| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 20/05/2025 - 10:48

Trồng trọt

Vải Hải Dương được mùa, bắt đầu vào vụ thu hoạch

Thứ Ba 20/05/2025 - 10:43

Công tác chuẩn bị thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải tại huyện Thanh Hà hoàn tất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn hàng trong và ngoài nước.

Sản lượng dự kiến cao hơn năm trước

Những ngày này, gia đình ông Lê Tiến Dũng ở thôn Đồng Bửa, xã Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) cũng như hầu hết các hộ trồng vải trong vùng dường như không có thời gian ngơi nghỉ. Người tất bật dọn vườn, sẵn sàng thu hoạch trà vải chín sớm u trứng trắng, người chăm sóc trà vải chính vụ. 

Ông Lê Tiến Dũng (bên trái) cùng cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương trao đổi kỹ thuật mới trong bảo vệ quả vải trên cây. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lê Tiến Dũng (bên trái) cùng cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương trao đổi kỹ thuật mới trong bảo vệ quả vải trên cây. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dũng phấn khởi cho biết, tại Thanh Hà, người dân trồng 5 giống vải gồm u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, tàu lai, vải thiều. Bước vào vụ thu hoạch, cả vùng nhộn nhịp như có hội.

Năm nay, người dân càng phấn khởi hơn khi giai đoạn cây ra hoa, đậu quả chỉ có một số diện tích vải u trứng trắng bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết ít mưa, lạnh kéo dài, còn lại các trà vải đều phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm dày dặn và sự hướng dẫn kịp thời của cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, các hộ đã chủ động bám sát diễn biến thời tiết, áp dụng giải pháp tỉa cành, khoanh cây, bón phân, chăm sóc… phù hợp. Nhờ đó, những giai đoạn phát triển quan trọng của quả né được thời thời tiết cực đoan, năng suất dự kiến cao hơn năm trước.

“Hiện thời tiết thuận lợi nên các trà vải của gia đình đều phát triển tốt, từ khoảng 20/5 có thể bắt đầu thu hoạch trà vải sớm. Với diện tích hơn 2 mẫu, gia đình dự kiến thu được khoảng 10 tấn vải trong năm nay. Nếu giá bán vải u trứng trắng đạt mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, các loại vải khác liên tục duy trì ở mức cao như năm trước thì chắc chắn sẽ có một vụ vải thắng lớn”, ông Dũng vui vẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương, năm 2025, toàn tỉnh có 8.800ha vải (huyện Thanh Hà hơn 3.200ha; thành phố Chí Linh 3.400ha; các huyện, thành phố, thị xã khác hơn 2.100ha). Trong đó, trà vải sớm hơn 2.800ha (chiếm 32,4%), trà vải chính vụ hơn 5.800ha (chiếm 67,6%).

Thời gian thu hoạch trà vải sớm khoảng 20/5 - 10/6 (tập trung từ 25/5 - 5/6). Trà vải chính vụ thu hoạch từ 10/6 đến hết tháng 6 (tập trung từ 15 - 25/6). Do thời tiết thuận lợi nên tổng sản lượng vải dự kiến đạt khoảng 65.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 10.000 tấn (năm 2024 đạt 55.000 tấn). Riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (cao hơn năm trước khoảng 13.000 tấn).

Nhờ thời tiết thuận lợi cùng kinh nghiệm chăm sóc của người dân, vụ vải năm 2025 tại Hải Dương được mùa. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ thời tiết thuận lợi cùng kinh nghiệm chăm sóc của người dân, vụ vải năm 2025 tại Hải Dương được mùa. Ảnh: Trung Quân.

Quản chặt mã số vùng trồng, sẵn sàng xuất khẩu

Hiện nay, cơ bản các diện tích vải của Hải Dương đều được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, 12 vùng đã được chứng nhận GlobalGAP, 56 vùng được chứng nhận VietGAP. Tổng diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 721ha. Toàn tỉnh được cấp 198 mã số vùng trồng, 16 mã số cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, ngay từ đầu vụ, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thông qua các lớp tập huấn và phương tiện truyền thông, Chi cục đã phổ biến quy định của các nước nhập khẩu đối với quả vải tươi của Việt Nam; quy định về kiểm dịch thực vật; biện pháp phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; ghi chép nhật ký sản xuất... Bên cạnh đó, tăng cường tần suất kiểm tra, lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV trong quả vải nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi xuất khẩu...

Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà (hợp nhất từ 3 HTX Hợp Đức, Thanh Bính, Trường thành), ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX cho biết, tổng diện tích sản xuất vải của HTX hơn 700ha, trong đó đã được cấp 56 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu (Trung Quốc 15 mã, Mỹ 14, Úc 14, Nhật Bản 13). Đến hiện tại, mọi công tác quản lý, chuẩn bị thu hoạch, sơ chế, xuất khẩu vải đã hoàn tất, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các bạn hàng trong và ngoài nước.

Để có được kết quả này, lãnh đạo HTX và các thành viên đã trải qua nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và bàn bạc, thảo luận, đi đến thống nhất quan điểm: Khi sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các chủ vườn phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm các yêu cầu của thị trường xuất khẩu như kỹ thuật chăm sóc thống nhất, có nhật ký ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất; không dùng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV có trong danh mục cho phép, đúng liều lượng, dừng việc phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch khoảng 15 - 20 ngày để đảm bảo thời gian cách ly theo quy định; tăng dần tỷ lệ phân bón hữu cơ, giảm dần phân bón hóa học…

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang, đến hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đã hoàn tất. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang, đến hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đã hoàn tất. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Hiển, cái lợi lớn nhất khi canh tác vải theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là người trồng bảo vệ được sức khỏe của mình và gia đình khi hàng ngày trực tiếp làm việc tại vườn. Đồng thời, việc phun thuốc có thời điểm, theo đợt, có nhật ký giúp không còn tình trạng phun tràn lan theo kinh nghiệm như trước đây, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Ngoài ra, khi vải xuất khẩu đi các thị trường thì giá trị sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường, chỉ tiêu thụ nội tiêu.

“Hiện nay, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là xu thế chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cho nên nếu các nhà vườn kiên trì, nghiêm túc trong quá trình thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn thì chắc chắn sản phẩm sẽ xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lúc này, công tác tiêu thụ cũng trở nên thuận lợi hơn khi bạn hàng sẽ tự tìm đến. Đồng thời, sản phẩm vải quả có cơ hội đi vào những thị trường lớn, giá bán, lợi nhuận của người trồng cũng tăng lên”, ông Hiển đánh giá.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, để công tác tiêu thụ vải thiều năm 2025 thuận lợi, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp với các tổ sản xuất, cơ sở đóng gói để chuẩn bị những điều kiện cho tiêu thụ và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, dự kiến tổ chức sự kiện “Hải Dương mùa vải chín” và hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm 2025 từ ngày 26 - 30/5 tại huyện Thanh Hà. Đồng thời tổ chức 3 sự kiện quảng bá, giới thiệu vải thiều Thanh Hà, ký kết hợp tác bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), Quảng Ninh, Hải Phòng vào đầu tháng 6/2025…

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vai-hai-duong-duoc-mua-bat-dau-vao-vu-thu-hoach-d753750.html