| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 02/05/2025 - 06:01

Lâm nghiệp

Xanh lại vùng đất chết

Thứ Sáu 02/05/2025 - 06:00

Hơn 30 năm trước, khe Bướm Bạc hoang vu, đầy rẫy bom đạn, không ai dám bén mảng. Nhưng giờ đây, màu xanh trù phú đã trải dài tít tắp.

Ngay giữa vườn tiêu hữu cơ xanh tốt, 2 nạn nhân đã ra đi do hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đất nước hòa bình nhưng cuộc sống người dân thuở ấy vẫn chưa yên bình…

Hồi hương

Cuộc điện thoại vừa dứt, tôi vẫn còn ngờ ngợ. Một người đàn ông từ phía bên kia, chất giọng đặc sệt miền Nam, rắn rỏi, hào sảng cất lên giữa nắng gió miền Trung bỏng rát. Hay có một người miền Nam về đây mua đất, trồng rừng? Nếu quả thế thì thú vị thật!

Khe Bướm Bạc được hồi sinh dưới bàn tay của gia đình cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội. Ảnh: Võ Dũng.

Khe Bướm Bạc được hồi sinh dưới bàn tay của gia đình cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội. Ảnh: Võ Dũng.

Con đường từ quốc lộ 1A vào khe Bướm Bạc (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chỉ chừng 10km - nơi có gần 300ha rừng của gia đình ông Cáp Quốc Hà thật không "dễ nhằn”. Nắng như đổ lửa một tuần nay cũng không giúp quãng đường bớt chút gian nan. Đường rộng thênh thang, hai bên chỉ toàn keo và keo dựng đứng, một vài ngôi nhà tạm mọc lên thưa thớt. Những chiếc ô tô oằn mình cõng keo nguyên liệu đi qua, rú ga, phả khói đen kịt. Chúng dồ lên, dập xuống liên hồi, uốn cong con đường, xẻ thành rãnh sâu hun hút.

“Tui chưa đưa máy múc vô cán lại đường vì nghĩ chỉ nay mai trời lại mưa. Đây mới chỉ là món khai vị thôi, phía trước toàn xương xẩu không hà”, ông Hà vẫn bình thản ôm chặt vô lăng chiếc xe bán tải 2 cầu đang lắc lư và nói theo cách nói của những người đàn ông từng trải, chấp nhận mọi thử thách.

Ông Hà nhớ về những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông Cáp Đình Hội, ba của ông, một cựu tù binh Phú Quốc lần đầu tiên rời đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) về quê tìm mộ đồng đội. Băng qua bao nhiêu ngày nắng gió, vượt qua biết bao ngọn đồi, hố bom, người cựu binh ấy sắt son một niềm tin, nhất định sẽ tìm gặp và đưa được hài cốt đồng đội về với gia đình. Niềm tin và nhiệt huyết ấy của ông Hà không lay chuyển, tựa như những tháng ngày cầm súng chiến đấu, đánh thắng Pháp rồi thắng cả Mỹ hùng mạnh để non sông liền một mối. Nhiều liệt sĩ đã được cha con ông tìm thấy và báo về cho lực lượng quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.

Trực tiếp đi trên con đường này mới thấy nghị lực phi thường của gia đình cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội trong việc hồi sinh khe Bướm Bạc. Ảnh: Võ Dũng.

Trực tiếp đi trên con đường này mới thấy nghị lực phi thường của gia đình cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội trong việc hồi sinh khe Bướm Bạc. Ảnh: Võ Dũng.

“Ông dẫn tôi cùng đi tìm mộ đồng đội. Ông nói, đây từng là nơi ba và rất nhiều đồng đội đã sống và chiến đấu trong những ngày máu lửa. Nhiều đồng đội của ba đã nằm lại dưới lòng đất, lòng sông. Không ít người đã để lại một phần cơ thể và mang thương tật suốt đời. Ba tôi vừa nói vừa rơm rớm nước mắt. Tôi biết, những năm tháng chiến đấu đã hun đúc ở ông một ý chí sắt đá. Nhưng khi nói về đồng đội, ông đã không kiềm được xúc động”, ông Hà tiếp tục câu chuyện.

Năm 1967, ông Cáp Đình Đình Hội, một người con ưu tú của xã Hải Xuân (huyện Hải Lăng) đã vượt ngục nhà lao Cây Dừa Phú Quốc. Sau khi chạy vào rừng sâu nhiều ngày, ông bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng trên đảo và tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Hòa bình lập lại, thương binh Cáp Đình Hội tình nguyện ở lại Phú Quốc lập gia đình, sinh cơ lập nghiệp và trở thành một thương binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế với hàng ngàn gốc hồ tiêu, vườn cây ăn quả. Bốn người con cũng lần lượt ra đời trên mảnh đất đã từng là nơi giam giữ ông.

