Thứ bảy 19/04/2025 - 11:12
Pháp luật - Bạn đọc
Vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?', Trần Ngọc Thanh nói gì?
Thứ Hai 23/05/2016 - 09:01
Trong quá trình chấp hành án, anh đã viết hàng trăm đơn kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án, có một bản “tự thú” được cho là do anh viết ở Trung đoàn 139 (E139).
- Thủ tướng yêu cầu xem xét giải quyết vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?'
- Vụ "hai ông Chấn": Những người trong cuộc nhớ gì?
- Vụ 'hai ông Chấn': Nghịch lý hiện trường
- Vụ 'hai ông Chấn': 21 người bị thương lên tiếng
- Viết tiếp bài báo 'Liệu có thêm hai ông Chấn?': Bức thư của một nhân chứng
- Phó thủ tướng chỉ đạo xem xét vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?'
- Trò chuyện với con gái út ông Trần Văn Vót trong vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn'
- Lại thêm một nhân chứng tố cáo bị bức cung trong vụ 'hai ông Chấn'
Vừa qua, PV Báo NNVN đã gặp Trần Ngọc Thanh, người bị hai cấp tòa kết án 15 năm tù về tội “giết người” trong vụ án “giết người” xảy ra ngày 29/11/1992 tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (đã chấp hành xong án), nhằm làm sáng tỏ thêm một số tình tiết của vụ án.
Trong quá trình chấp hành án, anh đã viết hàng trăm đơn kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án, có một bản “tự thú” được cho là do anh viết ở Trung đoàn 139 (E139). Bản tự thú không đề ngày tháng, không có người làm chứng, không có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền ở E139.
Bản tự thú đó được đánh số bút lục số 46, có nội dung anh đã ném trái lựu đạn đó khiến anh Trần Văn Việt bị chết và 21 người bị thương. Và có một bản cam đoan về tính trung thực của bản tự thú đó, được đánh số bút lục số 48, cũng được cho là do anh viết, có xác nhận của điều tra viên. Đây là hai chứng cứ quan trọng nhất để HĐXX hai cấp tòa kết tội anh. Đã tự thú, sao anh còn kêu oan?
Tôi không viết bản tự thú nào cả. Cũng không hề viết bản cam đoan.
Trần Ngọc Thanh
Anh hãy kể lại quá trình từ khi bị bắt cho đến khi ra tòa?
Ngày 7/2/1993, tôi nhập ngũ, được biên chế vào E139, đóng quân ở Hòa Bình. Được khoảng 20 ngày thì có một anh công an tên là Hòa đến đơn vị gặp tôi, hỏi tôi: Ngày 29/11/1992 làm gì, có mặt ở ngoài bãi không? Tôi trả lời là ngày hôm đó tôi đi vác đất thuê cho nhà anh Quân con ông Tòng, cùng với các anh Trần Thanh Xuân, Trần Văn Thanh, Trần Văn Hiển, Trần Xuân Đạt, đến 5 giờ chiều mới về. Tôi không có mặt ở bãi, là nơi xảy ra vụ án.
Anh Hòa cứ hỏi đi hỏi lại như vậy suốt 2 ngày liền. Sau đó cách 1 ngày, đến ngày thứ 4 lại hỏi tiếp, và chiều ngày hôm đó họ giam tôi tại đơn vị rồi tối hôm đó chở tôi về công an huyện Lý Nhân. Đến nơi, họ đọc cho tôi nghe quyết định khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam để điều tra về hành vi “giết người”.
Đọc xong, họ tống tôi vào nhà tạm giam. Chỉ một lát sau tôi bị họ đánh ngay. Họ đánh tôi đến ngất đi, khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm ở khu 5 tầng của công an tỉnh Nam Hà tại thành phố Nam Định.
Tại đây, điều tra viên tên là Đường lại tiếp tục hỏi tôi ngày 29/11/1992 làm gì, có mặt ở bãi không? Tôi tiếp tục trả lời như cũ. Chiều hôm đó họ đưa tôi đến trại tạm giam Bát Di. Đến đó, tôi bị nhốt vào một phòng cùng với 3 người tù đã có án. Lập tức tôi bị chúng đánh.
Mỗi lần đi cung, tôi cũng bị 2 điều tra viên là Chung và Hồng đánh. Trước sau họ vẫn chỉ xoay đi xoay lại chuyện ngày 29/11/1992 tôi làm gì? Ở đâu? Có mặt ở bãi không? Riêng điều tra viên Đường thì nhiều lần hỏi cung tôi suốt buổi sáng, thông qua trưa luôn, tôi rất đói nhưng cũng không được về ăn cơm. Anh Đường hỏi tôi:
- Thằng Đạt đã khai là hôm 29/11/1992 mày không đi vác đất cùng với nó. Mày có mặt ở ngoài bãi. Thằng Vót cũng đã khai là nó đưa lựu đạn cho mày ném. Mày còn ngoan cố à? Thôi hãy thành khẩn nhận đi để còn được hưởng lượng khoan hồng.
