| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 14:43

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Việt Nam-Trung Quốc hợp tác hiệu quả về bảo tồn thiên nhiên

Thứ Sáu 23/05/2025 - 14:38

Đây là nội dung trao đổi giữa Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Quốc Trị trong buổi làm việc với ông Lưu Đào, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) sáng 23/5.

Cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước

Tại buổi trao đổi, ông Lưu Đào cho biết, kể từ khi lãnh đạo đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Việt Nam 4 lần. Điều này cho thấy Trung Quốc rất coi trọng quan hệ đối ngoại với Việt Nam.

Theo ông Lưu, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và nhằm cụ thể hóa các kết luận chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Đoàn công tác tỉnh Thanh Hải sang Việt Nam lần này với ba mục tiêu chính: 

Trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ về chính sách quản lý và các chương trình bảo tồn động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các giải pháp bảo vệ các loài nguy cấp và phát triển sinh cảnh tự nhiên; Học hỏi về quá trình quy hoạch, xây dựng và vận hành các công viên quốc gia tại Việt Nam, bao gồm mô hình quản lý bền vững, vai trò của cộng đồng địa phương, và các sáng kiến du lịch sinh thái nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế; Tăng cường, mở rộng cơ hội hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các dự án bảo tồn xuyên biên giới, nghiên cứu khoa học về sinh thái và trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Ông Lưu Đào cũng cho biết, tỉnh Thanh Hải là nơi khởi nguồn của ba dòng sông lớn: Hoàng Hà, Trường Giang và Lan Thương. Khi chảy ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc và qua các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sông Lan Thương được biết đến với tên gọi sông Mekong.

Thứ trưởng NN-MT Nguyễn Quốc Trị với ông Lưu Đào, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) trao đổi tại cuộc gặp gỡ sáng 23/5. Ảnh: Minh Hạnh. 

Thứ trưởng NN-MT Nguyễn Quốc Trị với ông Lưu Đào, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) trao đổi tại cuộc gặp gỡ sáng 23/5. Ảnh: Minh Hạnh. 

Theo đó, trong nỗ lực hợp tác xuyên biên giới để bảo tồn đa dạng sinh học tại các lưu vực sông, địa phương đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, bao gồm cấm hoàn toàn khai thác khoáng sản, phát triển công nghiệp, đóng cửa các đập thủy điện cũ ở thượng nguồn.

Ông Lưu Đào cũng nhấn mạnh, Trung Quốc rất coi trọng việc giữ gìn các khu bảo tồn thiên nhiên tại tỉnh Thanh Hải. Đây là những hoạt động đóng góp cho chuyển dịch xanh của đất nước, vừa góp phần vào nỗ lực giảm phát thải chung trên toàn cầu.

Tại tỉnh Thanh Hải, địa phương đang tận dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, bao gồm hệ thống quan trắc từ trời và mặt đất, ứng dụng AI trong giám sát hệ sinh thái, đồng thời xây dựng quy chế, pháp luật và tăng cường giáo dục nhận thức cho người dân. Đặc biệt, tỉnh cũng hướng đến việc chỉ đạo chuyển đổi sinh kế cho các nhóm cộng đồng sống gần khu bảo tồn, hỗ trợ họ từ bỏ canh tác, chăn nuôi gây hại sang tham gia trực tiếp vào bảo vệ thiên nhiên.

Tăng cường hợp tác xuyên biên giới vì mục tiêu bảo tồn chung

Ghi nhận những ý kiến chia sẻ trên, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp và hợp tác trong các hoạt động xuyên biên giới, đặc biệt tại các khu vực ranh giới giáp ranh và ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường ngày càng phát triển, đặc biệt trong bảo tồn động – thực vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Minh Hạnh.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Minh Hạnh.

Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý toàn diện về bảo tồn đa dạng sinh học, nổi bật là Luật Đa dạng sinh học với các quy định quản lý loài nguy cấp, quý hiếm. Các quy định này được cụ thể hóa qua Nghị định 160/2013/NĐ-CP cùng các luật chuyên ngành như Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Ngoài hệ thống pháp luật, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động quan trọng như Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, chương trình bảo tồn loài nguy cấp đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050, và các kế hoạch chuyên biệt cho các loài như hổ, voi, linh trưởng, rùa. Các chương trình này đề ra các giải pháp như điều tra, giám sát loài, bảo vệ sinh cảnh, nhân nuôi tái thả, kiểm soát các mối đe dọa, nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế, truyền thông, huy động cộng đồng.

Đặc biệt, ngày 8/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, đặt mục tiêu mở rộng hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên lên khoảng 6,6 triệu ha, thành lập thêm 61 khu bảo tồn mới, xây dựng hệ thống hành lang đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước và khu vực đa dạng sinh học cao trên toàn quốc.

Việt Nam cũng đẩy mạnh các mô hình quản lý bền vững và phát triển du lịch sinh thái nhằm cân bằng bảo tồn và phát triển kinh tế. Nhiều địa phương triển khai mô hình rừng cộng đồng, sân chim, vườn chim kết hợp du lịch sinh thái, góp phần nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng tham gia bảo vệ thiên nhiên.

Ông Lưu Đào - Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: Minh Hạnh. 

Ông Lưu Đào - Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: Minh Hạnh. 

Để tăng cường nỗ lực chung nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái, Việt Nam xuất bày tỏ mong muốn chia sẻ và hợp tác với tỉnh Thanh Hải trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nội dung hợp tác bao gồm việc hình thành và quản lý các hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững, đặc biệt trong các khu vực hành lang đa dạng sinh học.

Đồng thời, hai bên nhất trí tăng cường, mở rộng cơ hội hợp tác trong các dự án bảo tồn xuyên biên giới, xem xét khả năng hợp tác khu vực nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với các khu vực nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia, cũng như đẩy mạnh hoạt động bảo tồn tại các vùng biên giới tiếp giáp giữa hai quốc gia.

Về giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề xuất tổ chức hội thảo và chương trình giao lưu thanh niên về bảo vệ môi trường; hợp tác xây dựng tài liệu và triển khai chiến dịch truyền thông nhằm bảo vệ thiên nhiên vùng núi; tổ chức các chương trình trao đổi nghiên cứu về bảo tồn động thực vật.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi và tăng cường hợp tác để hình thành và mở rộng các hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới, qua đó hiện thực hóa mục tiêu chung về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/viet-nam-trung-quoc-hop-tac-hieu-qua-ve-bao-ton-thien-nhien-d754661.html