Thứ hai 28/04/2025 - 15:44
Khuyến nông
Tứ giác Long Xuyên, từ phèn chua hoang hóa thành vựa lúa chất lượng cao
Thứ Hai 28/04/2025 - 15:43
Từ vùng đất phèn chua hoang hóa, vùng Tứ giác Long Xuyên đã chuyển mình thành trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao nhờ kênh Vĩnh Tế và khát vọng con người.
- Khuyến nông An Giang 30 năm thực hiện sứ mệnh hỗ trợ nông dân
- Nông dân… lúa ngàn
- Mekong Connect thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại ĐBSCL và cả nước
- Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL
Từ vùng đất phèn chua đến vựa lúa chất lượng cao
Vùng Tứ giác Long Xuyên từng là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng nhất ở ĐBSCL, nhưng nhờ nỗ lực của chính quyền và người dân, nơi đây đã trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm, đóng góp quan trọng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Kênh Vĩnh Tế có chiều dài gần 100km là kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam, nối liền từ Châu Đốc (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Giữa tháng 4, miền Tây đang vào thời điểm nắng nóng gay gắt, chúng tôi từ TP Long Xuyên chạy xe trên quốc lộ 91 đến TP Châu Đốc (An Giang) - điểm đầu kênh Vĩnh Tế nối ra sông Mê Kông và giáp với nước bạn Campuchia.
Men theo kênh Vĩnh Tế huyền thoại dài gần 100km về phía tây nam, chúng tôi đến xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (An Giang) - nơi được xem là “tâm phèn” của vùng Tứ giác Long Xuyên thuở xưa. Những ngày này, nước kênh Vĩnh Tế xanh ngắt, những cánh đồng mạ non vụ hè thu trải dài như nhung. Xa xa, tiếng máy cày rì rì hòa vào giọng nói rộn ràng của bà con nông dân đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới.
Ông Huỳnh Lộc Dũng, một nông dân đã gắn bó gần 60 năm với mảnh đất Lạc Quới vừa đẩy chiếc xuồng ba lá bơi ngang kênh vừa kể: "Hồi đó đất phèn đỏ ngầu, phơi khô đất còn nứt toác chân chim. Làm lúa một vụ thôi mà bấp bênh, lúa trổ không đều, năng suất chỉ được chừng 2 - 3 tấn/ha. Nhờ con kênh Vĩnh Tế này mang nước ngọt về mới rửa được phèn chua, đất mềm ra, từ 1 vụ lúa giờ làm được 3 vụ mỗi năm, mỗi vụ cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha, năm nào trúng mùa trúng giá thì cuộc sống bà con nơi đây khấm khá, có người xây nhà tường, mua xe và tậu cả đất đai mở rộng diện tích đất nông nghiệp...".

Từ vùng đất phèn chua hoang hóa, Tứ giác Long Xuyên đã chuyển mình thành trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao nhờ kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Câu chuyện của ông Dũng không chỉ là chuyện một nông dân đổi đời ở vùng này mà còn là biểu tượng cho sự hồi sinh kỳ diệu của cả vùng Tứ giác Long Xuyên - một trong ba vùng trũng lớn của ĐBSCL, từng bị xếp vào loại đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả vì nhiễm phèn nặng và thiếu nước ngọt quanh năm.
Kênh Vĩnh Tế được khởi đào từ năm 1819, hoàn thành năm 1824 dưới thời vua Gia Long do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy, đây là kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam, nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Gần 100km kênh, hàng vạn người dân đã góp công sức, mồ hôi và cả máu xương. Hơn 200 năm trôi qua, dòng kênh vẫn chảy, vẫn là mạch nước nuôi sống bao thế hệ cư dân vùng biên.
Ông Ngô Hồng Nhất (xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, An Giang) chia sẻ: “Chúng tôi sống và lớn lên nơi đây hơn nửa cuộc đồi rồi, vì vậy xem kênh Vĩnh Tế như ruột thịt. Nhờ con kênh này mà gia đình tôi sống được, giăng câu, đặt lưới, làm ruộng, rồi mùa nước nổi lại có cá linh, tôm, cua... Bà con ở đây sống nương nhau bền chặt lắm. Hiện nay gia đình tôi có 47ha đất lúa sản xuất 3 vụ/năm và được ngành nông nghiệp chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thấy vui lắm".

