Thứ bảy 03/05/2025 - 23:14
Pháp luật - Bạn đọc
Trị đau nhức các khớp xương
Thứ Ba 14/05/2013 - 10:51
Cháu năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng thường xuyên bị đau nhức các khớp xương, đó là triệu chứng của bệnh gì và có cách nào chữa trị mà không phải đến bệnh viện không?
* Cháu năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng thường xuyên bị đau nhức các khớp xương, đó là triệu chứng của bệnh gì và có cách nào chữa trị mà không phải đến bệnh viện không?
Vũ Diệp Anh (anhvuK34HVNH@yahoo.com).
Có hai loại đau nhức tạm gọi là loại một và loại hai. Loại một gây ra những đau nhức ở cổ, vai, bàn tay, ngón tay, đầu gối, xương chậu...
Ảnh minh họa
Nguyên nhân thường là do tuổi tác (phụ nữ trên 45 tuổi có thể mắc bệnh này), thoái hóa xương, di truyền, bệnh mập phì, hay do những động tác không ngay ngắn được lập đi lập lại lâu ngày như ngồi ghế cong lưng, ngồi lái xe mà thắt lưng bị bẻ cong, nghiêng đầu sang một bên, tay đánh máy suốt ngày không thư giãn, đứng một vị thế cong trong nhiều giờ, nhiều ngày.... Tại Mỹ hiện có tới 21 triệu người bị đau loại một.
Loại hai cũng đau ở các đốt xương, có thể sưng lên, làm biến dạng xương, khó đi đứng, cử động. Loại này ở Mỹ hiện có trên 2 triệu nguời mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do hệ thống miễn nhiễm không làm việc tốt, bị di truyền, hay vì thời tiết thay đổi đột ngột.
Nói chung cả hai loại đều gây đau nhức, nhiều người cảm thấy khốn khổ khi bị các cơn đau hành hạ. Hoặc đi một lúc thì cảm thấy nhức chân, rồi đi lệch lạc. Hoặc ngủ không nổi vì khớp xương đầu gối buốt quá. Hoặc ngồi lâu thì tê hai bả vai...
Thường thì có ba cách điều trị các bệnh đau nhức: Thuốc uống, phẫu thuật và không dùng thuốc. Hai phương pháp đầu tiên, dĩ nhiên, là phải đến khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp thứ ba: Không dùng thuốc lại gồm ba cách: Châm cứu, vật lý trị liệu, và tập luyện. Trong ba cách này, tập luyện dễ hơn cả và tác dụng lâu bền hơn cả. Châm cứu có tác dụng tức khắc, nhưng cũng hết tác dụng nhanh lắm.
Vật lý trị liệu cũng thế. Khi được mát xa, thì thấy rất “đã”, nhưng chỉ một ngày sau là lại đau như cũ. Vậy chỉ còn cách tập luyện lấy một mình, không tốn tiền, không phải giải phẫu, cũng không phiền ai, nhưng chỉ cần có ý chí mà thôi. Song tập luyện cũng phải đúng cách, tốt nhất là có sự tư vấn của các chuyên gia.
* Thông thường người thuận tay trái thì bán cầu não trái hay phải phát triển hơn?
Đoàn Hữu Trung, Thanh Trì, Hà Nội
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì người thuận tay trái là người dùng tay trái để làm những công việc chính như ném, hái lượm đồ vật, sử dụng dụng cụ như viết, cầm đũa ăn cơm, cắt xén, ...
Khi leo trèo hoặc đấm đá thì người thuận tay trái sử dụng tay trái hay chân trái trước. Có một số người tuy thuận tay trái nhưng vì lý do xã hội hoặc truyền thống văn hoá, được hướng dẫn cầm viết bằng tay phải từ nhỏ. Do vậy, tay cầm bút không hẳn luôn luôn là tay thuận của mọi người. Khoảng 8 – 15% người lớn thuận tay trái. Nam nhiều hơn nữ.
So với người khác, những cặp sinh đôi giống nhau thuận tay trái nhiều hơn. Bệnh nhân mắc phải những bệnh sau có tỉ số thuận tay trái cao hơn: Động kinh, hội chứng Down, tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, loạn năng đọc...
Thuận tay trái không liên quan mật thiết đến sự phát triển của một bán cầu đại não nào. Tay thuận có từ khi còn trong bào thai, thường thấy khi siêu âm thai thấy tay thai nhi được liếm hay để gần miệng.
Năm 2007 các nhà khoa học khám phá ra gen LRRTM1 làm tăng cơ hội thuận tay trái. Chất Testosterone tăng cao trong máu người mẹ có khả năng làm thai nhi thuận tay trái.
Theo bác sĩ thần kinh Norman Geschwind thì chất Testosterone làm giảm phát triển của nửa não trái, đưa nhiều neuron tràn sang nửa não phải, tăng khả năng thuận bên trái, đồng thời tăng nguy cơ bị các chứng thường gặp khi nửa não phải phát triển quá độ như bệnh khó học, khó đọc, cà lăm, bù lại khả năng nhận thức môi trường không gian lại khá hơn người thuận tay phải.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-dau-nhuc-cac-khop-xuong-d110103.html