Chủ nhật 04/05/2025 - 08:20
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Truyền thông cho ngành Nông nghiệp và Môi trường là hết sức quan trọng
Chủ Nhật 04/05/2025 - 08:18
Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, việc đẩy mạnh truyền thông về ngành Nông nghiệp và Môi trường là rất cần thiết và quan trọng.
- Báo Nông nghiệp và Môi trường lan tỏa thông điệp xanh, sống bền vững
- Báo Nông nghiệp và Môi trường: 'Tiếng nói xanh' cho hành trình phát triển bền vững
- Báo Nông nghiệp và Môi trường giúp lan tỏa chính sách ngành đến mọi tầng lớp nhân dân

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Cũng như cả nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở NN-PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường, đi vào hoạt động từ ngày 1/3. Sau khi sáp nhập, Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Đây là các lĩnh vực rất quan trọng, góp phần chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khánh Hòa có nhiều lợi thế thiên nhiên ưu đãi, vừa có núi, rừng, vừa có biển (đường bờ biển dài 385km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều đầm, vịnh kín gió cùng các cảng nước sâu) và nguồn khoáng sản dồi dào.
Cùng với vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, những năm qua, tỉnh đã thu thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và chế biến hải sản, bất động sản, khoáng sản…

Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: KS.
Theo ông Quang, hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm tỷ trọng 11% trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Năm 2024, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 45,86%. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 850 triệu USD, tăng 26,8% so cùng kỳ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh Khánh Hòa có 71/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 78,9%.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa sẽ xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chính là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, bảo vệ môi trường góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh.
“Với những định hướng trên, chúng tôi rất cần được báo chí hỗ trợ truyền thông để mọi lĩnh vực trong toàn ngành đạt hiệu quả cao nhất, phát triển bền vững và được tôn vinh, quảng bá rộng rãi, nhất là các sản phẩm đặc hữu”, ông Quang bày tỏ.
Bên cạnh đó, hiện nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nước và đất, cháy rừng, mất rừng đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và kinh tế. Do đó, ngành cũng cần truyền tải thông tin về mọi hoạt động phát triển kinh tế cần đi đôi với việc bảo môi trường - một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì một hành tinh xanh cho thế hệ sau.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa chú trọng phát triển rừng bền vững. Ảnh: KS.
Song song đó, việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm bớt sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển nông thôn. Vì vậy, có thể nói, việc giải quyết thủ tục hành chính trong thực thi các nhiệm vụ của ngành cũng là vấn đề cần được báo chí truyền thông. Từ đó giúp đông đảo tổ chức, cá nhân, cộng đồng được thông tin một cách rộng rãi, góp phần tăng cường chất lượng thực hiện các dịch vụ công cũng như thủ tục cải cách hành chính.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa cũng muốn được tăng cường tuyên truyền đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (đã được Chính phủ phê duyệt) để cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, cơ sở nuôi trồng thủy sản cả nước chung tay hưởng ứng. Đây là phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới giảm áp lực cho khai thác, từ đó phát triển thủy sản bền vững.
Ngoài ra, việc tuyên truyền về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không tuân thủ quy định (IUU) cũng hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, ngư dân sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi khai thác thủy, hải sản trên biển.
“Do những vấn đề quan trọng này, thời gian tới, tôi sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thông tin hoạt động của ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa ngày càng lan tỏa, đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả với lĩnh vực được giao quản lý”, ông Quang nhấn mạnh.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/truyen-thong-cho-nganh-nong-nghiep-va-moi-truong-la-het-suc-quan-trong-d742985.html