn đề nhân lực của một nền nông nghiệp hiện đại thời 4.0 về quản trị nông trại, tài chính, quản lý chất lượng, công nghệ và kể cả việc tổ chức sản xuất, liên kết các nông trại với nhau mới rõ để thực hiện được.
Nguồn nhân lực tại ĐBSCL và Tây Nguyên tập trung lớn vào sản xuất nông nghiệp để xuất khẩu, cho nên nhân lực sản xuất nông nghiệp này đòi hỏi phải đủ tầm hiểu biết, đủ trình độ để làm cho nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh với thế giới.

Điều đó có thể chỉ xảy ra ở Tây Nguyên và ĐBSCL thôi, thưa ông?
Tây Nguyên và ĐBSCL là địa bàn trọng điểm, chiến lược của nền nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, ở các địa bàn khác, phát triển nông nghiệp có tính đa mục tiêu hơn.
Ở những địa bàn có hệ thống nông nghiệp gắn chủ yếu với bảo tồn tài nguyên, sinh thái, chúng ta sẽ thông qua các chính sách để bảo tồn tài nguyên, sinh thái để hỗ trợ hình thành một nền nông nghiệp sinh thái, mà ở đó, vừa có mục tiêu sinh thái, vừa có mục tiêu về sản xuất để nâng cao giá trị nông sản bán ra thị trường thế giới.
Ở vùng ven đô, cần qui hoạch nông nghiệp ven đô lâu dài để hình thành nông nghiệp đa chức năng ven đô hài hòa phát phát triển đô thị. Tất nhiên, tất cả nền nông nghiệp của chúng ta đều có mục tiêu phát triển bền vững, vừa có môi trường sinh thái vừa có giá trị kinh tế bán ra thị trường, nhưng ở một số địa bàn thì mục tiêu sinh thái phải được xác định là chủ đạo.
Ví dụ ở ĐBSCL, vẫn phải đảm bảo mục tiêu sinh thái bởi vì điều đó đảm bảo cho tính ổn định, bền vững mục tiêu kinh tế. Và Tây Nguyên cũng thế, nếu chúng ta không đảm bảo mục tiêu sinh thái thì hệ thống nông nghiệp Tây Nguyên và ĐBSCL sẽ bị vỡ và mục tiêu kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng ở vùng miền núi phía Bắc, mục tiêu tối thượng phải là mục tiêu sinh thái và mục tiêu kinh tế phải cùng song hành, vì sinh thái miền núi phía Bắc là bảo vệ cả vùng ĐBSH và các tỉnh Bắc trung bộ chứ không chỉ cho địa bàn này.

Nhưng thưa ông, người dân làm nông nghiệp chỉ nghĩ đến thu nhập, nâng cao đời sống, nghĩa là họ chỉ biết một mục tiêu là kinh tế, vậy làm thế nào để người dân ở Bắc Trung bộ, ở miền núi phía Bắc luôn nghĩ và phải hành động song song giữa mục tiêu kinh tế và sinh thái?
Đúng. Đối với người dân, mục tiêu của họ chỉ có kinh tế là chính, bởi người dân sản xuất để sống, nhưng đối với Nhà nước, cộng đồng và xã hội thì mục tiêu sinh thái và kinh tế phải song hành. Muốn làm được, phải thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo kinh tế cho người dân khi sản xuất nông nghiệp trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp gắn với rừng, nông lâm kết hợp…
Chúng ta đừng bắt nông dân trả chi phí cho mục tiêu sinh thái trong sản xuất nông nghiệp. Đấy là vai trò của nhà nước, cộng đồng và xã hội, phải tạo cho họ sinh lời trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ sinh thái bền vững.
Trên những địa bàn đó, nhân lực phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với rừng, gắn với nông lâm kết hợp thì đòi hỏi nhân lực nông nghiệp phải hiểu biết về vấn đề sinh thái, vấn đề nhân lực và cả vấn đề kết hợp giữa sinh thái và kinh tế.

