| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 18/04/2025 - 15:30

Thế giới

15% diện tích đất canh tác thế giới bị ô nhiễm kim loại nặng

Thứ Sáu 18/04/2025 - 15:14

Các nhà nghiên cứu ước tính 15% diện tích đất canh tác toàn cầu bị ô nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng tới 1,4 tỷ người sống ở những nơi có nguy cơ cao nhất.

Theo ước tính của các chuyên gia Đại học York (Canada), khoảng 15% diện tích đất canh tác trên toàn cầu, tương đương 242 triệu ha, bị ô nhiễm bởi ít nhất một kim loại độc hại như asen, cadmium, coban, crom, đồng, niken hoặc chì. Trong đó, nồng độ ô nhiễm kim loại nặng ghi nhận vượt quá ngưỡng an toàn cho sức khỏe con người và nông nghiệp.

Được biết, phân tích được thực hiện dựa trên thông tin thu thập từ hơn 1.000 nghiên cứu khu vực trên toàn cầu, ứng dụng công nghệ máy học.

Nghiên cứu mới ước tính 15% đất canh tác bị ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh: Reuters. 

Nghiên cứu mới ước tính 15% đất canh tác bị ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh: Reuters. 

Tiến sĩ Liz Rylott, giảng viên cao cấp tại khoa sinh học của Đại học York, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Những phát hiện này cho thấy, các chất độc hại gây ô nhiễm đất ở mức đáng báo động. Thông qua đất canh tác, các chất độc này có thể xâm nhập vào thực phẩm và nước của chúng ta, và ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường của chúng ta, gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm tổn thương da, suy giảm chức năng thần kinh và cơ quan và ung thư."

Nguyên nhân ô nhiễm kim loại nặng trong đất canh tác bắt nguồn từ cả hoạt động tự nhiên và hoạt động của con người. Ô nhiễm đất canh tác kéo theo nhiều rủi ro đối với cả hệ sinh thái và sức khỏe con người, cũng như làm giảm năng suất cây trồng, giảm chất lượng nước và an toàn thực phẩm do sự tích tụ sinh học ở động vật trang trại. Tình trạng đất bị ô nhiễm kim loại nặng có thể tồn tại trong đất trong nhiều thập kỷ.

Các nhà khoa học cảnh báo, khi nhu cầu về kim loại nặng tăng lên, mức độ trầm trọng của ô nhiễm kim loại nặng trong đất cũng tăng lên.

“Việc chúng ta tiếp tục sử dụng công nghệ và kim loại để xây dựng cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu như tua bin gió, pin xe điện, pin năng lượng mặt trời, sẽ làm vấn đề ô nhiễm kim loại nặng trở nên trầm trọng hơn”, bà cảnh báo.

Thông qua tích hợp dữ liệu nghiên cứu với phân bố dân số toàn cầu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có từ 900 triệu đến 1,4 tỷ người sống ở các khu vực có nguy cơ cao trên toàn thế giới. Đây là nhóm người dễ chịu tác động bởi tình trạng ô nhiễm kim loại nặng nhất.

“Nghiên cứu này đồng thời chỉ ra ô nhiễm kim loại nặng không bị giới hạn bởi biên giới. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia sẽ phải hợp tác với nhau”, bà Rylott lưu ý.

“Phần lớn ô nhiễm kim loại nặng xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Xu hướng này đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu thêm về tác động của những cây trồng trên vùng đất bị ô nhiễm kim loại nặng đối với hệ thống lương thực toàn cầu”, bà Rylott nói thêm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/15-dien-tich-dat-canh-tac-the-gioi-bi-o-nhiem-kim-loai-nang-d748961.html