Năm 1990, ông Hội mang theo người con trai thứ là Cáp Quốc Hà rời Phú Quốc về quê nhà tại huyện Hải Lăng để tìm mộ đồng đội. Chiến tranh đã tàn phá quê hương ông, nhiều vùng đất gần như bị hủy diệt. Bom đạn hiện diện khắp nơi, tai nạn bom mìn xẩy ra như cơm bữa. Đất nước đã hòa bình nhưng người dân Quảng Trị lúc ấy vẫn chưa có cuộc sống bình yên.

Cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội (áo trắng, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị trước ngôi nhà tranh tại khe Bướm Bạc những ngày đầu hồi hương. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội (áo trắng, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị trước ngôi nhà tranh tại khe Bướm Bạc những ngày đầu hồi hương. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hai năm sau, chuyến tàu rời đảo Phú Quốc từ sáng sớm tinh mơ đã đưa ông Hội, vợ và 3 người con trở về quê hương Hải Lăng. Một cuộc hồi hương nặng trĩu suy tư của người cựu binh đã có một phần tư cuộc đời gắn bó với đảo ngọc. Đảo Phú Quốc xa dần trong làn sương mờ ảo. Gia đình ông Hội bước vào bước ngoặt mới với những lo toan bộn bề cuộc sống, về những ước nguyện của một cựu binh từng đi qua hai cuộc kháng chiến.

“Hồi đó, chỉ có phong trào thanh niên vào Nam lập nghiệp còn ba tôi lại cõng cả nhà về miền Trung. Nhiều người khuyên nhủ nhưng không thể lay chuyển”, ông Hà hồi tưởng.

"Người điên” ở khe Bướm Bạc

Sau bao lần gầm xe cán ràn rạt vào sống đường, đi qua những đám sình lầy nhão nhoét, cuối cùng, chiếc xe bán tải 2 cầu cũng đưa chúng tôi đến với khe Bướm Bạc. Một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nhưng kín trên bền dưới nằm bên một hồ nước trong xanh thơ mộng. Lũ vịt, ngỗng, ngan tung tăng bơi lội trên hồ nước. Thi thoảng, những con bò nhởn nhơ gặm cỏ quanh đó tiến về phía mặt hồ phẳng lặng, thảnh thơi uống nước. Phía trên hồ là đồi hồ tiêu xanh mướt được bao bọc giữa bạt ngàn rừng keo.

300ha keo đã được gia đình ông Hà chuyển thành rừng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ FSC. Toàn hộ hồ tiêu được ông trồng theo hướng hữu cơ, chằng chống bằng cột bê tông vững chãi, bón bằng phân bò ủ vi sinh. Nhìn cảnh vật thanh bình, cuộc sống giờ đây nhàn nhã lại khiến ông Hà nhớ về những ngày xưa cũ.

Ông nhớ về cha, một cựu tù binh Phú Quốc gan dạ, đầy quả cảm và luôn nhiệt huyết tiến về phía trước. Với cựu tù binh Phú Quốc ấy, có lẽ không khó khăn nào là không thể vượt qua, giới hạn của con người là không có giới hạn. Đó thực sự là tấm gương, là động lực thôi thúc con cháu ông tìm lại màu xanh cho vùng đất này.

Ông Cáp Quốc Hà, con trai cựu tù binh Phú Quốc với vỏ đạn pháo thu thập được tại khe Bướm Bạc. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Cáp Quốc Hà, con trai cựu tù binh Phú Quốc với vỏ đạn pháo thu thập được tại khe Bướm Bạc. Ảnh: Võ Dũng.

Về quê, cùng với 10 hộ dân khác trong vùng, gia đình ông Cáp Đình Hội được nhà nước giao 500ha đất trồng rừng. Ở cái thuở phát quang, đào hố… đều phải làm thủ công, diện tích rừng ấy trở mất quá nhiều sức người nên các hộ chỉ nhận trồng và chăm sóc gần 160ha. Để làm con đường nối từ quốc lộ 1 vào khe Bướm bạc, ông Hội đã phải bán đi 9 cây vàng thuê nhân công đào đắp hàng năm trời. Cái ăn trong rừng không thiếu nhưng tiền nhân công phát sẻ trồng rừng thì phải nợ năm này qua năm khác. Bán được lô rừng nào gần như gia đình ông chỉ để trả nợ.

