Thứ bảy 24/05/2025 - 19:25
Kinh tế
Vì sao cá basa thất sủng?
Thứ Tư 16/12/2009 - 09:57
Con cá basa từng mang về bạc tỉ cho ngư dân làng Châu Đốc (An Giang). Nhưng không ngờ giờ đây con cá quý này đang dần dần thất sủng.
Con cá basa từng mang về bạc tỉ cho ngư dân làng Châu Đốc (An Giang). Để tri ân nó và để người đời nhớ đến danh tiếng làng bè Châu Đốc, người ta đã dựng lên biểu tượng con cá basa rất đẹp. Nhưng không ngờ con cá quý này đang dần dần thất sủng.
Khởi nghiệp từ cá basa
Ở các huyện Châu Đốc, An Phú, Tân Châu...bây giờ người nuôi cá basa không còn nhiều mà thay vào đó là các loài cá điêu hồng, chim trắng, rô phi để bán chợ. Ông Phạm Điền Thanh, ở làng bè Đa Phước, huyện An Phú từng có 3 nhà bè cá trị giá 1,5 tỉ đồng, nay đã bỏ nghề bộc bạch: “Làng bè này nhiều người giàu là nhờ nuôi cá basa, nhiều người trắng tay cũng vì cá basa. Chuyện thăng trầm của con cá basa kể cả ngày không hết”.
Ông Thanh nhớ lại: Nghề nuôi cá basa trên sông Hậu khởi phát từ thập niên 70 của thế kỷ trước, do Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia đưa về. Hồi đó cá basa được xem là đặc sản của làng bè Châu Đốc, thịt trắng, ngọt mềm, nuôi bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Đến thập niên 80 chất lượng tuyệt hảo của con cá basa lọt vào mắt các chuyên gia người Úc, kỹ thuật chế biến phi lê cá basa xuất khẩu được du nhập vào An Giang. Năm 1988, An Giang có mẻ cá basa phi lê xuất khẩu đầu tiên sang Úc, mở ra nghề nuôi cá basa quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến. Trong giai đoạn này số lượng xuất khẩu basa phi lê của An Giang khoảng 100 tấn/năm. Đầu thập niên 90 khi An Giang xây dựng được 2 NM chế biến cá xuất khẩu thì cá basa phi lê đã được các thị trường Mỹ, châu Âu…nhập rất nhiều, nghề nuôi cá basa phát triển ồ ạt.
Ông Đỗ Văn Nghiệp, GĐ Cty TNHH Thương mại thủy sản AFA, người nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá bè trên sông Hậu, nhớ lại: “Nghề nuôi cá basa phát triển rất nhanh: Năm 1990 toàn tỉnh có chỉ có 560 lồng, bè nuôi cá với sản lượng 2.300 tấn nhưng đến năm 1995 sản lượng cá basa nuôi bè là 20.000 tấn, sản lượng xuất khẩu 5.630 tấn đạt kim ngạch hơn 25 triệu USD”. Năm 1996 các DN ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long nhảy vào thị trường thu mua, chế biến cá basa xuất khẩu, đẩy giá cá nguyên liệu có lúc lên đến 18.000 đồng/kg, cả làng bè đổ xô nuôi cá.
“Lúc đó dân làng bè như ngồi trên đống vàng, tiền xài ngắt khúc. Tui phải tốn 30 cây vàng mới mua được 20.000 con cá basa giống, nuôi một năm bán xong vẫn còn lời 25 cây vàng”- ông Lê văn Sơn, chủ 4 bè cá ở thị trấn An Phú, nhớ lại. Đùng một cái, cuối năm 1996 làng bè lao đao vì khủng hoảng thừa cá basa: 8.000 tấn cá phải bán đổ bán tháo dưới giá thành sản xuất, người nuôi cá chịu lỗ tới 40%. Hàng loạt đại gia lừng lẫy một thời trong nghề nuôi cá basa thời bấy giờ chỉ trong một đêm trở thành kẻ trắng tay, nợ ngập đầu. Cũng từ thời điểm đó con cá basa bắt đầu bị thất sủng để nhường chỗ cho một “ngôi sao” mới: con cá tra.
