Thứ năm 22/05/2025 - 09:34
OCOP
Từ cá tạp sắp thành sản phẩm OCOP 3 sao
Thứ Năm 22/05/2025 - 09:31
Từ loài cá tạp, không có giá trị kinh tế, cá sơn đã được người dân huyện Ngọc Hiển chế biến thành sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương.
- Sản phẩm OCOP Sơn La trưng bày tại Hội chợ nông sản Italia
- 250 gian hàng hội tụ tại Hội chợ OCOP Đồng bằng sông Hồng
- Khai mạc Hội chợ triển lãm 'Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2025'
- Đà Nẵng: Thêm 11 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao

Bà Lý Anh Thư, Phó giám đốc HTX Anh Thư chia sẻ hình ảnh cá sơn nguyên liệu trước khi chế biến. Ảnh: Trọng Linh.
Cá sơn đã được người phụ nữ ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chế biến thành nhiều món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất phù sa. Trong đó, món cá sơn rim giòn giờ đây đã trở thành đặc sản được bán với giá từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. Món ăn này sắp tới sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của thị trấn Rạch Gốc.
HTX Anh Thư, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển được biết đến là cơ sở chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy sản từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Đi lên từ những sản phẩm vốn được xem là sản vật quê hương, nên HTX luôn quan tâm đến chất lượng, đưa ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn.
Đến nay, HTX Anh Thư có nhiều mặt hàng chủ lực như mắm tôm, mắm cá sơn, mắm cá mào gà, khô cá đù 1 nắng, khô cá út một nắng, cá cơm rim, cá sơn rim... Những mặt hàng này đã khẳng định được thương hiệu và được đông đảo người tiêu dùng ở khắp mọi miền đất nước biết đến. Trong đó, món cá sơn rim được địa phương lựa chọn, đề xuất là sản phẩm OCOP 3 sao nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hiện nay, đặc sản cá sơn rim đã được bán trên thị trường cả nước. Ảnh: Trọng Linh.
Bà Lý Anh Thư, Phó giám đốc HTX Anh Thư cho biết, cá sơn có nhiều trong vuông tôm nên thu mua rất dễ. Trước đây, cá này được ngư dân bỏ đi vì không có giá trị và chúng thường được chọn làm thức ăn cho cua, cá trong vuông.
"Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng không có giá trị kinh tế, từ đó tôi luôn ấp ủ làm thế nào để nâng tầm giá trị loài cá này. Một mặt, vừa giúp bà con có nguồn thu nhập từ việc bán cá, mặt khác, vừa giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập từ việc làm cá. Từ đó, tôi lên ý tưởng sẽ chế biến một sản phẩm từ cá sơn để bán ra thị trường. Ban đầu, chỉ nghĩ đơn giản là quảng bá món cá sơn để được nhiều người biết đến. Tôi quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm cá sơn rim và đến thời điểm này rất mừng vì hướng đi của mình đúng", bà Thư chia sẻ.
Theo bà Thư, cá sơn có quanh năm, thường được thu mua với giá từ 7.000 – 10.000 đồng, tùy vào thời điểm. Trung bình, cứ khoảng 10kg cá tươi sẽ cho ra 1kg cá khô. Để có sản phẩm bán ra thị trường, quy trình chế biến công phu, khâu làm cá chủ yếu là thủ công nên rất vất vả, mỗi công đoạn đều được cơ sở giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo độ tươi ngon.

HTX Anh Thư còn có nhiều mặt hàng chủ lực khác như mắm tôm, mắm cá sơn, mắm cá mào gà, khô cá đù 1 nắng, khô cá út một nắng, cá cơm rim. Ảnh: Trọng Linh.
Cá sau khi mua về sẽ được cơ sở sơ chế rửa sạch, sau đó đánh vảy, cắt đầu, vệ sinh sạch sẽ, để khô ráo và đem phơi nắng. Khi cá đạt độ khô ráo nhất định, cơ sở đưa vào công đoạn sơ chế thứ 2 là chiên giòn, rồi tẩm ướp hổn hợp gia vị, trong đó nước mắm là vị chủ đạo. Khi cá đạt độ khô, giòn, sau khi để nguội là đến công đoạn đóng hộp, dán nhãn mác, bao bì. Hiện cá sơn rim được bán ra thị trường với giá dao động từ 600.000 đồng – 700.000 đồng, có thời điểm hút hàng, sản phẩm làm ra không đủ bán.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình bà Thư cho hay, do khởi nghiệp từ sản vật địa phương, những sản phẩm dân dã chưa được người tiêu dùng biết đến nên gặp khó khăn.
“Từ sáng kiến, ý tưởng ban đầu tôi triển khai thực hiện luôn, nên sản phẩm đầu tay của mình làm ra chưa biết ngon dở thế nào. Vì vậy, khi hoàn thành sản phẩm tôi đi mời người thân, bạn bè dùng thử và đưa ra nhận xét để điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người dùng. Khi chính thức đưa ra thị trường, những bước đi ban đầu đã dần khẳng định được chất lượng của sản phẩm. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ, đến nay tôi đã nhận được những đơn hàng lớn hơn. Rất mừng hơn khi sản phẩm của mình được đánh giá là ngon”, bà Thư nói.
Anh Trần Hoàng Giao, người tiêu dùng ngụ TP. Cà Mau cho biết: “Tôi thường mua hàng ở cơ sở Anh Thư. Nói chung, sản phẩm ở đây phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng, những lần tôi mua làm quà hoặc để sử dụng trong gia đình đều được mọi người đánh giá là món ăn rất vừa miệng, ngon, ngọt đặc trưng của loài cá ở vùng ngập mặn”.
Đến nay, thị trường tiêu thụ của sản phẩm của cơ sở Anh Thư chủ yếu được quảng bá trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok... và đưa sản phẩm vào hệ thống của Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau để bán. Về lâu dài, cơ sở này có hướng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thủ tục, tìm kiếm thị trường nước ngoài để kết nối, đưa sản phẩm ra thị trường lớn hơn với mong muốn tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu.
Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc đánh giá: HTX Anh Thư chế biến nhiều sản phẩm vốn được xem là sản vật của địa phương và được khách hàng ưa chuộng. Trong đó, món cá sơn rim nước mắm vừa được địa phương lựa chọn, đề xuất ngành chức năng thẩm định, công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thời gian tới, cơ sở Anh Thư sẽ hướng tới việc đa dạng hóa sản phẩm dựa trên nguồn nguyên liệu của địa phương. Hiện cơ sở đang có dự định mở rộng dây chuyền sản xuất, kinh doanh, đầu tư hệ thống máy sấy khô năng lượng mặt trời. Khi đưa vào vận hành, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian phơi, không phụ thuộc vào thời tiết như hiện nay.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tu-ca-tap-sap-thanh-san-pham-ocop-3-sao-d752995.html