| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 20/04/2025 - 23:22

Xã hội

Vụ bữa ăn kém chất lượng: Sẽ kiểm tra toàn diện trường Trần Thị Bưởi

Chủ Nhật 08/11/2020 - 07:37

Đến tối muộn ngày 7/11, hội trường trường tiểu học Trần Thị Bưởi vẫn đầy kín phụ huynh học sinh trước vụ việc nghi ngờ về chất lượng bữa ăn bán trú tại đây...

Cuộc họp phụ huynh trường tiểu học Trần Thị Bưởi diễn ra từ chiều cho đến tối muộn ngày 7/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cuộc họp phụ huynh trường tiểu học Trần Thị Bưởi diễn ra từ chiều cho đến tối muộn ngày 7/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều phụ huynh học sinh trường tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) bức xúc về chất lượng bữa ăn bán trú của hơn 1.100 học sinh không tương xứng với giá thành 30.000 đồng và không đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành một số nguyên liệu rẻ hơn 1/3 so với thị trường, các gia vị để chế biến suất ăn cho trẻ không nhãn mác, hoặc một số thương hiệu không có tiếng…

Nhiều cuộc đối thoại “nảy lửa” giữa phụ huynh và nhà trường cùng sự tham gia của chính quyền địa phương từ ngày 2/11 đến nay nhưng vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung.

Bữa ăn được cho là không tương xứng với giá tiền 30.000 đồng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Bữa ăn được cho là không tương xứng với giá tiền 30.000 đồng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Căng thẳng bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh trường

Cuộc họp ngày 7/11 diễn ra với mong muốn của đại đa số phụ huynh là tìm ra phương án tốt nhất để đảm bảo bữa ăn cho con trẻ. Đồng thời, bầu ra được Ban đại diện cha mẹ học sinh mới công tâm, khách quan để thay mặt phụ huynh toàn trường giám sát bữa ăn bán trú của học sinh và là tiếng nói chung của toàn phụ huynh với nhà trường.

Phụ huynh học sinh các lớp họp riêng với giáo viên chủ nhiệm để bầu đại diện cha mẹ học sinh mới của lớp (3 người), đồng thời thông báo về sự việc xảy ra trong những ngày qua. Sau đó, đại diện cha mẹ học sinh mới của các lớp sẽ họp với Ban giám hiệu nhà trường và tham gia bầu Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh mới (theo nguyện vọng chung của phụ huynh trong cuộc họp trước) tại hội trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không nằm trong Ban đại diện lớp cũng rất nóng lòng trước sự việc và đã bỏ công việc để cùng tham dự cuộc họp.

Hiệu trưởng nhà trường cùng 4 người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cũ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiệu trưởng nhà trường cùng 4 người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cũ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngay khi cuộc họp diễn ra, Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cũ điều hành cuộc họp và đề nghị thực hiện các bước bãi nhiệm, bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh mới theo đúng quy trình của Thông tư  55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. “Hôm nay tôi được trường mời đến đây để bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh trường mới. Đến thời điểm này, về mặt pháp lý, tôi vẫn là Trưởng Ban đại diện trường. Theo quy định, tôi sẽ đứng ra để bầu Ban đại diện mới cho hết trách nhiệm của mình. Việc bầu bằng hình thức bỏ phiếu và mời thư ký lên làm việc”, Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cũ nói.

Tuy nhiên, đồng loạt phụ huynh phản đối, yêu cầu Ban đại diện từ nhiệm tại chỗ. Đồng thời, đa số phụ huynh tự chỉ định Ban đại diện cha mẹ học sinh mới và tự lên “nắm micro” điều hành cuộc họp, khiến Ban đại diện cha mẹ học sinh cũ bỏ về trước khi cuộc họp chính thức bắt đầu.

“Ngay buổi họp chiều 3/11, chúng tôi đã bày tỏ thái độ bất tín nhiệm đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Vì thế, việc họ điều hành buổi làm việc hôm nay là không xứng đáng”, một phụ huynh phát biểu.

Bà Phạm Thị Truyện (trưởng ban đại diện lớp 1/5) với số phiếu bầu cao nhất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phạm Thị Truyện (trưởng ban đại diện lớp 1/5) với số phiếu bầu cao nhất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo danh sách bầu đại diện cha mẹ học sinh từ 30 lớp với 30 phụ huynh được đề cử để bầu vào Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường thì có 15 người xin rút khỏi danh sách và đề cử bà Phạm Thị Truyện (trưởng ban đại diện lớp 1/5) điều hành cuộc bầu Ban đại diện.

Ban đại diện cha mẹ học sinh mới của trường tiểu học Trần Thị Bưởi. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Ban đại diện cha mẹ học sinh mới của trường tiểu học Trần Thị Bưởi. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Đến 19h mới bầu ra 9 người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh mới để điều hành cuộc họp cùng toàn thể phụ huynh đối thoại với hiệu trưởng nhà trường về những bức xúc liên quan đến bữa ăn bán trú.