Cuộc “đảo ngôi” ngoạn mục
Năm 1998 miếng cá tra phi lê đầu tiên được DN An Giang mang đi xuất khẩu. Ông Nghiệp nhớ lại: Lúc ấy, công suất của các NM chế biến cá phi lê của An Giang đạt 7.000 tấn thành phẩm/năm, mỗi năm cần đến 20.000 tấn cá nguyên liệu nhưng cả làng bè hơn 4.000 chiếc, đáp ứng khoảng 18.000 tấn, thiếu hụt 2.000 tấn nguyên liệu do các chủ nhà bè chưa hồi phục sau đợt khủng hoảng thừa cá basa năm 1996. Cũng trong thời gian ấy, con cá tra nuôi trong bè được các DN xẻ phi lê xuất khẩu “thử nghiệm” dưới cái tên cá basa.
Lô hàng đầu thành công, sản lượng lệ phi lê cá tra cứ tăng dần, tăng dần. Lúc này các DN và người nuôi cá lại phát hiện một ưu điểm tuyệt vời của con cá tra: Cá giống rẻ hơn cá basa từ 5 đến 7 lần, chu kỳ nuôi từ 4 đến 6 tháng cho thu hoạch trong khi cá basa mất 12 tháng, cá tra chỉ cần 3 kg nguyên liệu chế biến được 1 kg phi lê. Trong khi cá basa mất 4 kg nguyên liệu mới được 1 kg phi lê, giá thành sản xuất cá tra thấp hơn cá basa bình quân 1USD/kg. Cũng từ năm 1996 con cá tra đã được ngư dân đưa vào nuôi thử nghiệm chung với cá basa trong bè nhưng không ai đặt vấn đề chế biến xuất khẩu.
Khi biết con cá tra bè chế biến phi lê xuất khẩu, cả làng bè An Giang lên cơn sốt nuôi cá tra và chỉ trong thời gian ngắn con cá tra ồ ạt chiếm cứ làng bè, đẩy con cá basa một thời vang bóng ra khỏi “vương quốc cá”. Đến năm 2000 sản lượng cá của An Giang đã đạt 80.000 tấn, chủ yếu là cá tra nuôi bè. Tuy nhiên, thời gian 3 năm đầu của phong trào cá tra nuôi bè thường bị bệnh chết hàng loạt, dân làng bè lỗ nặng.
Ông Điền Thanh nhớ lại: “Trong 3 năm (2000 – 2002), nuôi cá tra bè lời 1,5 tỉ đồng, đến vụ thứ 4 năm 2003 lỗ 1,7 tỉ đồng. Sang 2004, 2005 tiếp tục lỗ hơn 4 tỉ đồng, trắng tay”. Ông Thanh là một trong số hàng trăng ngư dân bỏ con cá basa sang nuôi cá tra trở thành người trắng tay mà còn ôm nợ, có người bỏ xứ ra đi…
“Năm 2003 UBND tỉnh An Giang bỏ ra hơn 1 tỉ đồng dựng tượng tri ân con cá basa ở công viên ngay ngã ba sông Châu Đốc bên sông Hậu, cạnh làng bè. Và gần đây con cá basa không còn xuất hiện trong các NM chế biến xuất khẩu ở An Giang. Các DN không chịu thu mua cá basa với lý do: giá cao hơn cá tra, tỉ lệ phi lê thấp và…nguồn nguyên liệu ít”, ông Hai Nghiệp khẳng định.
Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) nói: Thời cực thịnh An Giang có hơn 4.000 bè nuôi cá nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 2.400 bè, tất cả đều nuôi cá he, cá chài, mè vinh, lóc bông, điêu hồng…không chủ bè nào dám thả nuôi cá tra nữa. Do các NM chế biến xuất khẩu không thể ngừng việc vì thiếu cá nguyên liệu nên con cá tra nuôi hầm bắt đầu làm mưa làm gió. Ở ĐBSCL, trừ Cà Mau, Bạc Liêu còn lại tỉnh nào cũng có quy hoạch nuôi cá tra, nhất là những tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu, đất bãi bồi, cù lao ùn ùn biến thành ao nuôi cá tra.
