| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 30/04/2025 - 08:50

Thời sự

Trình diễn áo dài qua những miền di sản ở Thái Bình

Thứ Tư 30/04/2025 - 08:46

Đoàn người vận trang phục áo dài thướt tha đi giữa cảnh trầm mặc của chùa Keo, để lại những lời bàn tán của các bà, các chị: “Đẹp như tiếp viên hàng không ấy”.

Trình diễn áo dài tại Chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trình diễn áo dài tại Chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quảng bá làng nghề truyền thống Việt Nam

Nghe thấy thế, chị Quỳnh Trang - nhà sáng lập Học viện Phong thái Á Đông khẽ mỉm cười rồi giải thích với tôi rằng: “Chúng em không phải là những ngôi sao, cũng không phải là những diễn viên hay người mẫu gì cả mà chỉ là những bà mẹ bỉm sữa, nội trợ, văn phòng hay doanh nhân.

Sự kết hợp giữa Viện của em và nhà tạo mẫu Hạnh silk là để các học viên mặc những chiếc áo dài bằng lụa, bằng đũi, thể hiện phong thái Á Đông và quảng bá cho các làng nghề truyền thống của Việt Nam mà lụa đũi Nam cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là địa điểm đầu tiên…”.

Là người được đào tạo bài bản ở nước ngoài về phong thái, chị cho biết, vẻ đẹp của một con người chỉ có 20% là bên ngoài, thứ thu hút sự chú ý của người khác. 80% còn lại là bên trong, thứ giữ gìn mối quan hệ với người khác.

Năm 2019 chị thành lập Viện Phong thái Á Đông với mục tiêu giúp cho phụ nữ Việt đẹp từ bên trong ra bên ngoài, thể hiện sự tự tin đó qua những cử chỉ, dáng vẻ, điệu bộ; giúp cho họ biết cách yêu bản thân mình và biết chăm lo cho những người xung quanh. Hiện đơn vị đã có gần 30.000 học viên ở khắp cả nước.

Trình diễn áo dài tại chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trình diễn áo dài tại chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình kể vừa rồi bản thân có đến trụ sở của UNESCO ở Paris (Pháp) để bảo vệ hồ sơ vinh danh nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, quê ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

“Có đi xa mới thấy sự khác biệt về văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi đất nước nhưng càng tiếp xúc nhiều thì tôi lại càng thêm yêu và tự hào về quê hương mình", ông Tuấn nói.

Lần đầu tiên ý tưởng áo dài truyền thống làm từ đũi Nam Cao được trình diễn trong không gian văn hóa chùa Keo là điều đặc biệt để quảng bá cho du lịch Thái Bình. Đũi Nam Cao là sản phẩm tự nhiên 100%, mới nhìn có thể không bóng bẩy, hào nhoáng nhưng lại đẹp một cách mộc mạc, rất thân thiện với cơ thể người mặc.

Đũi Nam Cao - sản phẩm OCOP 4 sao

Trải qua bao thăng trầm, có những lúc làng nghề tưởng như bị mất hẳn vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Nhưng bằng sự tâm huyết của người dân, cộng thêm sự đam mê những sản phẩm truyền thống của Hạnh silk mà làng nghề đã được phục hồi.

Những sản phẩm như áo dài, quần áo nam, cà vạt… bằng lụa, đũi Nam Cao được nhiều nguyên thủ quốc gia, phu nhân các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam cũng như của các nước ưa thích. Đũi Nam Cao cũng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024 và mới được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao”.

Tạo dáng bên Chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tạo dáng bên Chùa Keo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rời chùa Keo, đoàn đến xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Những bãi dâu bát ngát mướt mát xanh. Những nong kén vàng óng như lúa chín. Những cơn gió cũng vương mùi của tằm, của tơ. Chúng tôi được trải nghiệm bữa cơm với nhộng tằm rang, thịt lợn ba chỉ luộc cuốn lá dâu tại nhà vợ chồng anh Trần Văn Thịnh. Với 2 mẫu dâu, mỗi tháng họ nuôi 3 lứa tằm, mỗi năm thu hơn 1 tấn kén, bán lãi được khoảng 70 triệu đồng.

Có hơn 1.000 hộ trong vùng trồng dâu, nuôi tằm như vậy, không những cung cấp kén cho Hạnh silk mà còn nhiều cơ sở ươm tơ, dệt lụa khác. Ngoài kén, nhộng tằm cũng là một đặc sản ở đây. Chúng được cắt ra từ kén nên vẫn còn sống, khác hẳn với nhiều nơi tận dụng kén ươm xong, nhộng đã chết rồi mới lấy ra.

Thêm vào đó là giống tằm vàng truyền thống, năng suất tuy thấp nhưng chất lượng lại cao nên ăn ngọt, bùi, thơm, ngon khó tả chứ không phải là giống tằm trắng lai đang được nuôi đại trà. Hiện, sản lượng nhộng tằm của xã Hồng Phong và vùng phụ cận vào khoảng 300-400 tấn/năm.

Trải nghiệm thu hoạch kén tại xã Hồng Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trải nghiệm thu hoạch kén tại xã Hồng Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hành trình trở về quá khứ

Điểm đến cuối cùng của đoàn là làng nghề dệt đũi Nam Cao. Chúng tôi như được trở về quá khứ khi chứng kiến những bà, những chị mặc áo nâu trầm, ngồi lặng lẽ kéo sợi, guồng sợi, đánh ống, se sợi, ve tua trước cái sân gạch phủ đầy rêu của ngôi nhà cổ trăm tuổi.

