Thứ sáu 18/04/2025 - 18:29
Phát triển Xanh
Xe buýt năng lượng sạch: Cuộc cách mạng xanh của vận tải công cộng
Thứ Ba 07/01/2025 - 15:23
(TN&MT) - Hà Nội vừa phê duyệt Đề án chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch trong giai đoạn 2025 - 2035. Với kế hoạch đầy tham vọng này, thành phố đã thực sự bắt đầu một cuộc cách mạng xanh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, kiến tạo môi trường sống xanh, văn minh cho Thủ đô.
Xe buýt năng lượng sạch: Cuộc cách mạng xanh của vận tải công cộng
(TN&MT) - Hà Nội vừa phê duyệt Đề án chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch trong giai đoạn 2025 - 2035. Với kế hoạch đầy tham vọng này, thành phố đã thực sự bắt đầu một cuộc cách mạng xanh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, kiến tạo môi trường sống xanh, văn minh cho Thủ đô.
Bài 1: Chuyển mình để kiến tạo tương lai xanh
(TN&MT) - Hà Nội hiện đã có một mạng lưới xe buýt phủ đều khắp các quận, huyện, xã phường, là phương tiện đi lại được ưu thích của đông đảo người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, xe buýt không chỉ có vai trò phục vụ VTHKCC, mà còn phải đi đầu trong trào lưu chuyển mình để kiến tạo tương lai xanh cho Thủ đô.
Gam màu xám phổ biến
Tính đến năm 2024, mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đã có 153 tuyến. Trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông TP Hà Nội - Thái Hồ Phương cho biết, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 512/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 các khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 33/37 các khu đô thị (đạt 89,2%); 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá, khu du lịch (đạt 92%). Ngoài ra xe buýt Hà Nội đã kết nối trực tiếp đến 7 tỉnh, thành phố lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm qua của Hà Nội, đưa xe buýt trở thành một trong những phương tiện chủ đạo của VTHKCC, đáp ứng gần 20% nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đến nay khẳng định TP Hà Nội đã đạt mục tiêu xóa “vùng trắng” xe buýt, ưu tiên đảm bảo phục vụ Nhân dân từ thành thị tới nông thôn với hệ thống VTHKCC đa dạng.
Tuy nhiên chất lượng xe buýt vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ở nhiều tiêu chí. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, có thể tạm chia xe buýt Hà Nội thành hai nhóm căn cứ trên loại hình nhiên liệu. Xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nhóm “xám”; xe buýt điện, khí là nhóm “xanh”.
“Với tiêu chí này có thể thấy gam màu “xám” vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống xe buýt Hà Nội. Bởi đại đa số xe buýt Thủ đô vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây nên những tác động tiêu cực với môi trường không khí của thành phố” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện thành phố có gần 2.000 xe buýt trợ giá, nhưng trong đó xe sử dụng năng lượng sạch chỉ chiếm chưa tới 300 chiếc (đạt 14,8%); và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Như vậy một lượng không nhỏ khí thải hàng ngày trong bầu không khí vốn ô nhiễm nặng nề của Hà Nội đang đến từ xe buýt - phương tiện VTHKCC chủ lực trongthành phố.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, với việc sử dụng nhiên liệu xăng dầu, chất lượng phương tiện của xe buýt còn ảnh hưởng đến thị hiếu và sự lựa chọn của hành khách. Anh Lê Khánh (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây chỉ có xe buýt chạy dầu thì bắt buộc phải sử dụng. Bây giờ tôi thường ưu tiên đi xe buýt điện, khí vì khi vận hành không có mùi khét, tiếng ồn như xe xăng dầu. Tiếc rằng xe buýt sạch còn ít quá, không thuận tiện đi lại”.
Tương tự như anh Lê Khánh, không ít người dân chưa mặn mà với xe buýt bởi chất lượng phương tiện và dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu ngày một cao. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, xe buýt cũ nát, sử dụng xăng dầu là một trong những nguyên nhân khiến đường phố khói bụi, ngột ngạt hơn.
Ông Nguyễn Bá Sỹ (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Xe buýt giá rẻ nhưng lại xả khói bụi làm ô nhiễm môi trường. Tuy có thể giúp giảm thiểu xe cá nhân nhưng mang đến những ảnh hưởng xấu cho bầu không khí Thủ đô. Cái hại cũng lớn không kém cái lợi”. Thực tế đó cho thấy những đòi hỏi tất yếu, buộc xe buýt của Hà Nội phải chuyển mình, xanh hóa để hòa mình vào xu thế chung của thời đại.
Xu thế tất yếu
Có thể thấy, cùng với thu nhập được nâng cao, đòi hỏi về chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị lớn cũng đang ngày càng khắt khe hơn. Xe buýt ngày nay không chỉ là phương tiện đi lại thông dụng mà còn phải đáp ứng tiêu chí xanh, văn minh, hiện đại. Chính quyền TP Hà Nội cũng đã sớm nhận ra xu thế tất yếu này và có những thử nghiệm trong nhiều năm qua với hàng loạt tuyến xe buýt điện, khí CNG.
Qua quá trình thí điểm trong thực tế khai thác, sử dụng, xe buýt điện, khí CNG đã cho thấy những ưu điểm nổi bật về chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, chiếm được cảm tình của người dân. Theo thống kê của Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, với khoảng 100 triệu lượt hành khách được vận chuyển bằng xe buýt điện, có thể giảm phát thải gần 41 nghìn tấn CO2 ra môi trường; tương đương với trồng 1,9 triệu cây xanh tại đô thị.
.jpeg)
Khi sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ VTHKCC hiện đại, dễ tiếp cận, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời cải thiện môi trường sống, môi trường sinh hoạt. Việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Với Hà Nội, dự kiến xe buýt nhiên liệu sạch sẽ giúp giảm khoảng 170.480 tấn CO2/năm.
Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện của xe buýt điện, khí được hành khách đánh giá xanh, sạch, văn minh hơn hẳn. Bà Nguyễn Thị Mùi (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi bị say xe, rất sợ mùi xăng dầu nên xe buýt điện là lựa chọn tốt nhất. Nếu tất cả xe buýt Hà Nội đều chạy điện thì chắc chắn người dân sẽ sử dụng nhiều hơn, tốt cho môi trường thành phố hơn”.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đây cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Hà Nội xanh hóa mạng lưới VTHKCC. Thạc sĩ Quản lý đô thị - Trần Tuấn Anh phân tích, để giảm phát thải tất yếu cần xanh hóa phương tiện giao thông. Nhưng do nhiều nguyên nhân, muốn người dân tự nguyện chuyển đổi sang xe điện vào thời điểm này không dễ dàng. Chỉ có nhóm phương tiện VTHKCC với đặc thù được đầu tư bởi ngân sách, hoạt động nhiều, phục vụ cộng đồng là thuạn lợi chuyển đổi hơn cả.
“Nói cách khác, xe buýt phải đi đầu trong xanh hóa phương tiện, chuyển mình để dẫn dắt xu thế, góp phần kiến tạo môi trường sạch, văn minh, bền vững cho Hà Nội. Thành phố lựa chọn xe buýt làm điểm khởi đầu cho quá trình xanh hóa phương tiện giao thông là đúng đắn và chắc chắn sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả” - thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xe-buyt-nang-luong-sach-cuoc-cach-mang-xanh-cua-van-tai-cong-cong-d739850.html