Một vấn đề nữa, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan thường nói, là nông nghiệp không hẳn chỉ là nông nghiệp sản xuất để ăn mà, hiện nay chúng ta có nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp gắn với dược liệu, gắn với bản sắc văn hóa, du lịch... Chúng ta phải phát triển một nguồn nhân lực cho nông nghiệp dược liệu, nông nghiệp gắn với gắn với bản sắc văn hóa, du lịch…
Ngoài ra chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp mà ở đó đảm bảo nâng cao được giá trị đặc sản của nông nghiệp. Lúc bấy giờ nhân lực làm nông nghiệp phải biết xây dựng các sản phẩm về chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản, sản phẩm có ưu thế vùng.
Hay ở một địa bàn khác về nông nghiệp là nông nghiệp gắn với du lịch, làm nông nghiệp lấy giá trị kinh tế nhưng kinh tế không phải đi từ sản phẩm nông nghiệp mà kinh tế đi từ sản phẩm du lịch thì nhân lực đó lại phải khác.
Nền nông nghiệp nữa là xây dựng nền nông nghiệp ven đô. Ven Hà Nội và TP. HCM chúng ta chưa xây dựng được nền nông nghiệp ven đô bởi vì chúng ta không quy hoạch được sự ổn định của một nền nông nghiệp ven đô.
Không có ai đến đầu tư khi không biết được mảnh đất của mình sẽ bị lấy bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, chúng ta phải xây dựng vành đai nông nghiệp xen kẽ với vành đai đô thị mang tính chất lâu dài, lúc bấy giờ chúng ta mới có thể có được những nhà đầu tư đến.

Ông vừa đề cập đến câu chuyện đất đai - một câu chuyện rất dài đối với phát triển kinh tế nông nghiệp!
Vấn đề giao đất, hiện nay chúng ta mới quan tâm đến giao đất cho doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp nhưng chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến giao đất cho những người nông dân. Chúng ta cần nhớ, vấn đề đất đai chính là đột phá trong khoán 10 giúp nước ta đủ ăn, xuất khẩu và có nền nông nghiệp như ngày nay, bài học trên 30 năm trước cần được nghiên cứu đầy đủ.
Ví dụ, trên vùng đất phía tây Nghệ An và một số vùng đất khác doanh nghiệp có thể được giao đất lâu dài cho sản xuất nông nghiệp, nhưng chúng ta thiếu qui hoạch những vùng, địa bàn với cơ chế đất đai để một người nông dân có tiền đầu tư thực sự được giao 5, 10, 20 ha lâu dài như doanh nghiệp, 50 thậm chí 70 năm để làm nông nghiệp.
Chính vì thế chúng ta phải xác định rõ việc giao đất lâu dài, thậm chí cần luật hóa vùng sản xuất lõi lâu dài cho nông nghiệp. Vấn đề nữa phải xác định thị trường đất đai phải rõ ràng, đặc biệt đất đai cho quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp là chỉ giành cho những người sản xuất nông nghiệp và tất cả những ai đang sở hữu đất đai sản xuất nông nghiệp nhưng không làm nông nghiệp nữa và không làm nông dân nữa thì nhà nước phải có chính sách bắt buộc phải nhượng, phải bán lại cho người làm nông nghiệp.

