| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 25/04/2025 - 14:57

Phóng sự

Vài nét về nhà thơ Tú Mỡ

Thứ Ba 17/02/2009 - 14:34

Nhà thơ Tú Mỡ tên thật là gì, vì sao có bút danh là Tú Mỡ. Xin cho biết bài thơ "Khóc người vợ hiền" của ông?

* Nhà thơ Tú Mỡ tên thật là gì, vì sao có bút danh là Tú Mỡ. Xin cho biết bài thơ "Khóc người vợ hiền" của ông?

Hoàng Minh Nguyệt, Quang Bình, Hà Giang

Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh 1900 tại Hà Nội, mất năm 1976. Tú Mỡ thực sự nổi tiếng từ năm 1932. Thơ ông có phong cách trào phúng nhưng cũng có những bài thơ cảm động khi khóc vợ. Sau khi học xong Trung học ông làm thầy phán ở một Sở Tài chính. Bài thơ đầu tiên là bài thơ Thầy phán được đăng trên báo Nam Phong, ký tên là Vô Danh. Không ngờ bài thơ đó năm sau được đăng lại trên báo Tết của hãng Nam Ký nhưng lại ký nhầm tên là Tú Xương vì thấy văn phong giống Tú Xương.

Từ đó ông lấy bút danh là Tú Mỡ mặc dầu ông rất gầy (Màu mỡ vì chưng ra ngọn bút/ Thân hình nên mới ngẳng như que…). Các tác phẩm chính của ông là: Dòng nước ngược (1943); Địch vận diễn ca (1949); Nụ cười kháng chiến (1952); Tấm Cám (1955); Nụ cười chính nghĩa (1958); Đòn bút (1962); Ông và cháu (1970); Thơ Tú Mỡ (1971).

Bài thơ khóc vợ của Tú Mỡ thật là cảm động: “Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!/ Té ra bà đã qua đời, thực ư?/Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác/ Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao/ Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào/ Nào đâu bóng dáng ra vào hôm nao/ Đâu bóng dáng con người thùy mị/Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi/ Vẫn còn khỏe mạnh, vui tươi/ Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh/ Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ/ Một cô nào thiếu nữ thanh tân/ Vậy mà cái chết bất thần/ Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!/

Kể từ thuở đôi ta kết tóc/ Thấm thoát gần năm chục năm qua/ Thủy chung chồng thuận vợ hòa/ Gia đình hạnh phúc thật là ấm êm/ Tôi được bà vợ hiền thuần thục/ Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu/ Đôi ta cùng một cảnh nghèo/ Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền/ Nhớ khi giường bệnh đã nằm/Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng: "Tôi mà chết thì ông sẽ khổ/ Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta/ Xưa nay con cái nuôi cha/ Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông".

Bà ơi, hãy dầu lòng yên dạ/ Giấc nghìn thu cho thoả vong hồn/ Bà đi, đã có dâu con/ Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già/ Tôi có khổ, âu là chỉ khổ/ Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh/ Khổ khi thức giấc tàn canh/ Bên giường trống trải một mình nằm trơ/ Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước/ Pha ấm trà chén nước mời nhau/ Giờ tôi chẳng thấy bà đâu/ Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi.../

Khổ những lúc ra sân mê tỉnh/ Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang/ Mà bà khuất núi cho đang/ Quả cau tươi, lá trầu vàng ai xơi?/ Khổ trông thấy cái cơi còn đó/ Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau/ Ba thước đất đã vùi sâu/ Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi/ Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng/ Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu/ Không ngờ con tạo cơ cầu/ Bà đi, để tủi để sầu cho tôi/ Ôi! Duyên nợ thế thôi là hết/Năm mươi năm thắm thiết yêu nhau/ Bà về trước, tôi về sau/ Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui/ Bà đi rồi nhưng tôi phải ở/ Công việc đời còn dở tí thôi/ Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi/ Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...”. 

* Trâu nhà của nước ta có giống với trâu của các nước khác và trâu rừng hay không?

Bùi Đắc Xuân, Nho Quan, Ninh Bình

Trâu nhà của Việt Nam có tên khoa học là Bubalus bubalis bubalis. Cùng với chi Bubalus này có các loài phụ khác là Bubalus bubalis carabanesis. Trâu rừng còn gặp ở Tây Nguyên và một số nước Đông Nam Á, Nam Á có tên khoa học là Bubalus bubalis arnee. Thuộc chi Bubalus còn có mấy loài nữa với các tên khoa học là Bubalus depressicornis, Bubalus quarlesi, Bubalus mindorensis, Bubalus cebuensis. Một số nhà động vật học lại cho rằng chỉ có hai loài là trâu nước châu Á và trâu rừng châu Á mà thôi. Một số trâu ở châu Phi thuộc chi khác - chi Synceros, loài thường gặp có tên khoa học là Synceros caffer.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vai-net-ve-nha-tho-tu-mo-d28578.html