| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 26/04/2025 - 15:01

Điểm nóng

Vì sao tập đoàn dầu khí Trung Quốc tạm dừng dự án ở Nga?

Thứ Bảy 26/03/2022 - 15:46

Tập đoàn lọc hóa dầu Sinopec của Trung Quốc tuyên bố tạm dừng đàm phán đầu tư một liên doanh khí đốt ở Nga, động thái được cho là né trừng phạt từ phương Tây.

Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc tuyên bố tạm dừng các cuộc đàm phán đầu tư lớn vào nhà máy hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt với Nga. Ảnh: Examiner

Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc tuyên bố tạm dừng các cuộc đàm phán đầu tư lớn vào nhà máy hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt với Nga. Ảnh: Examiner

Động thái mới nhất của Bắc Kinh được loan đi trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu tiếp tục gia tăng áp lực đối với Nga, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo đó tập đoàn lọc hóa dầu thuộc nhà nước Trung Quốc và lớn nhất châu Á đã quyết định dừng các khoản đầu tư dự kiến lên tới nửa tỷ đô la vào một nhà máy liên doanh tiếp thị khí đốt của Nga đặt tại Trung Quốc, nhằm tránh né những rủi ro liên đới.

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga- Ukraine, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga, đồng thời từ chối lên án hành động của Moscow ở Ukraine hay gọi đó là một cuộc xâm lược.

Tuy nhiên theo giới quan sát, ở phía sau hậu trường, chính phủ đang cảnh báo các công ty Trung Quốc đang cố tránh các lệnh trừng phạt, buộc các công ty phải thận trọng đầu tư vào Nga, nước cung cấp dầu lớn thứ hai và khí đốt lớn thứ ba thế giới.

Kể từ khi Nga tấn công quân sự Ukraine cách nay một tháng, ba gã khổng lồ năng lượng nhà nước của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vẫn đang đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt đối với các khoản đầu tư nhiều tỷ USD của họ vào Nga.

"Các doanh nghiệp nhất định sẽ phải tuân theo chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng này và ‘không có chỗ cho việc thực hiện bất kỳ sáng kiến ​​nào’ về các khoản đầu tư mới", một giám đốc điều hành tại một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tháng này đã triệu tập các quan chức từ ba công ty năng lượng nói trên để đánh giá lại các hoạt động kinh doanh của họ với các đối tác Nga cũng như các hoạt động địa phương. Một nguồn tin tiết lộ, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu họ không thực hiện bất kỳ động thái hấp tấp nào khi mua lại tài sản của Nga.

Trong khi đó, các công ty đều đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm về các vấn đề liên quan đến Nga và đang lên các phương án dự phòng cho sự gián đoạn kinh doanh và thậm chí trong cả trường hợp phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp, nguồn tin giấu tên cho biết vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Bộ Ngoại giao nói Trung Quốc không cần thiết phải báo cáo với các bên khác về việc “có các cuộc họp nội bộ hay không”. "Trung Quốc là một quốc gia lớn, độc lập. Chúng tôi có quyền thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trong các lĩnh vực khác nhau với các quốc gia khác trên thế giới", Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố gửi qua fax.

Vào hôm thứ Năm (24/3), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: Trung Quốc biết rõ tương lai kinh tế của họ gắn liền với phương Tây, sau khi cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “Bắc Kinh có thể sẽ hối tiếc khi đứng về phía Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Trước đó các công ty dầu khí toàn cầu Shell và BP hay Equinor của Na Uy đã cam kết sẽ rút khỏi các hoạt động của họ ở Nga ngay sau khi nổ ra xung đột vào ngày 24 tháng 2.

Theo một nguồn tin, hiện Sinopec cũng đã tạm đình các cuộc đàm phán đầu tư lên tới 500 triệu USD vào nhà máy khí hóa lỏng mới ở Nga. Kế hoạch này được hợp tác giữa Sibur (nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất Nga) và Sinopec cho một dự án tương tự như Tổ hợp hóa chất khí Amur trị giá 10 tỉ USD ở Đông Siberia, do Sinopec sở hữu 40% và Sibur sở hữu 60%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Nguồn tin cho biết, Sinopec đã tạm dừng đàm phán đầu tư sau khi nhận ra một cổ đông thiểu số của Sibur và thành viên hội đồng quản trị, Gennady Timchenko đã nằm trong danh sách bị phương Tây trừng phạt. Số là vào tháng Hai, liên minh châu Âu và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Timchenko, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và nhiều tỷ phú khác có quan hệ với ông Putin.

Người phát ngôn của ông Timchenko (nhân vật đã tuyên bố từ chức hội đồng quản trị của Novatek vào thứ Hai sau các lệnh trừng phạt) từ chối bình luận về các lệnh trừng phạt.

Được biết bản thân dự án Amur hiện cũng đang đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn vì các lệnh trừng phạt đe dọa làm nghẹt nguồn tài chính từ các tổ chức cho vay lớn, bao gồm ngân hàng Sberbank do nhà nước Nga kiểm soát cũng như các cơ quan tín dụng châu Âu

Trong khi đó, Sibur cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với Sinopec bao gồm cả hợp tác triển khai xây dựng nhà máy Amur ở Đông Siberia.

"Sinopec đang tích cực tham gia vào các vấn đề quản lý xây dựng của dự án, bao gồm cung cấp thiết bị, làm việc với các nhà cung cấp và nhà thầu", đại diện Sibur cho biết.

Giới thạo tin cho biết, hiện Sinopec cũng tạm dừng các cuộc đàm phán về liên doanh tiếp thị khí đốt với nhà sản xuất khí đốt Nga Novatek (NVTK.MM) vì lo ngại rằng ngân hàng Sberbank, một trong những cổ đông của Novatek, cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ.

Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã ký một thỏa thuận sơ bộ vào năm 2019 với Sinopec và Gazprombank để tạo ra một liên doanh tiếp thị khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Trung Quốc cũng như phân phối khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc.

Ngoài nhà máy Amur đã được lên kế hoạch của Sinopec, CNPC và CNOOC là một trong những nhà đầu tư mới nhất vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm cổ phần thiểu số trong dự án xuất khẩu lớn Arctic LNG 2 vào năm 2019 và Yamal LNG vào năm 2014.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vi-sao-tap-doan-dau-khi-trung-quoc-tam-dung-du-an-o-nga-d319013.html