- Khai như thế nào ạ?
- Khai như thằng Đạt và thằng Vót đã khai ấy.
- Khai, thì phải cho tôi gặp anh Vót, anh Đạt.
- Mày cứ khai đi, rồi chúng tao cho gặp.
Khoảng 1 tháng sau, tôi được chuyển buồng, ở chung với 5 người tù có án khác. Lần này, tôi bị chúng đánh dữ hơn. Chúng giấu được một viên gạch và cứ thay nhau dùng viên gạch ấy đánh vào đầu, vào lưng, vào ngực, chỗ tim tôi. Đau quá không chịu nổi. Tôi kêu với điều tra viên. Điều tra viên bảo:
- Nhận tội đi thì khỏi bị đánh.
Trước sau, tôi vẫn kiên quyết khai sự thật là ngày 29/11/1992 tôi đi vác đất thuê cho nhà anh Quân, cùng với mấy người trên. Nhưng sau, một là do bị đánh nhiều, cả sức khỏe lẫn tinh thần đều suy sụp, tôi rất sợ, nếu cứ thế này thì mình sẽ chết. Hai là hồi ấy mới 18; 19 tuổi, rất ngây thơ, cả tin.
Thấy điều tra viên nói là cứ nhận tội đi, để họ sớm hoàn thành kết luận điều tra, rồi họ sẽ cho về, để khỏi bị đánh đập. Còn sau này ra tòa có thể phản cung. HĐXX sẽ làm rõ sự thật. Nếu không giết người thì tòa sẽ tuyên vô tội. Thế là tôi nhận tội. Và hôm được đối chất với anh Đạt, tôi đã khuyên anh ấy cứ khai theo ý điều tra viên để được về. Đến khi ra tòa, tôi mới biết mình bị lừa.
Trong buồng tạm giam, anh có được mang bút, giấy vào không?
Đến cái kim còn không được mang vào nữa là.
Thế thì bút giấy đâu để anh viết thư cho bố mẹ? Đây, thư anh viết cho bố mẹ còn được HĐXX trích dẫn trong bản án phúc thẩm đây này: Ngày 29/7/1993 Thanh gửi thư cho bố mẹ, có đoạn y viết “...Do anh Vót xúi giục con mà con phải khổ thế này... Bố mẹ ở ngoài đến những người bị thương xin cho con, vì con không chủ bụng ném vào dân mình. Bố mẹ đừng nghe anh Xuân, anh Quân con ông Tòng và số người khác. Vì chính họ nghĩ con không có việc ném lựu đạn vào dân mình (BL 50)”.
Thật là nực cười. Để tránh thông cung, trong thời gian bị tạm giam, bị can tuyệt đối không được gặp bất cứ ai, cũng không được mang theo bất cứ thứ gì vào buồng giam. Thức ăn do người nhà tiếp tế đều bị cắt nát ra để kiểm tra. Thế thì tôi lấy bút giấy đâu mà viết thư? Mà giả sử có viết được, thì gặp ai để nhờ chuyển về cho bố mẹ tôi được? Thật lạ, nếu là thư tôi viết cho bố mẹ mà giấu diếm gửi về được, thì làm sao cơ quan điều tra lại có nó?
PV: Anh có nghĩ rằng bản tự thú, bản cam đoan và thư anh viết cho bố mẹ, đều là do ai đó làm giả ra không? Trần Ngọc Thanh: Tôi khẳng định rằng tôi không viết bất cứ thứ gì ở E139 cũng như trong thời kỳ bị tạm giam, từ bản tự thú, bản cam đoan cho đến thư từ. Chỉ nhớ là ngoài những bản cung, điều tra viên còn bắt tôi ký vào rất nhiều giấy tờ khác do họ viết sẵn.Tôi ký mà không đọc. PV: Tại sao anh không đọc, mà vẫn ký? Trần Ngọc Thanh: Họ toàn đưa cho tôi ký sau khi đã thay nhau “quần” tôi, đánh tôi cả ngày, khiến tinh thần tôi cực kỳ suy sụp, hoảng loạn, còn người thì mệt rũ, đau đớn. Lúc đó tôi hoàn toàn buông xuôi, chỉ muốn mau được về. Vì thế họ bảo gì tôi làm nấy. |
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vu-lieu-co-them-hai-ong-chan-tran-ngoc-thanh-noi-gi-d164993.html