| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 19/04/2025 - 15:20

Văn hóa

Vang danh nghề cổ trên hành trình bồi đắp văn hóa Việt

Thứ Bảy 19/04/2025 - 15:19

‘Vang danh nghề cổ’ là bộ sách được Nhà xuất bản Kim Đồng đầu tư công phu, nhằm giúp trẻ em Việt Nam khám phá sức sống văn hóa nước nhà.

Bộ sách 'Vang danh nghề cổ' vừa được xuất bản, dành cho thiếu nhi.

Bộ sách "Vang danh nghề cổ" vừa được xuất bản, dành cho thiếu nhi.

"Vang danh nghề cổ" gồm cả thảy 10 tập sách. Mỗi tập là một lát cắt sống động về lịch sử hình thành phát triển và quy trình độc đáo của từng làng nghề quen thuộc với cộng đồng như, như nghề làm giấy dó, nghề làm gốm, nghề đúc đồng, nghề dệt lụa, nghề làm trống...

So với bộ sách nổi tiếng về đề tài này là “Nghề cổ đất Việt” của nhà nghiên cứu Vũ Từ Trang (1948-2020) thì bộ sách “Vang danh nghề cổ” được viết với văn phong giản dị hơn, và lối kể chuyện phù hợp đối tượng thiếu nhi.

Văn hóa là quyền lực mềm, là sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong thời đại công nghệ phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc giúp trẻ em hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ sách “Vang danh nghề cổ” giống như một nhịp cầu đưa các em nhỏ trở về với những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc một cách sinh động và hấp dẫn.

Những câu chuyện được minh họa bằng những bức tranh sắc màu rực rỡ, bộ sách “Vang danh nghề cổ” mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền nhưng vẫn gần gũi. Đặc biệt, hành trình của cô bé An, nhân vật chính trong mỗi tập, giúp độc giả nhí dễ dàng đồng cảm và học hỏi qua những chuyến đi khám phá khắp mọi miền đất nước.

Trong bộ sách “Vang danh nghề cổ” là một hành trình thú vị, từ “Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa”,  “Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm thời gian”,  “Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc”, “Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi” đến “Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa”, “Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng”, “Thúng chai Phú Mĩ - Vươn khơi bám biển”, “Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm”, “Giấy dó bản Sưng - Vẻ đẹp bình dị”, “Phường đúc Huế - Kiệt tác di sản”.

Lãnh Mỹ A được tỏa sáng trên sân khấu thời trang quốc tế.

Lãnh Mỹ A được tỏa sáng trên sân khấu thời trang quốc tế.

Các nghề cổ nước ta đang được bảo tồn và phát huy, theo nhiều cách khác nhau. Riêng sản phẩm Lãnh Mỹ A đã được nhà tạo mẫu Võ Việt Chung đưa lên sàn diễn thời trang với nhiều thiết kế thu hút giới mộ điệu trong nước và quốc tế.  Lãnh Mỹ A được nhuộm từ nhựa trái mặc nưa, một loại quả dại. Trái mặc nưa khi nghiền ra có mùi thơm đặc trưng, tứa mủ màu xanh, để hồi lâu sẽ ngả sang màu đen. Đó cũng là màu đen tuyền đặc trưng Lãnh Mỹ A mà không một loại màu công nghiệp nào có thể sánh bằng.

Không chỉ là một bộ tranh truyện, “Vang danh nghề cổ” còn có giá trị như bộ công cụ giáo dục trực quan, góp phần giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa làng nghề trong đời sống hiện đại, và góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc. Qua mỗi trang sách, các em nhỏ sẽ hiểu rằng giữ gìn nghề cổ không chỉ là giữ một nghề mưu sinh, mà là bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam.

Ngoài chương trình giao lưu tổ chức chiều 19/4 tại Phố sách Hà Nội, bộ sách “Vang danh nghề cổ” cũng được ra mắt ở nhiều địa phương khác trên cả nước, nhân dịp Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm nay.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vang-danh-nghe-co-tren-hanh-trinh-boi-dap-van-hoa-viet-d749137.html