Tại sao phải làm như vậy, nguy cơ tích tụ tư bản về đất đai, đất đai để phát triển nông nghiệp sẽ càng khó khăn, thưa ông?
Nếu chúng ta không làm chuyện đó sẽ bị mắc vào bẫy như Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản có rất nhiều hộ qui mô nhỏ sống nhờ chính sách bảo hộ của nhà nước, họ rất hiện đại nhưng rất vướng, nền nông nghiệp Nhật Bản không thể xây dựng quy mô lớn được, không tích hợp được, vì nhiều người sở hữu đất lại không làm nông nghiệp và có thế lực chính trị rất lớn.
Ở nước ta, nhu cầu tích tụ đất đai làm nông nghiệp ngày càng lớn ở các địa phương nhưng quá trình tích tụ diễn ra chậm. Cơ cấu lao động đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp dịch vụ, và lao động nông thôn cũng di cư ra đô thị rất mạnh trong thời gian qua, nhưng tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp không chuyển dịch tương xứng như xu thế công nghiệp hóa ở các nước, đây chính là nút thắt.
Rất nhiều lao động hiện làm việc trong công nghiệp dịch vụ, rời quê hương định cư nơi khác, nhưng vẫn giữ đất nông nghiệp gây khó khăn cho tích tụ ruộng đất, giảm hiệu quả sử dụng đất, làm nhiều địa bàn hệ thống nông nghiệp không phát triển thậm chí thoái hóa.
Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta phải giải quyết vấn đề này, đây là kinh nghiệm các nước có nền nông nghiệp hiện đại và cạnh tranh. Những ai không sản xuất nông nghiệp thì phải rời bỏ sở hữu đất đai nông nghiệp và những ai sản xuất nông nghiệp thì mới được sở hữu đất nông nghiệp, đồng thời phải có chính sách khuyến khích tích tụ đất đai phù hợp quá trình này giúp cho quá trình tích tụ đất một cách minh bạch để phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.

Ở đây, có lẽ là vấn đề về tư duy quản lý, chúng ta muốn phát triển một nền nông nghiệp thị trường, nhưng chúng ta lại trói buộc nó?
Bản thân sản xuất nông nghiệp từ khi chúng ta mở cửa nền kinh tế năm 1986, nền nông nghiệp từng bước trở thành nền nông nghiệp hàng hóa, rồi từng bước trở thành nền nông nghiệp thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.
Có thể nói rằng, hiện nay phần lớn các sản phẩm chúng ta sản xuất ra là để bán, những mô hình tự cung, tự cấp còn rất ít, chính vì thế sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường là đương nhiên, không thể bàn cãi.
Nông nghiệp thị trường là đương nhiên rồi thì người nông dân sản xuất nông nghiệp cũng để bán ra thị trường. Chính vì thế tư duy của nhà quản lý cũng phải tư duy nông nghiệp thị trường.
Chúng ta nhìn ngành nông nghiệp không phải ở khâu sản xuất, khâu kỹ thuật, cần phải nhìn nông nghiệp ở khâu kỹ thuật công nghệ, khâu tổ chức sản xuất và xa hơn nữa là cả ngành công nghiệp thực phẩm, thị trường phân phối. Chiến lược phát triển nông nghiệp phải nhìn từ điều kiện sản xuất, thị trường và khả năng tổ chức sản xuất... Và từ vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn đến phát triển nhân lực sản xuất nông nghiệp là một trong các khâu đột phá quyết định, vì con người, nông dân là chủ thể của phát triển nông nghiệp

Thưa ông, câu chuyện quản lý của Nhà nước thời gian qua đã đổi mới rất nhiều, nhưng có lẽ vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của một nền nông nghiệp thị trường?Tại Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, tìm nguyên nhân, mổ xẻ, phân tích về những hạn chế, yếu kém để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải đề xuất; vấn đề thuộc thẩm quyền thuộc Bộ thì Bộ phải giải quyết. Điều quan trọng là phải chọn vấn đề để giải quyết rốt ráo. Theo ông, tồn tại này chúng ta cần giải quyết thế nào?
Chúng ta muốn có một nền nông nghiệp thị trường, thì cần có một hệ thống quản lý nhà nước phù hợp với nó. Một hệ thống quản lý nhà nước phù hợp với: Đặc điểm và tính chất sản xuất nông nghiệp gắn với vùng sinh thái; kinh tế hộ nông dân; doanh nghiệp nông nghiệp cũng khác doanh nghiệp ngành khác; hệ thống dịch vụ công nông nghiệp… cũng phải phù hợp với thị trường,..
Ví dụ, đứng về góc độ sinh thái, ĐBSCL là một đơn vị sinh thái, có ba tiểu vùng là Đồng Tháp mười, Tứ giác Long xuyên và Bán đảo Cà mau. Do vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường nông nghiệp cũng trên nền tảng toàn vùng và ba tiểu vùng. Do vậy đúng ra quản lí nhà nước cũng phải được tổ chức trên các đơn vị vùng và tiểu vùng.
Cho nên câu hỏi đặt ra: tổ chức sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL như thế nào? Toàn vùng ĐBSCL cần 1 cơ quan quản lý về nước hay là 13 cơ quan quản lý về nước như hiện nay? Toàn vùng ĐBSCL có 1 cơ quan quản lý quy hoạch nông nghiệp hay là 13 cơ quan quản lý quy hoạch nông nghiệp? 1 hệ sinh thái hay 13 hệ sinh thái? Khi thực hiện qui hoạch phát triển cá tra ba sa, thực hiện và quản trị riêng từng tỉnh Đồng Tháp, An giang… hay qui hoạch quản trị cả địa bàn nuôi cá tra và ba sa…

Cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL có 1 cơ cấu, cùng lắm theo tiểu vùng, chứ làm gì có 13 cơ cấu? Chúng ta biết, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tại khu vực ĐBSCL hoạt động trên toàn vùng, thậm chí cả nước, nhưng lại đang phụ thuộc vào quản lý riêng rẽ của 13 tỉnh, thành. Câu chuyện này, tôi thấy Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất trăn trở, tư duy toàn cầu sao lại hành động địa phương? Muốn đi xa, sao lại mỗi nơi đi một đường?
Hậu quả của điều này là quản lý hành chính nhà nước chia cắt không gian sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, chia cắt thị trường sản xuất nông nghiệp, làm giảm hiệu quả quản trị, tăng chi phí, giảm cạnh tranh, và kém bền vững trong sản xuất.
Việc này phải thay đổi tất cả từ vấn đề quản lý nhà nước. Tư duy quản lý nhà nước phải thay đổi theo tư duy quản lý về thị trường, theo không gian sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, quản lý phát triển nông nghiệp không chỉ trên địa bàn sản xuất mà còn phải dựa trên chuỗi giá trị. Có chuỗi giá trị dài xuất khẩu đi các nước thì phải dùng điều kiện nhập khẩu của các nước để tổ chức sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Những chuỗi giá trị ngắn thì yêu cầu của thị trường trong nước là căn cứ để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị nội địa quản trị minh bạch từ sản xuất tới thị trường.
Cụ thể hơn, theo ông, Nhà nước cần phải làm gì để nông nghiệp không bị chia cắt ngay trong các vùng?
Điều quan trọng chúng ta ít nói đến, đó là nông nghiệp phải được quản trị, thậm chí quản lí nhà nước cũng phải thiết kế một số lĩnh vực theo vùng. Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước phù hợp với một nền nông nghiệp thị trường cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Vâng, chắc chắn sẽ còn rất nhiều vấn đề về nông nghiệp cần phải bàn, những điều chúng ta vừa trao đổi như trên, có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, thưa ông?
Nếu chúng ta không làm được những điều đó thì định hướng mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp không rõ. Chính vì vậy chúng ta không thể phát triển được tốt nhân lực cho ngành nông nghiệp khi mà chiến lược phát triển nông nghiệp không rõ và chúng ta không thể dự báo được nông nghiệp sắp tới phát triển thế nào để đào tạo một nguồn nhân lực như thế.
Đây là việc hết sức gắn bó giữa đào tạo phát triển nhân lực trong ngành nông nghiệp với việc phát triển tổ chức phát triển sản xuất ngành nông nghiệp. Chúng tôi cho rằng việc này phải đặt lên tầm chiến lược lớn để Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN-PTNT có sự kết hợp và song hành trong việc quy hoạch và phát triển nhân lực trong ngành nông nghiệp.
Trên cơ sở đó dùng cơ chế thị trường, nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ tham gia đầu tư trong quá trình đào tạo trong phát triển nhân lực ngành nông nghiệp không chỉ trong nước mà kết nối ra quốc tế.
Thưa ông, tôi tin là chiến lược phát triển nông nghiệp sẽ rõ, dự báo nông nghiệp sắp tới phát triển thế nào cũng sẽ rõ! Nhưng việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp thì rất cần sự phối hợp của ngành LĐ-TB&XH?


