Thứ năm 15/05/2025 - 16:21
Môi trường
Xây dựng Nghị định về EPR: Tạo cơ chế minh bạch cho tái chế chất thải
Thứ Năm 15/05/2025 - 16:17
Nghị định quy định về EPR sẽ đảm bảo việc quản lý, giải ngân tiền hỗ trợ một cách minh bạch, không hình thành cơ chế xin - cho.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đang xây dựng Nghị định quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định quy định về EPR). Đây là một nghị định riêng, giúp hoàn thiện tổng thể các quy định về EPR, được quy định tại Điều 54, 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Việc ban hành một nghị định riêng về EPR thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một cơ chế quản lý chất thải hiện đại, gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa.
Tách toàn bộ quy định về EPR thành một văn bản pháp lý độc lập
Đại diện Ban soạn thảo Nghị định, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ NN-MT thông tin, thực tiễn thời gian qua cho thấy, EPR là một chính sách mới, có phạm vi điều chỉnh rộng và liên quan đến nhiều nhóm đối tượng như doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp tái chế...
Tuy nhiên, việc tiếp cận và hiểu đúng, đầy đủ các quy định về EPR của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế do hệ thống quy định hiện hành chưa thực sự đồng bộ. Hiện nay, các nội dung EPR đang được lồng ghép trong các nghị định tổng hợp về môi trường như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, khiến cho các quy định liên quan bị phân tán, khó tra cứu, khó thực hiện một cách nhất quán.
Trước yêu cầu đó, việc xây dựng một Nghị định riêng với đầy đủ các quy định về EPR là hết sức cần thiết và hợp lý. Việc tách toàn bộ quy định về EPR thành một văn bản pháp lý độc lập không chỉ nhằm khắc phục các bất cập hiện hữu mà còn giúp hệ thống hóa toàn bộ các quy định liên quan đến EPR một cách tập trung, thống nhất và minh bạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tra cứu, thực hiện trách nhiệm của mình cũng như cho các cơ quan nhà nước trong công tác hướng dẫn, quản lý, giám sát.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN-MT), cho rằng, việc xây dựng một Nghị định riêng với đầy đủ các quy định về EPR là hết sức cần thiết và hợp lý. Ảnh: Tống Minh.
Đồng thời, xây dựng Nghị định riêng cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều chỉnh linh hoạt quy định trong tương lai trong trường hợp cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và EPR là một công cụ trung tâm, mang tính dẫn dắt trong quá trình đó.
Bộ NN-MT khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế
Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, khi xây dựng Nghị định về EPR phải đảm bảo toàn bộ quy định rõ ràng, khả thi. Việc quản lý, giải ngân tiền hỗ trợ phải đảm bảo minh bạch, không hình thành cơ chế xin – cho hoặc thủ tục hành chính và tránh lãng phí nguồn lực.
Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định kế thừa các quy định hiện hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 05/2025/NĐ-CP và bổ sung quy định chi tiết về việc hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, đồng thời sửa đổi kỹ thuật, hoàn thiện và tích hợp thống nhất thành một văn bản riêng.
Dự kiến, Nghị định sẽ có quy định về đối tượng phải thực hiện phải thực hiện trách nhiệm kèm theo lộ trình thực hiện, đồng thời có quy định một số đối tượng được miễn trừ; quy định về tỉ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc.
Về hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức: Một là, tổ chức tái chế (bao gồm: Tự thực hiện tái chế; thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức việc tái chế; kết hợp các cách thức trên); Hai là, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trong trường hợp không tổ chức tái chế.
Riêng đối với việc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, mức đóng góp và thời hạn, cách thức phải đóng góp. Song song đó, có quy định việc sử dụng nguồn tài chính này để hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hoạt động xử lý chất thải.
Việc giải ngân tiền hỗ trợ tái chế sẽ thực hiện theo khối lượng sản phẩm, bao bì đã tái chế, do đơn vị là tổ chức/doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện. UBND cấp tỉnh là đối tượng được hỗ trợ để thực hiện xử lý chất thải. Mức hỗ trợ được tính theo nhu cầu và khả năng thực hiện của địa phương.
“Quan điểm của Bộ NN-MT là khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức tái chế hơn là đóng góp tài chính. Việc đóng góp tài chính và sử dụng nguồn tiền này như thế nào sẽ phải thật minh bạch”, ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp mong quản trị minh bạch và số hóa
Bàn thảo về các quy định này, ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho rằng, khi lựa chọn đơn vị tham gia tái chế chất thải, cần có quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong đó, điều quan trọng là năng lực tái chế và công nghệ tái chế. “Không thể vì giá thấp mà công nghệ tái chế lạc hậu lại được chọn”, ông Doãn nói.

Không thể vì giá thấp mà công nghệ tái chế lạc hậu lại được chọn để tham gia tái chế. Ảnh minh họa.
Ông Doãn cũng đề nghị, trong các thủ tục hành chính, không dùng cơ chế xin - cho và cũng không dùng cơ chế chia đều. Việc sử dụng kinh phí mà doanh nghiệp nộp vào để hỗ trợ hoạt động tái chế cần được giám sát cụ thể.
“Trong quá trình triển khai hoạt động tái chế, ngay từ đầu phải số hóa và công khai minh bạch trên Cổng điện tử để mọi người đều thấy được hồ sơ được xử lý, đơn vị tái chế hoạt động ra sao, dòng tiền đi như thế nào. Như vậy, các nhà sản xuất mới thấy được trách nhiệm của mình được thực thi nghiêm túc và đầy đủ”, ông Doãn nêu.
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - đặt vấn đề về cam kết của bên tái chế khi nhận hỗ trợ tái chế, có cơ chế phạt nếu đơn vị không đảm bảo đủ khối lượng rác thải tái chế đã cam kết.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - đặt vấn đề về cam kết của bên tái chế khi nhận hỗ trợ tái chế. Ảnh: Tống Minh.
Dự thảo Nghị định đưa ra một số quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho địa phương để tổ chức việc xử lý chất thải. Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM và Đà Nẵng đều kiến nghị, Trung ương cần có hướng dẫn chi tiết cho địa phương tổ chức thực hiện xử lý chất thải, đảm bảo việc dùng nguồn tài chính hỗ trợ một cách hiệu quả, đúng pháp lý.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xay-dung-nghi-dinh-ve-epr-tao-co-che-minh-bach-cho-tai-che-chat-thai-d753163.html