Chủ nhật 25/05/2025 - 16:50
Thời sự
Trồng cây chịu rét thích ứng mùa đông khắc nghiệt
Chủ Nhật 03/12/2023 - 10:09
Để ứng phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tỉnh Yên Bái chủ trương hướng dẫn người dân đưa giống cây chịu hạn, chịu rét nhưng có giá trị cao vào sản xuất.
- Ưu tiên hàng đầu chống rét cho sản xuất nông nghiệp
- Dự trữ thức ăn, tiêm phòng vacxin cho gia súc trong mùa đông
- Thời tiết nông vụ ngày 10/11/2023: Sương mù bao phủ Bắc bộ
- Hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/hộ làm chuồng trại chăn nuôi
Sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) luôn gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng. Khu vực này có độ cao trung bình từ 900m, nhiệt độ thấp, đặc biệt vào mùa đông, có lúc xuống 0 độ C.
Hàng năm, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại tới sản xuất nông nghiệp rất lớn, thậm chí xuất hiện tuyết, băng giá, sương muối làm thiệt hại cây trồng, vật nuôi. Nhiều diện tích đất nông nghiệp không thể sản xuất trong vụ đông do thiếu nước tưới và thời tiết giá lạnh.

Nhiều diện tích trồng rau màu ở Mù Cang Chải phải sử dụng nilon che đậy để chống giá rét, sương muối. Ảnh: Thanh Tiến.
Đưa giống cây chịu lạnh vào gieo trồng
Những năm gần đây, chính quyền huyện Mù Cang Chải đang tích cực thử nghiệm và lựa chọn một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với tiểu vùng khí hậu có mùa đông lạnh giá và khô hạn để bổ sung bộ cơ cấu giống.
Năm nay là năm thứ 3 Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải chuyển sang trồng cây cải mầm đá tại xã Nậm Khắt với diện tích 4 ha. Ngoại hình khá giống loại cây cải ngồng, nhưng cải mầm đá có bẹ to và nhiều nhánh, phần lá ít nên giống như một hòn đá mọc mầm.

Cây rau cải mầm đá phát triển tốt trong mùa đông giá rét nên phù hợp khi trồng tại một số xã của huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.
Anh Hoàng Văn Nối, thành viên HTX chia sẻ, cây cải mầm đá được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt từ tháng 10/2021. Kết quả cho thấy, cải mầm đá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì đây là loại cây ưa lạnh, khí hậu thích hợp từ 18 độ C trở xuống nên bắt đầu trồng từ tháng 9 và thu hoạch trong mùa đông.
Ông Mùa A Tòng chia sẻ, sau khi gia đình ông trồng lê được 3 năm thì cây bói quả, đến năm thứ tư thì cây ra quả rất sai. Kể từ khi trồng lê đến nay chưa thấy năm nào lê bị mất mùa. Ban đầu gia đình ông hái quả ăn và chia sẻ cho hàng xóm. Thời gian sau, gia đình hái những quả to, vỏ đẹp mang đi bán thử thì có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Hiện nay, thương lái còn về tận vườn thu mua với giá từ 35.000- 40.000 đồng/kg.
Đến nay, các thành viên trong HTX đã nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Mỗi ha trồng rau cải mầm đá sẽ cho thu hoạch 30 tấn/ha với giá 20.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 600 triệu đồng/ha. Loại rau đặc sản này chủ yếu bán đi các nơi như Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ...
Xã Nậm Khắt nằm trên độ cao 1.400m, nhiệt độ trung bình năm 17-18 độ C. Vào mùa đông giá rét hơn vùng khác. Do điều kiện thời tiết lạnh, ở đây chỉ canh tác được một vụ lúa nên cảnh thiếu đói vẫn thường diễn ra. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu của huyện đã được áp dụng bằng mô hình trồng hoa hồng Đà Lạt. Hoa hồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp từ 8 - 25 độ C. Cây hoa trồng ở đây cho thân to, nụ hoa mập, màu sắc đẹp. Đến nay, trong xã đã hình thành vùng trồng hoa hồng hơn 40 ha, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Năm 2010, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Yên Bái đã đưa dự án trồng thử nghiệm 1,5 ha giống lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan về trồng ở 2 xã Púng Luông và Dế Xu Phình (Mù Cang Chải), nơi có độ cao từ 1.000 m trở lên. Từ kết quả thực tiễn và khoa học cho thấy giống lê này sinh trưởng phát triển nhanh, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Mù Cang Chải. Khoảng từ năm thứ 3 bắt đầu ra hoa đậu quả. Hiện nay diện tích lê Tai Nung ở đây đã mở rộng tới gần 70 ha.
Vào thăm vườn lê được trồng đầu tiên trên đất Mù Cang Chải của gia đình ông Mùa A Tòng ở xã Púng Luông, chúng tôi thấy nhiều cây đường kính gốc từ 20 - 25cm, cành lá sum suê, quả sai trĩu cành, đó là minh chứng khẳng định được cây lê Tai Nung hoàn toàn phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở khu vực vùng cao lạnh giá này.

Cây lê Tai Nung sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm đã phát triển diện tích lên gần 70 ha. Ảnh: Thanh Tiến.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Bên cạnh việc nghiên cứu, thử nghiệm nhân rộng các giống cây trồng mới, huyện Mù Cang chải vận động người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, từng bước chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Cây hoa hồng ưa lạnh được phát triển khoảng 40 ha tại xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.
Theo ông Sùng A Chua – Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, để thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn người dân lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới, các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu rét, năng suất cao vào sản xuất, vận động bà con sản xuất đúng khung lịch thời vụ và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật… Tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích người dân thay đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hàng hóa, chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả. Tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm đưa các giống cây ưa lạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, vận động nhân dân đưa vào trồng thay thế các loại cây năng suất, chất lượng thấp. Nhờ đó, hiện nay Mù Cang Chải đã có những vườn cây ăn quả ôn đới rụng lá vào mùa đông, bật lộc, ra hoa kết trái vào mùa xuân như: hồng Giòn hơn 30 ha; lê Tai Nung gần 70 ha; đào, mận trên 50 ha.
Những diện tích ruộng cạn, thiếu nước để gieo cấy được chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp khác như: hoa hồng, khoai sọ, khoai tây, khoai lang, đậu đỗ, cải mèo, cải mầm đá… Những sản phẩm này còn trở thành hàng hóa đặc sản được du khách ưa chuộng mỗi khi đến đây.

Du khách đến Mù Cang Chải rất ưa chuộng món rau cải mầm đá. Ảnh: Thanh Tiến.
Hiện nay trên địa bàn đã thành lập nhiều hợp tác xã nông nghiệp với các thành viên là người nông dân, họ đang dần thay đổi tư duy sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sản xuất rau trong nhà kính, nhà lưới; tưới nước tiên tiến; canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Thực hiện các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc để giữ nước, giảm xói mòn.
Thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và những đặc thù khắc nghiệt về thời tiết, đất đai là yêu cầu cấp thiết để ngành nông nghiệp ở huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển. Việc hình thành những vườn rau chịu lạnh, vườn cây ăn quả ôn đới mang lại thu nhập cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro của thiên tai, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Nông Việt Yên – Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Sau hàng chục năm thử nghiệm, phát triển đã cho thấy cây lê Tai Nung, hồng giòn, đào, mận… phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể khẳng định những giống cây ăn quả ôn đới thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển mở rộng diện tích giúp bà con nâng cao thu nhập, tạo thêm những sản phẩm đặc sản thu hút khách du lịch.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trong-cay-chiu-ret-thich-ung-mua-dong-khac-nghiet-d369812.html