Đối với Bộ NN-PTNT và Bộ LĐ-TB&XH, ví dụ tại ĐBSCL, đầu tiên cần phối hợp trong việc quy hoạch về phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL như thế nào. Khi đầu bài của ngành nông nghiệp đã rõ thì khi đó mới có đầu bài cho ngành lao động quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Nếu ĐBSCL quy hoạch phát triển thành một vùng sinh thái nông nghiệp với các tiểu vùng đa dạng chuyên môn hóa sản xuất thủy sản, cây ăn trái, trồng lúa…, toàn vùng là một đơn vị sinh thái nông nghiệp trong sản xuất hàng hóa để bán ra thế giới các sản phẩm như gạo, các sản phẩm thủy sản, cây ăn trái.
Vậy ai sẽ sản xuất? Thủy sản của ĐBSCL có luôn đáp ứng được thị trường Mỹ, EU, Nhật bản không? Vì sao cá tra, cá ba sa và một số sản phẩm nông nghiệp khác luôn bị họ kiện mà chúng ta rất khó khăn trong dùng bằng chứng thực địa để giải quyết, bởi vì một trong các yếu tố quan trọng là chúng ta chưa có hệ thống nông trại và quản trị chuỗi giá trị hiện đại và minh bạch.
Nếu chúng ta có áp dụng các chuẩn mực quốc tế theo tiêu chuẩn một nền nông nghiệp hiện đại, thì nông sản của ĐBSCL sẽ vào các thị trường một cách đàng hoàng, không cần qua tiểu ngạch như qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc luôn bị khó khăn. Khi đó cũng tạo điều kiện cho bảo hiểm nông nghiệp vào, làm cho tính bền vững của sản xuất nông nghiệp tốt hơn.
Muốn có hệ thống nông trại quản trị minh bạch, phải có quy hoạch địa bàn ổn định, sản xuất nông nghiệp lâu dài, giao đất lâu dài và cơ chế thu hút đầu tư, mà không cần thiết nước ngoài vào đầu tư trực tiếp sản xuất, khi đó bản thân nông dân ĐBSCL sẵn sàng đầu tư sản xuất qui mô lớn và chuyên nghiệp và cần ưu tiên cho họ đầu tư.
Căn cứ vào quy hoạch phát triển nông nghiêp trong 10 năm tới như thế nào, thì ngành lao động sẽ có căn cứ quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển nhân lực cho nông nghiệp như thế.

