Thứ bảy 19/04/2025 - 22:17
Thị trường
Việt Nam là cửa ngõ chiến lược trong ngành thực phẩm Halal
Thứ Năm 17/04/2025 - 13:07
Việt Nam được xem như một trong những cửa ngõ để tiến vào thị trường Halal khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới.
- Xây dựng hệ sinh thái Halal để phát triển thị trường
- Tận dụng lợi thế, nâng tầm thực phẩm Việt trên thị trường Halal
- Vinamilk: 'Logo Halal' trên hộp sữa là lời cam kết với người tiêu dùng
- Đánh giá rủi ro trước khi mở rộng thị trường Halal

Nền kinh tế Halal nổi lên như một trụ cột quan trọng của kinh tế thế giới. Ảnh: ISA Halal.
Cơ hội lớn để Việt Nam tham gia thị trường quy mô 12.000 tỷ USD
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững” lần thứ nhất với chủ đề năm 2025 “Phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam”.
Hội thảo đã quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao, giới doanh nhân đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các bộ ban ngành, đại sứ quán, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Halal.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại cho biết, xét về quy mô, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng trong tương lai, đây là thị trường có tiềm năng rất lớn.
Hiện có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới, trong đó tập trung số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng, Việt Nam đang nổi lên như là một ngôi sao kinh tế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có nhiều điều kiện để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Linh Linh.
“Cơ hội để Việt Nam tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn khi không chỉ đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và thu hút đầu tư tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal”, đại diện trường Đại học Thương mại nhận định.
Cửa ngõ chiến lược trong ngành thực phẩm Halal
Theo Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Ali Akbar Nazari, một trong những phân khúc quan trọng nhất của nền kinh tế Halal là ngành thực phẩm, chiếm khoảng 65% tổng thương mại Halal.
Năm 2023, lĩnh vực này đã tạo ra 2.300 tỷ USD doanh thu và dự kiến sẽ đạt tới 5.300 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10,5%. Ngoài ra, thực phẩm Halal được kỳ vọng sẽ chiếm 20% tổng thương mại thực phẩm toàn cầu trong tương lai gần.
“Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm Halal trên toàn cầu mang lại những cơ hội hợp tác chưa từng có”, Đại sứ Ali Akbar Nazari nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Iran và Việt Nam trong thị trường Halal là rất lớn.

Đại sứ Ali Akbar Nazari cho rằng thực phẩm là một trong những phân khúc quan trọng nhất của nền kinh tế Halal. Ảnh: Linh Linh.
Chia sẻ thêm về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, đóng vai trò trung tâm trong thị trường năng động này, tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu, Đại sứ Akbar Nazari nhấn mạnh vị trí chiến lược của Việt Nam như một cửa ngõ quan trọng vào thị trường rộng lớn này. Hơn nữa, với khát vọng mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal, đặc biệt sang khu vực Tây Á, Việt Nam có thể xem Iran là cầu nối tự nhiên, là một đối tác lý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đó.
“Iran có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và hệ thống pháp lý trong ngành Halal. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như thiết lập quy trình chứng nhận Halal, tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo chuyên đề. Bằng cách chia sẻ kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành, chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ thống Halal vững mạnh, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường toàn cầu”, Đại sứ Ali Akbar Nazari chia sẻ.

Đại sứ Jamale Chouaibi cho biết, Morocco có thể trở thành cầu nối để các sản phẩm Halal của Việt Nam tiến vào các thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Ảnh: Linh Linh.
Cùng chia sẻ với phía Iran, Đại sứ Vương quốc Morocco tại Việt Nam, ông Jamale Chouaibi đề xuất 2 bên có thể thúc đẩy hợp tác trong trao đổi kiến thức chuyên môn. Hợp tác kỹ thuật giữa 2 bên có thể tập trung vào xây dựng hạ tầng phục vụ chứng nhận Halal như phòng thí nghiệm, hệ thống đánh giá kiểm định, cũng như việc điều chỉnh tiêu chuẩn Halal theo chuẩn quốc tế.
Về tiếp cận thị trường, Morocco có thể trở thành cầu nối để các sản phẩm Halal của Việt Nam tiến vào các thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể hỗ trợ đưa sản phẩm Morocco tới gần hơn với người tiêu dùng Đông Nam Á.
“Ngoài ra, hợp tác Morocco - Việt Nam có thể được chính thức hóa thông qua các thỏa thuận và bản ghi nhớ (MoU) nhằm hài hòa tiêu chuẩn và đơn giản hóa quy trình chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường”, Đại sứ Jamale Chouaibi nhấn mạnh.
Nền kinh tế Halal nổi lên như một trụ cột quan trọng của kinh tế thế giới, vượt xa phạm vi của cộng đồng Hồi giáo để trở thành một lực lượng mang tính toàn cầu. Hiện, quy mô thị trường Halal đạt khoảng 8.000 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 12.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/viet-nam-la-cua-ngo-chien-luoc-trong-nganh-thuc-pham-halal-d748726.html