Không ai có thể làm được hết các công đoạn của đũi nên ai cũng là một miếng ghép không thể thiếu trong nghề. Riêng công đoạn ve tua được thực hiện trên ống đồng khiến cho các bà, các chị chân nhẵn thín, không còn nổi một sợi lông.

Ngôi nhà cổ đó từng bị bỏ hoang hồi chị Lương Thanh Hạnh, nhà sáng lập thương hiệu Hạnh silk mới đến Nam Cao. Thế rồi nó lại bừng lên sức sống khi ngày ngày có người vào ra se sợi, kéo sợi. HTX Lụa đũi Nam Cao được chị thành lập năm 2016 nhằm bảo tồn, phát triển nghề đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước:

Trình diễn áo dài ở ngôi nhà cổ tại xã Nam Cao. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Trình diễn áo dài ở ngôi nhà cổ tại xã Nam Cao. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chị Hạnh chia sẻ: Trước đây, người người, nhà nhà ngày đêm làm đũi nhưng chỉ bán thô cho thương lái xuất sang Thái Lan, Lào mà không biết để làm gì. Thế rồi làng nghề hơn 400 năm tuổi này chỉ còn 3 hộ theo nghề. Với tình yêu, khát khao nghề được tôi khơi dậy, họ đã tin tưởng, vui vẻ mà làm. Trong 10 năm ấy các nghệ nhân từ thôn ra phố, từ trong nước đến ngoài nước cùng Hạnh silk. Nhiều khách quốc tế phải đến Nam Cao để trầm trồ ngắm nhìn những không gian đậm chất văn hóa Việt, những con người làm ra các sản phẩm lụa, đũi bằng tình yêu và sự khát khao.

Đến nay Nam Cao đã có hơn 250 hộ theo nghề, sản phẩm được xuất khẩu qua 20 nước và bán ở 65 điểm trong nước. So với 10 năm trước thì lụa đũi của Nam Cao nói riêng và Việt Nam nói chung đã tốt hơn nhiều nhưng để sánh vai với các cường quốc về lụa như Ấn Độ, Trung Quốc thì chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa. Các doanh nghiệp và người dân phải đồng lòng hơn nữa, Chính phủ phải quan tâm hơn nữa thì lụa Việt Nam mới có vị trí tốt trên bản đồ lụa thế giới.

Trình diễn áo dài ở ngôi nhà cổ tại xã Nam Cao. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Trình diễn áo dài ở ngôi nhà cổ tại xã Nam Cao. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cũng theo chị Hạnh, lụa đã được kéo bằng máy, còn đũi thì tới nay vẫn làm hoàn toàn thủ công theo cách nấu kén và vùi ủ trong tro rơm 3-5 giờ để cho sợi mềm ra, cho vào chậu nước rồi mới kéo. Đó là điểm khác biệt với tất cả các công nghệ về tơ, lụa trên thế giới.

Mỗi ngày một nghệ nhân chỉ kéo được 70-100 gram sợi. Mùa đông, trong làn nước lạnh giá, tay họ vẫn thoăn thoắt kéo sợi. Chỉ có sự tỉ mỉ và tình yêu nghề mới có thể thực hiện được.

Người nước ngoài rất thích những sản phẩm như vậy. Bởi thế quần sóc của Pháp những năm đầu thế kỷ 20 đã được làm từ đũi Nam Cao nhưng dưới thương hiệu đũi Thái Lan mà không mấy người Việt biết được điều đó.

Dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề lụa đũi Nam Cao trên quy mô 4,5 ha của Hạnh silk cũng đã được phê duyệt để triển khai trong một tương lai gần.

Thăm công đoạn phơi kén. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thăm công đoạn phơi kén. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Xuân Thủy, thành viên của đoàn, một cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: Từng bàn tay lặng lẽ, từng giọt mồ hôi thấm vào sợi tơ, từng ánh mắt chăm chút cho từng đường dệt. Một thước lụa không chỉ là sản phẩm mà là hồn vía của đất, của người. Khoảnh khắc mặc bộ áo dài ấy, lòng tôi trào dâng niềm tự hào khó tả bởi không chỉ là khoác thêm một lớp vải mà là mang trên mình cả một nền văn hóa, sự khéo léo, bền bỉ và tinh thần của người Việt.

"Trong từng thớ vải như vang vọng những câu chuyện xưa cũ, những giá trị mộc mạc mà thẳm sâu. Mỗi dáng hình đều toát lên vẻ đẹp riêng nhưng khi chúng tôi bước đi bên nhau, tất cả hòa quyện thành một bức tranh dịu dàng, đoan trang của người phụ nữ Việt xưa và nay.

Có những khoảnh khắc, gió nhẹ lùa qua vạt áo, tiếng bước chân khẽ chạm đất quê nhà, mọi thứ như chậm lại. Chỉ còn lòng biết ơn âm thầm ngân lên. Biết ơn vì được sinh ra từ đất mẹ hiền hòa, được thừa hưởng những giá trị vô cùng tinh túy, được trở về với chính mình trong vẻ đẹp thuần khiết của áo dài, trong nhịp sống thanh bình của làng quê”, chị Xuân Thủy, thành viên trong đoàn chia sẻ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trinh-dien-ao-dai-qua-nhung-mien-di-san-o-thai-binh-d750932.html