Có nghĩa ngay từng ngành, lĩnh vực của nông nghiệp cũng phải rõ về nhu cầu lao động?
Ví dụ nếu rõ về nhân lực cho phát triển nông trại, thì các trường nghề lúc đó mới tập trung vào đào tạo các chủ nông trại, khi có chứng chỉ chủ nông trại hiện đại thì họ được xin đất, làm chủ nông trại, có chứng chỉ quản trị nông trại hiện đại, chúng ta mới đào tạo được lao động kỹ thuật cho nông nghiệp 4.0.
Khi xuất khẩu nông sản theo chứng chỉ chứng nhận đáp ứng yêu cầu của EU, Mỹ… thì chúng ta đào tạo nhân lực làm việc đó. Một nền nông ngiệp sinh thái thì chúng ta phải quy hoạch những điều kiện sinh thái. Một nông trại hiện đại, một doanh nghiệp sản xuất đáp ứng yêu cầu hệ sinh thái thì doanh nghiệp phải tuyển lao động là những cán bộ kỹ thuật mang tính chất quản trị về sinh thái.
Nhưng chúng ta không làm rõ điều đó thì sẽ không có thị trường cho lao động về lĩnh vực đó. Cho nên chúng ta phải xác định rõ, phải đi từng vùng. Đối với nông nghiệp tôi cho rằng quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp hết sức cụ thể và quy hoạch phát triển nhân lực phục vụ nông nghiệp cũng đi theo như thế. Từng vùng xác định được chiến lược của vùng, chúng ta sẽ ra được chiến lược quốc gia. Trên cơ sở đó chúng ta có hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực cho nông nghiệp.
Ví dụ trong việc đưa lao động đi nước ngoài, rất nhiều lao động đi nước ngoài làm trong các nông trại của Nhật, Hàn Quốc, hiện nay ngành lao động rất ủng hộ việc đưa lao động đi nước ngoài đó kết hợp với quá trình đào tạo.
Những lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm nông nghiệp, họ hiểu biết về hệ thống quản trị nông trại hiện đại ở các quốc gia đó. Nếu quá trình đó gắn với quá trình đào tạo, họ có chứng chỉ, có bằng cấp, họ quay trở về thì đó là nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Nhưng với điều kiện chúng ta phải có môi trường cho họ. Nếu ở nước ngoài họ làm quản lý hiện đại, truy xuất nguồn gốc, phân tích thị trường, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…, nhưng khi quay trở về Việt Nam chúng ta lại không có thị trường như thế thì những lao động này sẽ đi làm nghề khác, chúng ta mất nguồn nhân lực.

Cụ thể hơn nữa, ĐBSCL đã xác định thủy sản là số 1, vậy theo ông, ĐBSCL phải làm thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủy sản?
Việc đầu tiên chúng ta cần làm rõ chiến lược, qui hoạch không gian cụ thể lâu dài, minh bạch gắn với cơ chế phát triển hạ tầng, đất đai, giao đất lâu dài… cho ngành thủy sản, không nhìn ở góc độ của 1 tỉnh mà nhìn ở góc độ vùng.
Trên cơ sở đó nhà nước xây dựng chính sách chung phát triển ngành thủy sản cho vùng ĐBSCL, xây dựng hệ thống quản trị nhà nước theo vùng, hỗ trợ hình thành vùng sản xuất kinh doanh thủy sản vùng ĐBSCL.
Đối với quản lý nhà nước về ngành thủy sản, cần thực hiện ngay việc đổi mới theo cơ chế vùng, nhất là việc xây dựng toàn bộ hệ thống quản trị về chất lượng, quản trị nông trại theo những tiêu chuẩn hiện đại mà các thị trường xuất khẩu hàng hóa sang đó được thừa nhận. Căn cứ vào đó chúng ta mới xác định rõ nhu cầu về đào tạo nhân lực về thủy sản.
Đào tạo nhân lực gồm: Về quản trị nhà nước, quản trị (trong nông trại, tổ chức sản xuất, về tài chính,…), nhân lực công nghệ, nhân lực kinh doanh…
Về đào tạo nhân lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL, cần chú ý nhân lực về quản trị vệ sinh an toàn thực phẩm, quản trị thủy sản sinh thái vì đó là yếu tố thương hiệu quan trọng khi xuất khẩu. ĐBSCL có những địa bàn như Cà Mau, Bạc Liêu… chúng ta hoàn toàn có thể phát triển những thương hiệu về thủy sản sinh thái.
Đào tạo phát triển nhân lực quản trị trong ngành thủy sản, quản trị theo chuỗi, kể cả nhân lực về luật pháp để có khả năng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của nông dân trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến liên kết vùng, Bộ NN-PTNT cũng rất trăn trở về vấn đề này, đã và đang làm nhiều cách để liên kết vùng. Chúng ta muốn ra biển lớn, chúng ta muốn xuất khẩu thật nhiều nông sản, chúng ta muốn phát triển, giàu có, nhưng chúng ta lại đang đi một mình, mà không đi cùng nhau.Phải chăng, đây là thói quen của người Việt mình hay là do cơ chế quản lý của Nhà nước chưa đảm bảo để đi cùng nhau?
Như chúng ta đã trao đổi ở phần trên. Tất cả những chuyện đó chúng ta phải làm rõ đầu bài. Ví dụ ở ĐBSCL, chỉ khi nào chúng ta xác định được ĐBSCL là một đơn vị sinh thái, quản trị theo vùng sản xuất, mỗi vùng sản xuất là một chính sách quản lý thống nhất, không để quản trị theo tỉnh thì chúng ta sẽ làm được.
ĐBSCL, 13 tỉnh thì có 13 đơn vị quản lý thủy lợi. Bộ NNPTNT có thể thành lập 1 Cục quản lý thủy lợi nằm tại ĐBSCL? Cục quản lý thủy lợi thậm chí quản lý chất lượng cho toàn vùng thay vì 13 đơn vị?

