| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 11:06

Môi trường

Trung Quốc đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái qua mô hình EOD

Thứ Hai 28/04/2025 - 11:03

Mô hình mô hình phát triển dựa trên định hướng sinh thái (EOD) đã phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững tại Trung Quốc.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, mô hình phát triển dựa trên định hướng sinh thái (Ecology - Oriented Development - EOD) đã được lựa chọn thí điểm tại hơn 60 địa phương, tập trung vào các khu vực giàu tài nguyên nhưng gặp thách thức trong phát triển kinh tế hoặc phục hồi môi trường.

Một số mô hình đang được quan tâm như: Dự án EOD hồ chứa Nhật Chiếu (tỉnh Sơn Đông), dự án “Khu vườn thịnh vượng trên biển” tại vịnh Động Đầu (Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang) và dự án làng du lịch sinh thái văn hóa trà Hoàng Long Hiện (Nam Kinh, Giang Tô)...

Những mô hình hay

Nằm giữa vùng đồi núi xanh mát, bao quanh bởi nương chè và rừng trúc, làng Hoàng Long Hiện vốn có nền tảng sinh thái thuận lợi nhưng lại gặp khó do hạ tầng yếu kém, môi trường sống xuống cấp, rác thải ứ đọng, nước thải tràn lan. Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình phát triển gắn với bảo vệ sinh thái (EOD), diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ rệt.

Từ khi triển khai mô hình phát triển gắn với bảo vệ sinh thái (EOD), diện mạo làng Hoàng Long Hiện đã thay đổi rõ rệt. Ảnh: Baidu.

Từ khi triển khai mô hình phát triển gắn với bảo vệ sinh thái (EOD), diện mạo làng Hoàng Long Hiện đã thay đổi rõ rệt. Ảnh: Baidu.

Chính quyền khu Giang Ninh tập trung xử lý các điểm nóng môi trường, kết hợp bảo vệ sinh thái với phát triển kinh tế xanh. Với định hướng “phối hợp tổng thể, thúc đẩy hệ thống”, địa phương phân rõ trách nhiệm giữa nhà nước và doanh nghiệp, xây dựng quy hoạch cải tạo môi trường nông thôn. Chủ trương không phát triển ồ ạt mà giữ gìn sinh thái gốc, nâng cao chất lượng sống người dân.

Cụ thể, các chương trình “cách mạng nhà vệ sinh”, “cách mạng xử lý rác” được đẩy mạnh: xây 9 trạm xử lý nước thải, lắp 9,4 km cống thoát, đặt hơn 500 thùng rác phân loại. Đồng thời, ba hồ lớn với tổng diện tích 423 mẫu được nạo vét, cải tạo sinh thái, tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển xanh.

Dự án này cũng nâng cao giá trị chè, rau quả địa phương và thúc đẩy du lịch. Hiện, Hoàng Long Hiện đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, thu nhập bình quân tăng gấp 6 lần so với năm 2013, trở thành hình mẫu nông thôn mới nổi bật toàn quốc.

Nằm ở cửa sông Ô, ven biển Đông Nam tỉnh Chiết Giang, quận Đông Đầu trong gần 20 năm qua đã triển khai hàng loạt hành động cải tạo vịnh biển xanh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế cản trở sự phát triển chất lượng cao của đảo như: tỷ lệ nước biển ven bờ chưa đạt chất lượng cao, cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đô thị và nông thôn còn yếu, ô nhiễm rác thải biển nghiêm trọng, một số khu vực núi đồi bị phá hoại, trơ trụi.

Để khắc phục, Đông Đầu liên tục tìm tòi, đổi mới hướng đi chung tay làm giàu sinh thái, đồng thời đẩy mạnh quy hoạch và triển khai các dự án EOD, thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển xanh một cách bài bản.

Trong đó dự án "Khu vườn thịnh vượng trên biển" đang được triển khai nhằm phát triển không gian sinh thái biển, nuôi trồng thủy sản xanh và du lịch ven biển bền vững. Dự án tập trung xây dựng các tuyến đường sinh thái dọc biển, xử lý ô nhiễm nước biển, thu gom rác thải đảo dân cư, đồng thời khôi phục hệ sinh thái biển và xây dựng mô hình "ngư cảng không rác".

Một số giải pháp đã được áp dụng như: phân vùng biển sạch nuôi rong biển và hàu, khôi phục hệ sinh thái rừng và rạn san hô, xử lý tập trung rác thải sinh hoạt từ các đảo dân cư, phát triển “ngư cảng không rác” và thúc đẩy du lịch trải nghiệm biển đảo xanh - sạch - đẹp.

Cốt lõi của mô hình EOD là tích hợp quản trị sinh thái vào đầu vào dự án, chuyển lợi ích môi trường thành nguồn lực tái đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ.

Cốt lõi của mô hình EOD là tích hợp quản trị sinh thái vào đầu vào dự án, chuyển lợi ích môi trường thành nguồn lực tái đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ.

Còn ở tỉnh Sơn Đông, dự án EOD xung quanh hồ chứa Nhật Chiếu đang định hình mô hình phát triển kết hợp giữa bảo vệ nguồn nước và phát triển nông nghiệp sinh thái. Tỉnh xây dựng vùng cấm khai thác tài nguyên, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch như trà, ngũ cốc, táo... Có đến 90% sản phẩm nông nghiệp tại đây đạt tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc.

Biến giá trị sinh thái thành giá trị kinh tế

Mô hình phát triển dựa trên định hướng sinh thái (Ecology - Oriented Development - EOD) có mục tiêu quan trọng là biến “giá trị sinh thái” thành “giá trị kinh tế”. Một số dự án điển hình đã cho thấy khả năng kết hợp giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh tại các vùng nông thôn, ven biển và khu vực bảo tồn tại đất nước này.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, mô hình EOD không chỉ đơn thuần là một dự án, mà là sự tích hợp nhiều yếu tố: tài nguyên sinh thái, quy hoạch không gian, công nghệ số và đầu tư tài chính.

Trong đó, việc lấy giá trị tăng thêm từ ngành dịch vụ để đầu tư trở lại cho môi trường là cách tiếp cận được nhiều địa phương lựa chọn. Ước tính, nhờ mô hình EOD, các địa phương có thể giảm chi phí đầu tư công cho các hạng mục bảo vệ môi trường từ 20 - 30%.

Ông Vương Chí Bân, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Tài chính (Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc) nhấn mạnh rằng thúc đẩy mô hình EOD là hướng đi thiết thực để kết nối bảo vệ môi trường với phát triển công nghiệp, hiện thực hóa quan điểm "biển bạc, núi xanh là tài sản quý giá".

“Mục tiêu cao nhất của mô hình là tạo ra hệ thống phát triển lấy sinh thái làm nền tảng, qua đó thúc đẩy sản xuất xanh, xây dựng các cụm ngành nghề thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Bân cho biết.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trung-quoc-day-manh-bao-ve-moi-truong-sinh-thai-qua-mo-hinh-eod-d750246.html