| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 18/05/2025 - 10:36

Thủy sản

Vì sao Hải Phòng dừng xây dựng nghị quyết hỗ trợ giải bản tàu cá?

Chủ Nhật 18/05/2025 - 10:33

Hải Phòng đã dừng thực hiện xây dựng nghị quyết hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản để xây dựng chính sách mới phù hợp hơn.

Tàu cá hoạt động ở vùng lộng cập bến tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Tàu cá hoạt động ở vùng lộng cập bến tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Đầu năm 2025, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đã quyết định cho dừng thực hiện xây dựng Nghị quyết hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân trên địa bàn.

Thay vào đó, các đơn vị chuyên môn liên quan được giao tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn giai đoạn 2026-2030 đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, năm 2024, Thường trực HĐND thành phố ban hành quyết định số 17 về việc chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân thành phố đến năm 2030.

Dự thảo Nghị quyết gồm 2 chính sách, trong đó có hỗ trợ giải bản tàu cá để cắt giảm số lượng tàu hoạt động và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Hồ sơ dự thảo đã được gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan và được Sở Tư pháp thẩm định. Sau đó, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản giao Sở NN-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và bổ sung giải pháp kiểm soát trục lợi chính sách.

Lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư kiểm tra công tác chống khai thác IUU và tặng quà cho ngư dân ở Cảng cá Lập Lễ, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư kiểm tra công tác chống khai thác IUU và tặng quà cho ngư dân ở Cảng cá Lập Lễ, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết không còn phù hợp do những quy định Trung ương và thành phố về khai thác thủy sản, nhất là chống khai thác IUU, đã có nhiều điều chỉnh.

Thứ nhất, căn cứ Thông tư 06 ngày 6/5/2024 của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) sửa đổi, bổ sung về đăng kiểm tàu cá, UBND thành phố Hải Phòng đã công bố danh sách tàu cá chưa đủ hồ sơ (tàu “3 không”) hoạt động trước 6/5/2024. Sở NN-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã hoàn tất việc đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho những tàu này trên hệ thống quốc gia. Theo đó, những tàu cá dự kiến hỗ trợ theo nghị quyết về giải bản tàu cá lúc này lại thành đối tượng đáp ứng điều kiện để hoạt động.

Thứ hai, về hạn ngạch giấy phép khai thác, UBND thành phố Hải Phòng đã có quyết định bổ sung, sửa đổi hạn ngạch, nâng tổng số giấy phép vùng ven bờ lên 541, dành cho tàu “3 không”, nhiều tàu cá không còn thuộc diện giải bản. Theo văn bản mới nhất của UBND thành phố, tổng hạn ngạch đến năm 2027 là 967 giấy phép, bao gồm cả vùng ven bờ và vùng lộng, thay cho quyết định số 3871 được UBND thành phố ban hành ngày 18/11/2022 (chỉ phân bổ 398 giấy phép vùng ven bờ và 426 giấy phép vùng lộng).

Thứ ba, trong quá trình quyết liệt triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, các chủ tàu cá hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng không đủ điều kiện đã tự phá dỡ, chuyển sang hoạt động nghề phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc bán tàu cá sang các tỉnh khác. Với những trường hợp các tàu cá có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề theo dự thảo Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã được chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép theo đúng nghề hoạt động đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Chính sách hỗ trợ mới đang được hoàn thiện sẽ khắc phục được những hạn chế của Nghị quyết 15 và một số chính sách cũ khác, hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Chính sách hỗ trợ mới đang được hoàn thiện sẽ khắc phục được những hạn chế của Nghị quyết 15 và một số chính sách cũ khác, hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, số lượng tàu cá hoạt động thực tế đã giảm đáng kể so với dự kiến trong nghị quyết, chỉ còn 405/541 tàu vùng ven bờ và 161/426 tàu vùng lộng. Trên thực tế, số tàu và cường lực khai thác vùng ven bờ đã giảm như vậy là phù hợp với định hướng bảo vệ cũng như phát triển nguồn lợi theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 208 ngày 10/3/2023, về việc “Phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái”.

Cuối cùng, qua tham khảo thông tin từ các địa phương có hoạt động khai thác thủy sản, đến nay trên toàn quốc chưa có địa phương nào ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổng kết, đánh giá các nghị quyết về hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn qua để tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành chính sách mới trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn. Chính sách mới sẽ toàn diện hơn, bao gồm một số nội dung còn phù hợp của Nghị quyết số 15 và các chính sách hỗ trợ khác.

“Chúng tôi đang tổng hợp, xin ý kiến và sẽ đánh giá các nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp trước đây để đề xuất nghị quyết mới giai đoạn 2026-2030. Những nội dung phù hợp trong dự thảo nghị quyết hỗ trợ ngư dân Hải Phòng sẽ được tích hợp vào nghị quyết mới, dự kiến ban hành năm 2026. Điều này đảm bảo chính sách hỗ trợ sát thực tiễn, hiệu quả và bền vững hơn”, ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, cho hay.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vi-sao-hai-phong-dung-xay-dung-nghi-quyet-ho-tro-giai-ban-tau-ca-d742616.html