Nhiều nội dung về quản lý nhà nước, Bộ NN-PTNT chỉ cần 1 đơn vị ở đó cho cả vùng. Việc phân cấp thì tốt nhưng việc phân cấp trong quản lý nhà nước mà phân cấp quá sâu như hiện nay sẽ phá vỡ không gian sản xuất và kinh tế vùng, phá vỡ không gian của đơn vị sản xuất - kinh doanh. Hiện chúng ta phân cấp đến 13 tỉnh. Tại đó có 13 hệ thống quản lý, với 13 trung tâm quyết định, trong khi rất hạn chế trong liên kết vùng, thì chúng ta sẽ không bao giờ hình thành được một không gian sản xuất - kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và hiệu quả cạnh tranh cao như kỳ vọng của Bộ NN-PTNT.
Hiện nay nông dân thay đổi, doanh nghiệp thay đổi trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng, nhưng quản lý nhà nước chậm thay đổi cơ chế quản lý theo sự vận động, tổ chức của thị trường.
Muốn chiến lược gì, thay đổi gì thì việc đầu tiên hệ thống quản lý của nhà nước phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì chúng ta không thể thực hiện được các chiến lược này. Ngành lao động cũng không thể xây dựng được chiến lược có hiệu quả để đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng cho ngành nông nghiệp hiệu quả. Khi những chiến lược hiện đại hóa trong ngành nông nghiệp của chúng ta còn đang dang dở. Trong quá trình đó, chúng ta khó có thể có một giai cấp nông dân hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo sự bền vững của liên minh công nông.

Bộ NN-PTNT đang dự thảo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới, cho phù hợp với tư duy, chủ trương, định hướng và chiến lược phát triển mới, theo ông, công tác quản lý ngành cần phải thay đổi theo hướng nào?
Quá trình thay đổi tổ chức quản lý của ngành nông nghiệp đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nhưng quan trọng nhất, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói phải là nền nông nghiệp thị trường, đây thực sự là một quyết tâm lớn.
Khi một nền nông nghiệp thị trường thì chúng ta phải tổ chức một hệ thống quản trị, quản lý nhà nước phù hợp với nền nông nghiệp thị trường. Chúng ta đang chuyển mình từ một nền nông nghiệp quản lý theo hệ thống hành chính, sang nền nông nghiệp thị trường.
Vậy vai trò của nhà nước đến đâu trong nền nông nghiệp thị trường? Đây cũng là yêu cầu cần làm rõ trong Nghị quyết Trung ương V khóa XII, về hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN? Nếu không xác định được điều đó thì không thể định hướng tổ chức hệ thống quản lý ngành nông nghiệp được.
Ví dụ, hiện nay chúng ta đã có thị trường về cung ứng dịch vụ đầu vào thì chúng ta phải xác định đối với dịch vụ đầu vào, nhà nước cần phải đảm bảo được những hệ thống giống gốc, giữ được tính độc lập của quốc gia về hệ thống giống các loại, đảm bảo tính điều phối với thị trường. Một số giống gốc, bản địa nếu không giữ được thì chúng ta sẽ mất bản quyền về giống, về di truyền, hậu quả sẽ lớn trong thương mại khi bảo hộ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn.