Căn nhà anh em ông Hà đang ở hiện nay đổ bằng bê tông, văng bằng cốt thép được xây dựng sau một vài chu kỳ thu hoạch rừng. Đã có thời điểm, trong ngôi nhà chật hẹp này có tới 40 - 50 nhân công ăn ở. Thuở ấy, xây được căn nhà bê tông cốt thép giữa rừng thiêng nước độc, ở vùng đất ấy có lẽ chỉ mỗi gia đình ông Hà làm được.

“Chúng tôi cũng có những năm tháng ở trong nhà tranh rách nát nhưng người trồng rừng khắp nơi vẫn về đây tham quan học hỏi. Lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành cũng thường xuyên ghé thăm. Khi chúng tôi vào đây còn có cả beo, cọp rình mồi. Thi thoảng, gấu đen đi dọc bờ suối, hai chân phía trước giơ lên cao. Còn lợn rừng, hoẵng, nai… thì nhiều vô kể. Trồng được cây nào, không kiểm tra thường xuyên là chúng lại cắn phá. Xây nhà kiên cố là để ở nhưng cũng để chống thú dữ, phòng cháy nổ do bom đạn còn sót lại và cả những cơn bão bất ngờ ập tới”, ông Hà chia sẻ.

Nhưng rồi chỉ những con người trong gia đình ông trụ lại được với vùng đất này. Những nhát cuốc bổ xuống, đất tóe lửa, tiếng nổ chát chúa phát ra. Hai nạn nhân đã tử vong tại vườn tiêu bên hồ nước khi đang đi rà bom. Người mang thương tật vĩnh viễn, mù mắt, cụt ngón tay, cụt tay nhiều vô kể. Mười gia đình đã từ bỏ, rời khỏi chốn rừng thiêng nước độc để lại một khoảng trống mênh mông tưởng chừng không thể bù đắp.

“Đạn M97 có khi nhặt được vài ba rổ trong một ngày. Bom bi, bom dơi, đạn cối… đủ các kích cỡ, chủng loại, đếm không xuể. Nhiều người không chịu được cực khổ, không chiến thắng được sự sợ hãi. Chỉ còn mấy con người trong gia đình tôi vẫn ngày ngày cắm cổ trồng rừng. Đất chết hồi sinh, chúng tôi cũng sẽ hồi sinh. Nhưng cũng đã có lúc rợn tóc gáy, chùn chân”, ông Hà bùi ngùi.

Chiếc xe Reo trở thành chứng tích cho nỗ lực tìm lại màu xanh núi rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Chiếc xe Reo trở thành chứng tích cho nỗ lực tìm lại màu xanh núi rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Sau nhiều năm tích cóp, ông Hà mở rộng diện tích đất trồng rừng. Ai sợ, ai lo, bỏ đi, ai bán đất ông đều mua hết. Giờ thì gần 300ha rừng ngày ngày nhả vàng đem lại cuộc sống sung túc cho các thành viên trong gia đình ông. Cả 3 người con của cựu tù binh Phú Quốc Cáp Đình Hội đều về ở đây, xây dựng nhà cửa ngay quốc lộ 1A và phát triển nghề trồng rừng, khai thác, vận chuyển gỗ.

“Có lúc người ta nói, điên mới bỏ phố lên khe Bướm Bạc. Bây giờ họ lại “quay xe”, bảo nhà ông Hà "bán điên” đi tiêu 3 đời cũng không hết”, ông Hà xắn quần lên tận đầu gối, lội qua mấy khe suối, nói với chất giọng hào sảng đặc sệt miền Nam.

Bay về miền mây trắng

Bên ngoài hiên ngôi nhà xây không quá rộng nhưng kiên cố, ông Hà đặt hai bộ dong sang trọng, sơn màu đỏ au. Người xa đến chơi đều nhầm tưởng đây là gỗ rừng tự nhiên bởi đường kính của chúng lên đến trên 1m. Nhưng đó là những cây keo tai tượng được gia đình ông trồng 30 năm trước còn để lại sau những lần khai thác. Gần đây, gia đình ông đã chặt hạ làm gỗ và để lại 2 bộ dong.

“Vùng này, lúc chúng tôi đến đây, trên đồi thì trọc lóc bởi những người đi rà bom (về lấy thuốc nổ bán) đã đốt trọc. Dưới những hố bom, cây cối rậm rịt. Chúng tôi tay cuốc, tay đào san đất, lấp hố trồng cây. Nhờ trời, những người trong gia đình và những người làm công vẫn an toàn. Cây cứ lên xanh tốt. Trước đây, cứ 4 - 5 năm gia đình tôi lại khai thác nhưng từ đây sẽ trồng rừng gỗ lớn. Người trồng rừng có kinh tế nhưng cũng phải trả nợ cho đất và giúp môi trường ngày một trong lành hơn”, ông Hà chỉ tay về phía bộ dong như để minh chứng cho điều mình nói.

