Chủ nhật 04/05/2025 - 08:31
Thủy sản
'Xanh hóa' - Ngành tôm phải xắn tay mà bắt nhịp
Chủ Nhật 04/05/2025 - 08:29
'Xanh hóa' và sâu xa hơn là phát triển bền vững - con đường tất yếu mà các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tham gia.
- Xây dựng thương hiệu xanh cho tôm Việt
- Ngành tôm vẫn còn 'cửa sáng'
- Khôi phục chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản
- Sao Ta cùng làn sóng mới đầu tư vào nông nghiệp
“Xanh hóa” từ khâu nuôi…
Sản lượng tôm Việt Nam ước đạt trên 1 triệu tấn, với diện tích nuôi khoảng 700.000 ha, tập trung ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản. Con tôm ta đã hiện diện tại hầu hết các thị trường lớn, cạnh tranh với tôm châu Á, Trung Mỹ La tinh...
Con tôm - dù vẫn còn những tồn tại quá lớn xoay quanh giá thành cao, khó cạnh tranh, khó giữ vững thị phần nếu không sớm cải thiện - nhưng không thể phủ nhận trình độ chế biến sâu đã đạt ngưỡng cao của thế giới, thu về không ít giá trị gia tăng, có nguồn chia sẻ người nuôi tôm… Bên cạnh đó, cũng đang tích cực trong tiến trình “xanh hóa”.

TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN)
“Xanh hóa” là cụm từ hết sức phổ biến hiện giờ. Bởi xu thế thế giới không thể khác được: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì trái đất mới tồn tại lâu dài. “Xanh hóa” chắc là một mỹ từ để chỉ gọi nội dung trên.
Gần đây nhất là khu công nghiệp xanh, tín dụng xanh… nối dài những cái “xanh” trước đó như: đô thị xanh, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, thậm chí rác xanh…
Chính phủ Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon, một tiêu chí bao quát tiến trình “xanh hóa” ở nước ta. Ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng cũng không đứng ngoài làm vai trò tham quan, rút kinh nghiệm… mà phải xắn tay bắt nhịp chung ngay từ bây giờ.
Chuỗi ngành hàng tôm hình thành từ rất nhiều mắt xích. "Xanh hóa" ngành, trước tiên là "xanh hóa" từ từng mắt xích. Trong các mắt xích đó, khâu nuôi là đáng quan tâm nhất, bởi mắt xích này tạo ra chất thải khá lớn (khí thải lẫn rác thải), dù không cao bằng động vật nuôi trên bờ như bò, gà…
… thực tiễn từ Sao Ta
Do không có nhiều thông tin từ các trại nuôi tôm các nơi, tôi mạn phép lấy hình ảnh trại tôm Sao Ta để nêu lên những nội dung có thể làm từ bây giờ, góp phần “xanh hóa” vùng nuôi tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung, cụ thể:
Sao Ta đã thực hiện quy hoạch ao nuôi bài bản với diện tích vừa phải, 2.000-3.000m2/ao, nhằm thuận lợi kiểm soát đáy ao và độ dốc vào giữa ao phải tốt để đáy ao không lưu giữ chất thải sau khi xi phông, giảm tạo mầm khí thải từ đáy ao; từ đó tạo môi trường sạch hơn cho tôm và giảm phát thải.
Từ năm 2015-2018, Sao Ta nghiên cứu và phát triển công nghệ nhân sinh khối lợi khuẩn ngay tại vùng nuôi. Lợi khuẩn với mật số lớn sẽ chiếm giữ diện tích, nhất là đáy, ao nuôi, tranh thức ăn và môi trường sống với các dòng khuẩn khác từ bên ngoài xâm nhập. Thức ăn của lợi khuẩn là thức ăn tôm bị dư ra, là phân thải ra từ tôm.
Để cân bằng chỉ số trong thức ăn (C và N), trại bổ sung cho ao nuôi mật đường hoặc sản phẩm có tinh bột. Trại nuôi Sao Ta đã thành công trong việc nhân sinh khối (chủ yếu dòng Bacilus) bảo đảm mật độ trên tỷ vi sinh trên gram mẫu và nhất là tỷ lệ thuần (không bị tạp) là tuyệt đối. Từ bình 2.000 lít đầu tiên, nay phát triển lên 8 bình tương tự và cứ 2 ngày cung ứng một mẻ, phục vụ cho trên 600 ao nuôi của các trại và kết quả là bệnh tôm chết sớm đã không còn hiện hữu ở trại nuôi Sao Ta.
Ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa “xanh” của việc này: Lấy vi sinh có lợi lấn át vi sinh có hại, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất có hại cho môi trường chung và nhất là làm giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm tôm nuôi, tăng sức cạnh tranh cho ngành tôm. Không tạo ra rác thải, giảm khí thải vì nguồn tạo ra khí thải (thức ăn dư, phân tôm…) đã được vi sinh có lợi sử dụng.
Sau thành công trên, trại nuôi của Sao Ta tiếp tục nghiên cứu nhân sinh khối vi sinh kích thích tiêu hóa và tiếp tục là nhân sinh khối vi sinh có khả năng hấp thu khí thải trong nước thải như: NO2, NO3, NH3, NH4… Giải pháp này vừa hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường vừa giảm phát thải, góp phần cho việc trung hòa carbon nhanh hơn.
Đồng thời, xây dựng phương pháp tính toán lượng thức ăn dựa trên nhiều yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, giúp tối ưu khẩu phần, giảm FCR, tiết kiệm chi phí và hạn chế lượng thức ăn dư thừa, từ đó giảm phát thải.

Trang trại nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN). Ảnh: PAN Group.
Về sách lược lâu dài, trại nuôi đã trao đổi với các nhà cung ứng thức ăn, nghiên cứu thành phẩm và nguyên liệu sao cho thức ăn vừa tiêu hóa tốt, giá thành hợp lý nhưng giảm khí thải càng nhiều càng tốt. Máy bay đã có nguồn nhiên liệu giảm phát thải thì chẳng lẽ câu chuyện nhỏ này làm khó ngành. Khả năng thành công sẽ không xa.
Doanh nghiệp chế biến không thể xem nhẹ
Câu chuyện tiếp theo là “xanh hóa” các cơ sở chế biến thủy sản. Đây là một mắt xích không thể thiếu và tầm quan trọng của nó cũng thuộc hàng đầu, bởi đây là điểm giao thoa giữa bên hoàn thiện sản phẩm và bên tiêu thụ sản phẩm.
Dù các mắt xích trước tốt ra sao, nhưng khâu chế biến không tốt thì người tiêu dùng khó cảm nhận được nỗ lực của bên tạo ra sản phẩm, việc tiêu thụ không đạt kết quả cao nhất. Cho nên các doanh nghiệp chế biến không thể coi nhẹ chuyện này.
Trước tiên, mỗi doanh nghiệp phải hình thành "Ban phát triển bền vững". Tốt hơn hết lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp phải trực tiếp điều hành ban này.
Hai là, nhận diện thực trạng phát triển bền vững tại doanh nghiệp dựa trên ba trụ cột “môi trường, xã hội và quản trị (ESG) - bộ tiêu chí phát triển bền vững phổ biến nhất hiện nay. Dựa trên các chuẩn mực, Ban phát triển bền vững doanh nghiệp đối chiếu với thực trạng của mình, nhận diện điểm mạnh, yếu; những khoảng trống cần lấp…
Ba là, xây dựng các mục tiêu phấn đấu và các chính sách để thực hiện. Trên nền tảng thực trạng và các yếu tố chủ quan, khách quan khác đối chiếu các tiêu chí và các mục tiêu quốc gia, ngành… Ban Phát triển bền vững sẽ xây dựng các mục tiêu phấn đấu cho mình. Mục tiêu có thể là định tính, định lượng, định hướng… tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Các mục tiêu này xoay quanh ba trụ cột ESG. Tốt hơn, việc xây dựng mục tiêu, chính sách… đạt các yêu cầu S.M.A.R.T, gồm: cụ thể (specific); đo lường (measurable); khả thi (attainable); thực tế (realistic); khung thời gian (timely).
Bốn là, đào tạo người lao động về phát triển bền vững: Cấp quản lý phải hiểu nội dung ESG; người lao động phải hiểu biết về an toàn lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn ISO 14001…
Năm là, triển khai thực hiện: Trên cơ sở mục tiêu, quy chế, chính sách thực hiện; trên cơ sở phân công trong Ban phát triển bền vững, các thành viên thực hiện phần việc của mình.
Sáu là, thu thập số liệu, lập báo cáo hàng năm. Số liệu thu thập dựa trên các nội dung ESG, cụ thể như: môi trường, lao động - xã hội và quản trị. Và cuối cùng là đánh giá lại và hoàn thiện hơn.
Trên đây chỉ là nội dung khái quát và chắc chắn chưa đầy đủ nhất, bởi chính bộ tiêu chí phát triển bền vững cũng luôn được bổ sung và hoàn thiện hơn. Dẫu sao đây cũng những nét phác họa ban đầu các lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm nay nên lướt qua để chuẩn bị nền tảng và hành trang tốt hơn cho doanh nghiệp mình trên con đường cạnh tranh đầy gian khó này.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xanh-hoa--nganh-tom-phai-xan-tay-ma-bat-nhip-d743176.html