Vai trò của nhà nước không phải đi làm những công việc cụ thể đến nông dân, vì hiện nay đã có các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp, HTX làm, nhà nước phải hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, HTX đó để họ hỗ trợ cho người nông dân.
Nhà nước đảm bảo vai trò hỗ trợ đưa những vấn đề mới vào, thậm trí hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, HTX những vấn đề mới. Nhà nước kiểm tra, giám sát thị trường hoạt động đúng nguyên tắc thị trường. Chúng ta phải xây dựng một thị trường dịch vụ cho ngành nông nghiệp, kể cả công tác về giống, công tác khuyến nông nó là một thị trường dịch vụ.
Việc các Viện nghiên cứu trực tiếp đi làm chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho dân để kiếm sống, thời đó nên qua rồi mà các viện nghiên cứu, các trường đại học có nghiên cứu cần tập trung vào nghiên cứu, việc chuyển giao chỉ để thử nghiệm kết quả nghiên cứu. Hiện nay để cho doanh nghiệp làm đúng vai trò của mình.
Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ thực hiện, chỉ trừ một số địa bàn khó khăn vai trò của nhà nước có thể lớn hơn, vì ở đó thị trường kém, thậm chí không phát triển. Và ngay địa bàn này cũng không nhất thiết nhà nước phải tổ chức cán bộ đi làm, mà hoàn toàn có thể có chính sách cho doanh nghiệp thực hiện.
Cái gì doanh nghiệp làm được, xã hội làm được thì nhà nước không cần làm trực tiếp. Nền nông nghiệp thị trường vận động từng phút, từng giây, Nhà nước làm thế nào để đảm bảo việc hỗ trợ được, thưa ông?

Kinh nghiệm từ ngành lao động thấy rằng, việc đưa lao động đi nước ngoài là do các doanh nghiệp xuống tận nơi làm, ngành lao động dùng cơ chế hỗ trợ vốn vay qua Quỹ quốc gia về việc làm, qua những chương trình xúc tiến việc làm, các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp đó để họ xuống tận nơi để tuyển dụng lao động đi nước ngoài. Ở đây vai trò của nhà nước chỉ có tính hỗ trợ.
Cho nên, chúng ta phải chuyển tư duy sang xây dựng một thị trường dịch vụ công, ở đó vai trò của nhà nước là xây dựng các quy định kiểm tra, giám sát và xác định các ngưỡng dịch vụ để đảm bảo thị trường đó thực sự là một thị trường dịch vụ công hiệu quả.
Chỉ như thế chúng ta mới có thể thỏa mãn được nhu cầu của người nông dân, bởi nhu cầu hiện nay hết sức đa dạng. 30 năm trước, nhu cầu hỗ trợ sản xuất của người nông dân rất đơn giản. Còn hiện nay nhu cầu hỗ trợ sản xuất của nông dân là vận động hàng ngày, hàng giờ theo thị trường, thì cơ quản quản lý Nhà nước không thể tổ chức để đảm bảo hỗ trợ được việc đó, bắt buộc nhu cầu của thị trường phải để thị trường tự hỗ trợ vận hành, đấy là nguyên lý.
Nếu chúng ta không làm được điều đó thì chúng ta cũng không thể có nhân lực mà làm như thời gian trước đây. Cho nên chúng ta phải thay đổi tư duy về tiếp cận trong tổ chức quản lý, quản trị của ngành để phù hợp với tư duy và vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thưa ông, năm 2021, tất cả chúng ta đã được chứng kiến hàng triệu người dân từ thành phố, các khu công nghiệp phải hồi hương vì dịch Covid-19 mà nghẹn ngào… Hầu hết các nước trên thế giới đều xảy ra dịch Covid-19 khốc liệt, sao điều đó lại chỉ xảy ra nặng nề với chúng ta? Câu chuyện sâu xa ở đây, theo ông, là gì?