| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 27/04/2025 - 04:07

Tâm sự Dạ Hương

Vợ lo chuyện bao đồng, chê chồng ích kỉ

Chủ Nhật 03/07/2022 - 15:54

Có một cái thói mà cô biết, Bắc Trung hay Nam đều có không ít người nhiễm, là thói ỷ lại, thói nhìn vào túi người khác.

Kính thưa cô, Có đôi lần trên trang TVGĐ này, cháu đọc thấy những lá thư phàn nàn về thói ỷ lại của người mình. Cháu rất lấy làm tâm đắc. Khi ấy cháu nghĩ sao những người có tiền dễ bị tróc nã thế. Hoặc là người nghèo hay giở giọng côn đồ nếu không được đáp ứng yêu cầu, sao kỳ quặc thế?

Đến hôm nay thì việc ấy áp sát vào nhà cháu và cháu thấy khó xử nên mới viết cho cô đây. Nhà vợ của cháu rất đoàn kết giúp nhau. Gia tộc cháu ở Bắc nên việc giúp nhau bằng tiền có vẻ chặt chẽ hơn, do văn hóa giữ gìn danh dự, tính kiêu ngạo trước tiền không phải của mình.

Trong Nam đây cháu thấy con người hào sảng, hào hiệp thật. Trong năm anh chị em của mẹ vợ cháu, ba mẹ vợ cháu ổn định, tươi sáng nhất. Có lẽ do đi làm viên chức chứ không gắn bó nông nghiệp như mấy người kia. Hai ông bà đã từng đưa cháu lên ăn ở học hành trên thị xã đây, rất tận tâm và tốn kém. Có người mang ơn bằng báo ơn, có người cũng bạc, ít lui tới, nhưng hai ông bà không để bụng. Đến khi ông bà về hưu và già thì anh chị em của bà cũng già yếu bệnh tật. Lại đưa lên khám chữa bệnh, tận tâm và tốn kém. Nhà rộng, vợ cháu thấy mẹ vui thôi thì cũng không ý kiến ý cò chi. Đó là nếp nhà, cô ấy giải thích thế.

Có bà chị cả, trong đây gọi là chị Hai góa sớm, một mình nuôi con, vì thế mà gia tộc chị ấy chật vật hơn mọi người. Vợ cháu cũng thương người dì này nhiều hơn những người kia. Rồi như thể được nước cô ơi. Cháu nội của dì ấy sẽ cưới vợ. Không hiểu từ đâu có chủ trương là mẹ vợ cháu phải đứng ra huy động cho các gia đình đóng góp, không thì con trai của dì phải đi hỏi nợ để cưới vợ cho con. Đến lúc này thì cháu phải lên tiếng với vợ, xem chừng, cho quen rồi, viện trợ mãi rồi, giờ làm ngơ hay “dứt sữa” thì thế này thế khác.

Lý ra ý kiến của cháu phải được lắng nghe nhưng vợ cháu lại quay ra chỉ trích chồng, không hòa nhập, bo bo tiền riêng mình, ai chứ đây không để con dì ấy đi hỏi nợ đâu. Thì ra là phân biệt Bắc khác Nam khác, cô nhỉ? To chuyện rồi đây, không phải vì việc tiền mà vì cháu thấy bị xúc phạm.

Cháu thân mến!

Cô có 15 năm sống ở Bắc cô biết ít nhiều văn hóa, phong tục, nếp nhà, nết ăn nết ở. Cô làm dâu Nghệ Tĩnh, đất cố kết dòng họ cộng đồng không đâu bằng. Và cô cũng có thấy miền Nam hào sảng, hào phóng. Thật ra, các gia tộc dù Bắc hay Nam không hoàn toàn giống nhau ở cưu mang, giúp đỡ. Cô không thấy khác. Dĩ nhiên người Bắc kỹ với tiền do làm ăn khó hơn, thời tiết khắc nghiệt nên mỗi gia đình đều lo cho mình, dành dụm tích lũy kỹ hơn. Miền Trung như cô nói, gia tộc chồng của cô, thôi rồi, lúc nào cũng nhìn vào việc nhà nhau để nói, để phán, và để giúp đỡ.

Có một cái thói mà cô biết, Bắc Trung hay Nam đều có không ít người nhiễm, là thói ỷ lại, thói nhìn vào túi người khác. Ấy là căn tính xấu, của người nghèo xứ chúng ta, gọi là ăn vạ. Tôi nghèo, tôi đã gánh cái sự ít phúc của gia tộc ta, tôi chịu thiệt vì cái lẽ tâm linh quy luật ấy. Và cứ thế hong hóng bà con ruột rà giúp đỡ. Vậy nên họ có bao giờ khá, vì người ta giúp được là bao nếu mình không tự vươn lên, đứng trên đôi chân chính mình.

Cô lấy làm lạ là vợ cháu lý ra phải ngăn mẹ đừng dính vào vụ cưới vợ của cháu nội người dì ấy. Là cháu của dì kia mà, đã xa mấy bậc rồi. Vả lại thời nay cưới xin bày vẽ thấy sợ mà phàm là ai cưới dâu mà chẳng cháy túi hoặc phải hỏi vay hỏi mượn trước khi tiệc tùng xong (sẽ có một khoản tiền mừng dôi dư ra để bù đắp lại, thông thường là vậy).

Dân gian có câu làm nhà và cưới vợ là tiền phát sinh, vì mình cưới vợ cho con là nhà mình thêm người, mình khoản đãi bà con nỗi mừng vui ấy. Nếu nợ nần tí chút, cũng hề chi. Lý ra chuyện chỉ nên nhỏ to giữa mẹ vợ cháu và vợ cháu. Có dư không, cho con trai dì ấy mượn và sau đám sẽ hoàn lại. Đơn giản vậy. Cớ gì phải đứng ra làm một cuộc quyên góp, làm như dì ấy bệnh nặng hay vỡ nợ không bằng. Thật vô lý.

Việc này nằm ở phạm vi tình thương của các người lớn tuổi hàng mẹ vợ cháu, không dây đến con cái họ. Ai giúp được gì thì cứ tự nguyện, không thành một cuộc vận động chi cả. Thôi, nén tức, rồi vợ chồng phải làm lành, chả lẽ vì chuyện kỳ khôi ấy mà giận đến mức đổ sông đổ biển hết mọi thứ đã có? 

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vo-lo-chuyen-bao-dong-che-chong-ich-ki-d326675.html