Một phụ huynh phát biểu: “Việc đưa thực phẩm bẩn vào nhà trường thời gian qua thì Ban giám hiệu, cô Hiệu trưởng có biết hay không? Hướng xử lý thế nào?”.

Trước câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Thị Bưởi nói: “Tất cả mọi hoạt động của nhà trường từ hợp đồng phục vụ căn tin cho đến bếp ăn là nhà trường đều biết. Tất cả đều có hồ sơ, giấy tờ chứng minh rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Thị Bưởi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Thị Bưởi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tất cả mọi vấn đề mà quý phụ huynh đặt ra, chúng ta sẽ nhờ cơ quan chức năng xác minh. Cá nhân nào vi phạm người đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Bắt đầu từ tuần sau, UBND quận 9 sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tất cả các vấn đề liên quan đến ý kiến của quý phụ huynh. Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, nhà trường sẽ công khai toàn bộ đến quý phụ huynh”.

Liên quan đến việc giáo viên chủ nhiệm thông báo với phụ huynh của lớp là đơn vị cung cấp suất ăn - Công ty Nidsan sẽ chấm dứt hợp đồng cung cấp suất ăn với trường Trần Thị Bưởi từ ngày 6/11, một phụ huynh cho rằng: “Đề nghị Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh cũ chịu trách nhiệm trước toàn thể phụ huynh của trường”.

Trả lời về câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Thị Bưởi cho hay: “Theo điều khoản hợp đồng ký với Công ty Nidsan là từ ngày 1/9 đến 31/5. Nhưng tại các cuộc họp vừa qua, chính quý phụ huynh đã đề nghị Công ty Nidsan không nấu ăn cho trường nữa và trong thời gian chưa tìm được công ty cung cấp suất ăn mới nhờ Công ty Nidsan tiếp tục cung cấp suất ăn cho đến thứ 6 (ngày 6/11), điều này đã được ghi lại trong biên bản cuộc họp. Chính vì vậy, ngày hôm nay chúng tôi vừa công khai văn bản vừa đề nghị và hỏi ý kiến của quý phụ huynh về vấn đề này, nên làm như thế nào và sẽ lấy theo ý kiến số đông”.

Đến 20 giờ buổi làm việc mới kết thúc, nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chung giữa phụ huynh và nhà trường về bữa ăn bán trú cũng như các khoản thu chi.

Trong suốt buổi làm việc, lực lượng công an, dân phòng địa phương túc trực phía ngoài cổng trường để đảm bảo an ninh trật tự.

Kiểm tra toàn diện nhà trường

Dù không tham dự cuộc họp bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh mới, nhưng ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND quận 9 cũng có mặt tại Trường để nắm tình hình. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Cường cho biết: “Theo quy định trách nhiệm bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh mới phải do Ban đại diện cha mẹ học sinh cũ thực hiện. Sau khi có Ban đại diện cha mẹ học sinh mới thì những người trong Ban đại diện cũ mới bàn giao công việc, sổ sách và từ nhiệm”.

Phó Chủ tịch UBND quận 9 cũng cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, quận đã chỉ đạo nhà trường đổi nhà cung cấp thực phẩm và gia vị của những đơn vị uy tín. Đồng thời, yêu cầu thức ăn bán trú phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bữa ăn phải đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với học sinh tiểu học. Nhà trường công khai khẩu phần ăn hàng ngày bằng hình ảnh gửi cho phụ huynh học sinh và có thông báo thực đơn tại trường để phụ huynh theo dõi.

Liên quan đến việc Công ty Nidsan xin rút, không thực hiện nấu ăn cho trường, ông Cường nói: “Trong quá trình chờ tìm nhà bếp mới thì đơn vị hiện tại tiếp tục làm, dưới sự giám sát của trường và phụ huynh để đảm bảo bữa ăn cho học sinh. Làm gì thì làm, không được ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh.

Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bàn bạc xem xét về việc thay đổi đơn vị nấu ăn, tổ chức đấu thầu công khai đơn vị nấu ăn mới, ký hợp đồng nấu ăn giữa ba bên (nhà trường, cha mẹ học sinh và đơn vị nấu ăn) đảm bảo tăng cường giám sát để các cháu học sinh có khẩu phần ăn tốt nhất.

Mặt khác, yêu cầu nhà trường thực hiện gắn camera trong khu vực nhà bếp, nhà ăn giám sát từ khâu nhập liệu đến khâu chế biến và phân chia khẩu phần ăn cho các cháu (bằng nguồn huy động xã hội hóa); đổi nước uống hiện tại sang loại uống nước tốt hơn cho học sinh. Riêng về các khoản thu hộ - chi hộ, nhà trường cần minh bạch cụ thể từng nguồn thu để phụ huynh giám sát”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, UBND quận thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn diện đối với nhà trường về công tác bán trú, tinh thần thái độ của cán bộ, viên chức nhà trường, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan và trách nhiệm của nhà cung cấp thức ăn để xử lý trách nhiệm theo quy định; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử học sinh trong nhà trường.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vu-bua-an-kem-chat-luong-se-kiem-tra-toan-dien-truong-tran-thi-buoi-d277280.html