Có trong tay hàng trăm ha rừng, gia đình ông Cáp Quốc Hà sắm cả xe bồn để phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Có trong tay hàng trăm ha rừng, gia đình ông Cáp Quốc Hà sắm cả xe bồn để phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Để khai thác những cây gỗ lớn còn sót lại, năm 2005, gia đình ông Hà đã mua xe Reo vận chuyển gỗ qua những cung đường khó. Lần lượt, máy múc, xe ô tô tải cũng được mua sắm phục vụ việc khai thác và trồng rừng. Có máy móc hỗ trợ, những con đường lâm sinh cũng được mở ra rộng hơn giúp việc khai thác và trồng rừng thuận lợi.

Ông Hà đếm không xuể, không biết bao nhiêu lần, những chiếc gầu máy múc đụng phải bom mìn bị nổ toe. Có điều may mắn, những người làm công cho ông vẫn không hề hấn gì. Để đề phòng trong quá trình đốt dọn thực bì bom nổ cháy lan ra cả khu rừng, ông trang bị thêm một xe bồn chữa cháy. Giờ thì cung đường vận chuyển đã thuận lợi hơn, chiếc xe Reo cũng đã thành phế tích nhưng với gia đình ông, đó vẫn là tài sản vô giá. Đó là minh chứng cho một thời gian khổ mà cả gia đình ông đã vượt qua.

Chỉ chứng kiến được vài ba chu kỳ khai thác gỗ, năm 2009, cựu binh tù Phú Quốc Cáp Đình Hội bay về miền mây trắng. Ba thế hệ trồng rừng trong gia đình ông giờ chỉ còn hai. Người đặt nền móng cho công cuộc phục sinh vùng đất chết đã ngậm cười chín suối. Người còn sống vẫn ở lại với rừng, ước hẹn với rừng về một ngày mai tươi sáng.

Một trưa tháng 4 nắng rát, Cáp Quốc Đạt, con trai ông Hà đang dùng bữa trưa. Vui say câu chuyện với cha, Đạt quên mất việc đi tuần tra rừng. Đạt lúi húi với cái túi xách, vài phút sau, chiếc flycam khởi động vù vù, từ trong nhà bay ra ngoài hiên, vút lên cao rồi biến khỏi tầm mắt. Đạt điều khiển flycam lướt qua từng ngọn đồi. Những đồi keo xanh tốt ngút tầm mắt dần hiện lên. Những con đường lâm sinh vòng xoáy trôn ốc lên tận đỉnh đồi. Những khe nước ngay dưới chân đồi hiện lên xanh mát.

“Mày bay xuống sát dưới mấy khe suối xem có trâu bò thả trong khu vực không. Bay là là xuống mới thấy”, ông Hà cũng bỏ đũa, ngồi cạnh người con trai cả tuần tra rừng qua flycam.

Chừng vài chục phút sau, chiếc flycam quay về trên bàn tay của Cáp Quốc Đạt. “Ổn ba ơi! Không thấy trâu bò, không có đám khói nào”, Đạt ngoảnh mặt về phía ông Hà với vẻ mặt hớn hở.

Toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông Hà được chuyển thành rừng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Võ Dũng.

Toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông Hà được chuyển thành rừng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Võ Dũng.

Thay vì phải trực tiếp đi vào rừng, từ nhiều năm nay, gia đình ông Hà thường xuyên tuần tra rừng bằng flaycam. Nhờ vậy, hễ có trâu bò xuất hiện, người giữ rừng đều phát hiện nhanh và đẩy đuổi ra khỏi khu vực rừng trồng, các đám cháy phát sinh hầu hết được phát hiện và xử lý sớm.

“Mình làm rát, cũng có chuyện này chuyện khác xẩy ra, cuộc sống mà. Cũng có người thù hằn vào đốt rừng, có người thả trâu bò phá rừng. Cũng có chuyện ghen ăn tức ở. Nhiều người chỉ thấy được thành quả của mình ngày hôm nay chứ có ai biết cho mình những ngày đầu cơ cực...”, ông Hà bỏ lửng câu nói.

Ông Hà không có nhiều rừng nhất Quảng Trị nhưng là một trong những người trồng rừng giỏi nhất. Rừng đem lại nguồn thu trên 3 tỷ đồng lãi ròng/năm cho gia đình ông. Ngoài trồng rừng, ông Hà tổ chức khai thác, thu mua gỗ nguyên liệu để nhập cho các nhà máy, tạo việc làm thời vụ và thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương. Bản thân ông Hà 2 lần được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xanh-lai-vung-dat-chet-d749712.html