Ông Huỳnh Lộc Dũng, một nông dân gắn bó gần 60 năm với mảnh đất Lạc Quới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Từ sau năm 1988, khi chính quyền thực hiện hàng loạt dự án thủy lợi lớn, kênh Vĩnh Tế chính thức trở thành “kênh mẹ” kết nối cùng các kênh T4, T5, T6 và nhiều nhánh phụ tạo thành mạng lưới dẫn nước rộng khắp vùng. Đặc biệt, sau khi kênh T5 hoàn thành theo chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1997, nguồn nước ngọt từ sông Hậu được dẫn sâu vào các vùng đất phèn, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp quanh năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, hiện kênh Vĩnh Tế đang cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 144.000ha sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng giúp nâng tổng diện tích lúa cả vùng Tứ giác Long Xuyên lên gần 400.000ha, sản lượng 5 - 6 triệu tấn/năm, chiếm 1/4 sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL.
Mạch nguồn cho hành trình vươn lên
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: Kênh Vĩnh Tế là dòng kênh lịch sử, giá trị của nó không chỉ dừng ở quá khứ. Kênh Vĩnh Tế đã xoay chuyển hoàn toàn cách con người canh tác trên mảnh đất này, từ lệ thuộc vào thiên nhiên sang chủ động sản xuất và nay phải bước tiếp sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp số.

Ngày nay, nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên vận dụng công nghệ hiện đại vào canh tác nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thực tế cho thấy, chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ là 3 địa phương chiếm phần lớn diện tích nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên đang tích cực chuyển đổi mô hình canh tác. Nhiều vùng đã triển khai mô hình luân canh lúa - tôm, lúa - cá, xen canh cây ăn trái như xoài, mít, chuối xuất khẩu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm phát thải.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Vùng Tứ giác Long Xuyên là khu vực trọng điểm trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Nhà nước sẽ đầu tư mạnh về hạ tầng thủy lợi, logistics, ứng dụng công nghệ số để nâng giá trị sản phẩm lúa gạo, đảm bảo sinh kế người dân và môi trường sống trước biến đổi khí hậu.
Dự kiến đến năm 2030, riêng khu vực này sẽ phát triển khoảng 300.000ha lúa chất lượng cao. Hàng loạt HTX tại Hòn Đất, Tân Hiệp (Kiên Giang), Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn (An Giang) đã được chọn thí điểm ký kết các thỏa thuận chi trả tín chỉ cacbon từ chương trình TCAF – một hình thức phát triển xanh, bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhờ con kênh Vĩnh Tế mang nước ngọt về rửa phèn chua, đất mềm ra, từ 1 vụ lúa giờ làm được 3 vụ mỗi năm, mỗi vụ cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tuy nhiên, vùng đất trù phú này vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Mực nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng, phát triển thượng nguồn sông Mê Kông thiếu kiểm soát và hiện tượng sụt lún ngày càng nghiêm trọng khiến dòng kênh Vĩnh Tế đang có dấu hiệu bồi lắng, ô nhiễm và suy giảm chức năng.
Trước thách thức đó, ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang cho biết, nhiều năm qua tỉnh đã chủ động xây dựng các hồ trữ nước ngọt, tiêu biểu là hồ Tha La – Trà Sư với dung tích lớn, tích hợp thủy lợi, sinh thái, du lịch, giúp điều tiết nước cho hơn 30.000ha sản xuất nông nghiệp ven kênh Vĩnh Tế. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển các hệ thống quan trắc môi trường nước, ứng dụng AI trong cảnh báo xâm nhập mặn và quản lý tưới tiết kiệm.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có gần 400.000ha lúa, sản lượng 5 - 6 triệu tấn/năm, chiếm 1/4 sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Khi mặt trời bắt đầu nghiêng bóng phía sau cánh đồng, chúng tôi đứng trên chiếc cầu bắc qua kênh Vĩnh Tế, nhìn dòng nước lặng lẽ chảy xuôi, lòng đầy cảm xúc. Dòng kênh ấy không chỉ là nhân chứng cho lịch sử hào hùng của công cuộc khai hoang mở cõi, mà còn là mạch nguồn cho hành trình vươn lên của con người giữa đất trời phương Nam.
Với sự chung tay của người dân, nhà khoa học và chính quyền, dòng kênh ấy giờ đây đang tiếp tục một sứ mệnh mới, không chỉ chở phù sa mà còn chuyên chở khát vọng làm giàu và phát triển bền vững. Tứ giác Long Xuyên sẽ không còn là vùng đất chết, mà là một trung tâm sản xuất nông nghiệp thông minh, xanh và tràn đầy sức sống của miền Tây hôm nay và mai sau.

Tứ giác Long Xuyên sẽ không còn là vùng đất chết, mà là một trung tâm sản xuất nông nghiệp thông minh, xanh và tràn đầy sức sống của miền Tây hôm nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tứ giác Long Xuyên nằm giữa các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, từng là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Nhờ sự chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1997, kênh T5 được đào để dẫn nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế vào vùng này, giúp rửa phèn và cải tạo đất. Kết quả, vùng đất này đã được khai hoang và trở thành đất lúa sản xuất 3 vụ mỗi năm, với năng suất mỗi vụ đạt 7 - 8 tấn/ha.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tu-giac-long-xuyen-tu-phen-chua-hoang-hoa-thanh-vua-lua-chat-luong-cao-d749569.html