Những ngư dân vẫn "bám" cá basa
Đến thị trấn An Phú, xã Quốc Thái, xã Phước Hưng của huyện An Phú gặp những ngư dân còn đeo bám con basa. Đó là ông Nguyễn Hồng, người còn giữ được 3 bè cá basa với khoảng 200 tấn cá thương phẩm cùng 2 bè cá giống; ông Hai Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Hưng Thái sở hữu 4 bè với khoảng 200 tấn cá basa thì dẫn tôi ra xem những bè cá đang neo trên sông Hậu. Ông Lộc nói: "Tôi đã gắn bó với con cá basa gần 20 năm. Năm 1999 - 2002 thấy thiên hạ ùn ùn nuôi cá tra bè lời bể tay trong khi con cá basa bị DN chế biến chê ỏng chê eo, tôi quay sang nuôi cá tra bè và…mất trắng hơn 500 triệu. Hoảng hồn vội quay trở lại nghề cá basa, bám trụ cho tới nay". “Nuôi cá basa bán xuất khẩu không được, hà cớ gì phải bám nghề?”- tôi hỏi. Ông Lộc cười: “Cá basa bây giờ không cần bán xuất khẩu, chỉ bán thị trường nội địa đã có lời do cung không đủ cầu”.
Ông Lộc nói hiện nay giá cá basa thương phẩm loại 1kg/con được thương lái cân tại bè là 16.500 đồng/kg, có bao nhiêu cân hết bấy nhiêu. Tuy vậy, điểm bất lợi của con cá basa là nguồn con giống khan hiếm, phải mua từ Campuchia, thời gian nuôi dài gấp đôi cá tra nhưng DN chế biến XK…không thích thu mua vì tỉ lệ phi lê của cá basa thấp, kiếm lãi không nhiều so với chế biến cá tra XK.
Đứng trên làng bè Châu Đốc, An Phú, An Giang dòng sông Hậu vẫn bập bềnh. Anh Văn Hiển, một thổ địa thạo chuyện nuôi cá bè trên sông Hậu, chặc lưỡi: “Thị trường xuất khẩu mấy năm nay chuộng con cá tra hầm, không mặn với cá basa. Năm ngoái trong số 2.400 bè cá chỉ còn khoảng 80 bè nuôi cá basa, năm nay con số này là 50”.
Trước nguy cơ nghề nuôi cá basa bị mai một, Hội Nghề cá Việt Nam và các ngành chức năng An Giang đã bàn chuyện khôi phục làng nghề. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá An Giang nói: Đã đến lúc nên chấm dứt tình trạng mập mờ tên gọi cá tra - basa, trả lại đúng tên của từng loài để có cơ sở khôi phục lại nghề nuôi cá basa trên sông Hậu. Theo ông Khánh, tỉnh An Giang cần xúc tiến xây dựng tên gọi xuất xứ hàng hóa cho cá basa, đồng thời có chính sách hỗ trợ cụ thể cho những chủ bè khôi phục nghề nuôi cá basa trong thời gian đầu.
Ông Đỗ Văn Nghiệp, người khá tâm huyết với chuyện khôi phục nghề nuôi cá basa, nói: “Khó khăn nhất hiện nay các DN chế biến XK không còn mặn mà với cá basa vì lợi nhuận thấp. Nếu khôi phục nghề nuôi cá basa trên diện rộng mà DN không chịu thu mua thì chẳng khác nào Nhà nước lại đẩy người nuôi cá vào cảnh phá sản, nợ nần”. Ngư dân của làng bè Châu Đốc- An Phú như ông Điền, ông Lộc, ông Sơn nói: DN cứ thu mua chế biến cả 2 loại cá tra và basa, sản phẩm ra thị trường sẽ mang 2 tên rạch ròi, không pha trộn, giá cả cụ thể của từng loại để người tiêu dùng lựa chọn thì chuyện khôi phục nghề nuôi cá basa là không khó.
Mỗi khi đứng dưới chân tượng đài tri ân con cá basa nhìn về hướng làng bè Châu Đốc - An Phú dập dềnh sóng nước sông Hậu là mọi người không khỏi chạnh lòng nhớ cái thời vang bóng của con cá basa.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vi-sao-ca-basa-that-sung-d43950.html